Thứ bảy, 23/11/2024 00:13 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/03/2023 16:30 (GMT+7)

TP.HCM: Phát triển nhà ở cần đồng bộ với phát triển hạ tầng

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 – 2030”.

TP.HCM: Phát triển nhà ở cần đồng bộ với phát triển hạ tầng - Ảnh 1
Phát triển nhà ở sẽ phải đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng là mục tiêu của TP. HCM trong giai đoạn 2021-2025

Tại hội nghị “Sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 và công bố chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 – 2030”, đại diện Sở Xây dựng TP. HCM thông tin, trong giai đoạn 2016 – 2020 diện tích sàn nhà ở tại TP. HCM tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn khi đưa vào sử dụng 15 dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích 7ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 7.596 chỗ ở cho công nhân. Cùng với đó, hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án với tổng diện tích sàn xây dựng 4.215m2, đáp ứng 423 chỗ ở cho sinh viên. Giai đoạn này, diện tích sàn nhà ở thương mại toàn thành phố tăng thêm 13,98 triệu m2 sàn, vượt 112,9% so với chỉ tiêu đề ra.

Cũng theo đại diện Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, trong giai đoạn này, nhà dân tự xây đóng vai trò chủ đạo trong tổng diện tích nhà ở xây dựng mới của TP.HCM, với tỷ trọng 71,7% tổng diện tích nhà ở tăng thêm, tăng 38,5 triệu m2 sàn, vượt 23,3% so với chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, xu hướng nhà dân tự xây có xu hướng giảm dần khi năm 2016 tăng 8,8 triệu m2 sàn đến năm 2020 chỉ tăng 6,9 triệu m2 sàn. Diện tích nhà ở dân tự xây khu vực nội thành phát triển chiếm tỷ trọng lớn nhất, sau đó đến khu vực nội thành hiện hữu, các huyện ngoại thành và khu vực trung tâm hiện hữu chiếm tỷ trọng thấp nhất. 

Đến năm 2021, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây toàn TP. HCM  chỉ tăng thêm 3,37 triệu m2 sàn.

TP.HCM: Phát triển nhà ở cần đồng bộ với phát triển hạ tầng - Ảnh 2
Các dự án bất động sản có hệ thống hạ tầng đồng bộ luôn là sự lựa chọn hàng đầu đối với nhà đầu tư

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2022, TP. HCM có 1 dự án nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, cung ứng 260 căn hộ. Dự kiến đến năm 2025, thành phố phát triển thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Cũng theo đại diện sở Xây dựng TP. HCM, trong giai đoạn 2016 -2020, TP.HCM chỉ xét duyệt được cho 509 đối tượng đủ điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách, còn lại khoảng 17.632 đối tượng chưa được hưởng chính sách về nhà ở. 

“Qua giai đoạn trên, lượng nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra. Rất khó khăn khi triển khai các dự án nhà ở xã hội ở TP. HCM bởi các vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý, cơ chế hỗ trợ ưu đãi…", ông Khiết nhận định.

Bên cạnh đó, rất nhiều đối tượng nhà ở xã hội đang khó tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay chỉ 310 khách hàng được vay, với tổng số vốn gần 150 tỷ đồng. Trong khi số lượng đủ điều kiện vay lên đến khoảng 20.000 người, phần lớn phải vay từ các nguồn khác theo giá thương mại.

Về các giải pháp phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, ông Huỳnh Thanh Khiết nêu rõ, việc phát triển nhà ở sẽ phải đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật giao thông và xã hội; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở cả về giá cả, vị trí, diện tích… nhằm đáp ứng dân số tăng nhanh. Thành phố cũng xác định chú trọng phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu; xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà trên và ven kênh rạch.

Do đó, trong quá trình này TP. HCM cần bố trí vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội để các đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt khó khăn có thể thuê, mua, đồng thời tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu ở và khả năng chi trả của người dân có mức thu nhập thấp.

Cũng tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nhận định, để triển khai thành công chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt sẽ còn rất nhiều thách thức; do đó công việc, cách thức phối hợp giữa các lĩnh vực, đơn vị cần được triển khai hết sức nỗ lực, đồng bộ gắn với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện.

“Sau cuộc họp này, Sở Xây dựng công khai những nội dung trong chương trình và cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện đến UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các sở ngành. Sở cũng là cơ quan đầu mối để có tham mưu cho UBND thành phố những vấn đề cần thiết. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, chú ý tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư bởi thành phố cần rất nhiều nguồn lực thực hiện” Phó Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu.

Phong Anh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Phát triển nhà ở cần đồng bộ với phát triển hạ tầng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới