Thứ bảy, 23/11/2024 03:21 (GMT+7)
Thứ năm, 15/07/2021 17:30 (GMT+7)

TP.HCM siết chặt bất động sản, xử nghiêm sai phạm

Theo dõi KTMT trên

UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ngành tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án bất động sản chậm tiến độ, sai phạm theo quy định của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Ngăn chặn thổi giá bất động sản

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch thực hiện chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) năm 2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá BĐS trên địa bàn. Cũng như đánh giá, điều chỉnh bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong việc thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh BĐS. 

TP.HCM siết chặt bất động sản, xử nghiêm sai phạm - Ảnh 1
Thị trường bất động sản TP.HCM liên tục lập đỉnh giá mới trong thời gian qua (Ảnh minh họa).

Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh, chưa nghiệm thu chất lượng công trình.

Đồng thời, tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội (nhà ở người có công với cách mạng; Nhà ở người thu nhập thấp khu vực đô thị; Nhà ở công nhân khu công nghiệp…) trên địa bàn. 

Tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo tình hình triển khai thực hiện các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ ngân sách nhà nước. 

Trường hợp các dự án nhà ở sinh viên khai thác không hiệu quả, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng thành nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp.

Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, hướng dẫn UBND TP.Thủ Đức, UBND quận, huyện tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn theo đúng quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Triển khai ngay việc di dời, bố trí tạm cư và thực hiện cải tạo, xây dựng lại đối với các nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân.

UBND TP.HCM giao Sở TN&MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất trên địa bàn. 

Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc về pháp lý, có vi phạm về quản lý sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà.

UBND TP.HCM giao Công an thành phố tăng cường theo dõi công tác quản lý vận hành, phòng chống cháy nổ tại các tòa nhà chung cư. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng chống cháy nổ, quản lý vận hành, sử dụng các tòa nhà cao tầng, nhà chung cư.

UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện được giao theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá BĐS trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Thanh tra Chính phủ nêu hàng loạt sai phạm đất đai

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; Việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM.

Tại kết luận 757/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã “điểm chỉ” nhiều dự án sai phạm. Như tại dự án KDC ở phường Phú Thuận (quận 7) có tổng diện tích 61.280 m2 do Công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư. 

Qua kết quả thanh tra cho thấy, trước thời điểm Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất, UBND quận 7 đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 qua đó làm giảm giá trị quyền sử dụng đất của toàn bộ dự án.

Đối với KDC Tầm Nhìn thuộc phường Tân Tạo A, quận Bình Tân của Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Khang An, dự án này có diện tích 59.236 m2, trong đó 54.804 m2 đất nông nghiệp, nhà đất do các hộ dân quản lý và sử dụng, còn lại 4.432 m2 là kênh mương do nhà nước quản lý.

TP.HCM siết chặt bất động sản, xử nghiêm sai phạm - Ảnh 2
KDC Tầm Nhìn do Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Khang An làm chủ đầu tư.

Qua thanh tra cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Khang An được chuyển mục đích sử dụng toàn bộ 59.236 m2 đất để đầu tư xây dựng khu dân cư khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất, chuyển đất nông nghiệp để xây dựng khu dân cư, không có tên trong danh mục các dự án có nhu cầu sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm của TP.HCM giai đoạn 2001-2005 được Thủ tướng phê duyệt, cho phép khu dân cư sử dụng đất “lâu dài” nhưng khi được giao đất chủ đầu tư không đăng ký nhu cầu sử dụng đất.

UBND quận Bình Tân phê duyệt quy hoạch 1/500 với chiều cao khu chung cư là 25 tầng, vượt 10 tầng so với quy hoạch 1/200 đã ban hành trước đó. 

Một dự án khác là dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp tại 458 Nguyễn Tất Thành, quận 4 do Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư, với diện tích 5.950 m2, đây là đất do Nhà nước quản lý và giao cho Sở Nhà đất TP.HCM quản lý, Công ty kho bãi thuê để kinh doanh từ năm 1998 với thời hạn 50 năm.

Kết quả thanh tra cho thấy, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương chuyển giao một số mặt bằng kho bãi cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV để hoàn vốn giai đoạn 1 Rạch Ụ Cây, và giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất mặt bằng 458 Nguyễn Tất Thành không qua đấu giá là không đúng quy định.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm tại các khu công nghiệp trong thành phố. Theo đó, chủ đầu tư đã tự thay đổi quy hoạch, xây dựng không đúng quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích, thu lợi bất hợp pháp, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước…

Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.HCM chủ trì, xem xét xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật đối với hơn 2.054 tỉ đồng, hơn 6 triệu USD và hơn 463.900 m2 nhà đất. 

Trong đó, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thu hồi về ngân sách nhà nước 17,629 tỉ đồng. Đồng thời, UBND TP.HCM chủ trì xem xét, xử lý theo thẩm quyền, hoặc đề xuất xử lý đối với 2.036,601 tỉ đồng, 6.037.829,5 USD và 463.964,24 m2 đất.

Hồ Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM siết chặt bất động sản, xử nghiêm sai phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới