TP.HCM: Phấn đấu đạt mục tiêu 78% nước thải sinh hoạt được xử lý theo quy định
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý còn xả trực tiếp ra kênh rạch, TP.HCM đã và đang nỗ lực xây dựng, đẩy nhanh nhiều dự án xử lý nước thải để giải quyết vấn đề này.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong xử lý nước thải nhưng hiện TP.HCM mới chỉ xử lý được hơn 13% tổng lượng nước thải của cả thành phố. Số nước thải còn lại vẫn thải trực tiếp ra sông, kênh rạch trên địa bàn.
Áp lực dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến nhiều kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm; hệ thống sông, kênh rạch đã không thể tự làm sạch. Nhiều đoạn kênh rạch của thành phố hiện đặc rác thải, nước thải như Xuyên Tâm, Hy Vọng, Đôi - Tẻ…
Nước thải sinh hoạt, công nghiệp ở thành phố hiện đang trộn lẫn với nước mưa trong hệ thống cống thoát nước. Mỗi khi thành phố bị ngập do mưa hoặc triều cường, nước thải sẽ hòa lẫn với nhau, tràn ra, ngấm xuống đất gây ô nhiễm cho môi trường, mạch nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Mới đây, HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương đầu tư cải thiện môi trường cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Theo kế hoạch, dự án này sẽ sớm được triển khai vì TP.HCM đã thu xếp được nguồn vốn. Đây là tin tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; tình trạng ngập úng còn tồn tại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; cũng như đáp ứng nhu cầu được sử dụng nguồn nước sạch, môi trường sạch của người dân TP.HCM.
Việc thi công các dự án xử lý nước thải dự kiến chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành với số lượng đường phải đào để lắp đặt hệ thống thu gom nước thải rất lớn. Theo đó, thành phố đã ghép chung việc cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa, chống ngập với việc tách riêng hệ thống thu gom nước thải vào chung một dự án cải thiện môi trường và chống ngập. Đây là giải pháp khả thi, tối ưu nhưng cần nguồn vốn lớn. Do đó, hiện mới chỉ có 3 lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo môi trường, xây dựng hệ thống thoát nước cơ bản. Trong khi TP.HCM có 5 lưu vực thoát nước chính là Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Đôi - Tẻ và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Trước đó, TP.HCM đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho từng khu vực. Hiện thành phố đã có 2 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, 1 nhà máy chuẩn bị vận hành. Thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm 12 nhà máy xử lý nước thải để đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu 78% nước thải sinh hoạt được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Trong dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã nhận định, cần đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu để thực hiện thành công Nghị quyết 120/NQ-CP. Theo đó, Ban Quản lý dự án đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có đất đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ và Ngân hàng Thế giới để lựa chọn tư vấn kỹ thuật phù hợp với yêu cầu, có năng lực thực tiễn để xây dựng cơ sở dữ liệu; hoàn thiện và trình kế hoạch lựa chọn các nhà thầu, tổng mức đầu tư dự án và đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công việc khác.
Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị, tập trung ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu vùng ĐBSCL tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường đảm bảo cơ sở dữ liệu được xây dựng toàn diện, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn và được kết nối liên thông giữa các Bộ, ngành, địa phương và người dân góp phần phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Minh Khang