Thứ sáu, 29/03/2024 13:04 (GMT+7)
Thứ ba, 09/03/2021 17:38 (GMT+7)

TP.HCM mở đợt cao điểm xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn

Theo dõi KTMT trên

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt "nóng" trong thời gian gần đây, vì vậy từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ mở đợt cao điểm tập trung xử lý vấn nạn này.

Ngày 9/3, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp với các Sở, ban ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức để nghe báo cáo và tìm giải pháp xử lý "vấn nạn" tiếng ồn trong khu dân cư.

TP.HCM mở đợt cao điểm xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn - Ảnh 1
 Ông Võ Văn Hoan Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ mở đợt cao điểm xử lý "vấn nạn" ô nhiễm tiếng ồn. 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt "nóng" thời gian gần đây. Thực tế, các hàng quán, cửa hiệu ven đường dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, sản phẩm nên thi nhau mở loa lớn gây ô nhiễm tiếng ồn.

“Thành phố là đô thi đặc biệt nên không chấp nhận việc từ khu dân cư đến quán ăn, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thực tế, đã có các căn cứ để xử lý ô nhiễm tiếng ồn, nhưng các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết các quy định và cách xử lý, cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, không phải việc của mình", ông Võ Văn Hoan phân tích.

Chia sẻ thông tin về xử lý vi phạm tiếng ồn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, Thành phố đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn tại 17 quận, huyện với số tiền xử phạt hơn 818 triệu đồng. Trong số này, chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn được thực hiện theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, trật tự, xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, mức phạt tiền của Nghị định 167 thấp, chỉ từ 100.000- 300.000 đồng/vụ nên không đủ sức răn đe và chỉ xử phạt từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Vì vậy Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đề xuất, kiến nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 167 theo hướng tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về tiếng ồn tại Điều 6 của Nghị định này và không quy định thời gian vi phạm về tiếng ồn; đồng thời kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 155 theo hướng bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn của UBND phường, xã. Cụ thể, cần bổ sung nhóm hành vi vi phạm tiếng ồn đối với loại hình sinh hoạt trong khu dân cư; sửa đổi quy chuẩn về tiếng ồn (quy định đo độ ồn nền, quy định về tần suất ồn)...

TP.HCM mở đợt cao điểm xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn - Ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết mức xử phạt về vi phạm tiếng ồn còn thấp nên không đủ sức răn đe.

Cung cấp thông tin về tác hại của tiếng ồn đối với sức khỏe, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo thống kê sơ bộ, những người thường xuyên tiếp xúc nhiều với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cao hơn người bình thường. Điều này gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Đáng chú ý, tiếng ồn còn gây ảnh hưởng đến tâm lý, gây bức xúc cho người dân. Từ những bức xúc đó có thể dẫn đến cãi vã, thậm chí xô xát và đã có án mạng xảy ra. Về lâu dài, tiếng ồn ảnh hưởng đến các bệnh về tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhất là đối với những người lớn tuổi.

“Đặc biệt, với những gia đình đang có con đến tuổi đi học, khi vào mùa thi, phụ huynh không biết đưa con đi đâu học vì vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Khi các tiếng hát karaoke dừng thì các cháu cũng cảm thấy mệt mỏi và lăn ra ngủ nên không thể học hành lẫn ôn thi”, ông Hưng nói thêm.

Đề xuất giải pháp xử lý tiếng ồn, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết, trong khi chờ các luật được sửa đổi, bổ sung thì các cơ quan chức năng có thể làm ngay là tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền vận động ở ngay cơ sở. Bởi nếu đề xuất xử phạt bằng luật thì địa phương vẫn khó thực hiện. Vì vậy chỉ còn biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người dân. Các cơ sở, khu phố có thể vận dụng đưa vào hương ước, vận động người dân ký cam kết... Song song đó, lực lượng cảnh sát khu vực cũng cần hỗ trợ cán bộ phường, xã đi nhắc nhở thường xuyên theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì người dân dần dần sẽ tuân thủ và không còn vi phạm.

"Từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ mở đợt cao điểm tập trung xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn. Sau cao điểm sẽ có đánh giá, sơ kết và công việc này sẽ trở thành việc thường xuyên của các cơ quan và đơn vị rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả lâu dài các ngành, quận, huyện, tùy theo chức năng, nhiệm vụ cần thực đồng bộ, đồng loạt và linh hoạt áp dụng các biện pháp theo từng địa phương, miễn sao đạt kết quả tốt nhất để người dân được giảm đáng kể tác hại của tiếng ồn", ông Võ Văn Hoan đề nghị.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó được chia thành 4 nguồn chính. Nguồn thứ nhất, từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club…

Nhóm 2 là quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn.

Nhóm 3 là hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác….

Cuối cùng là các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…).

Hoàng Tuyết

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM mở đợt cao điểm xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.