Thứ bảy, 23/11/2024 04:44 (GMT+7)
Thứ ba, 09/03/2021 16:16 (GMT+7)

Ngành công thương làm gì để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra hàng chục đơn vị về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường ngành công thương theo kế hoạch.

Ngành công thương làm gì để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí? - Ảnh 1
Tình hình ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp. (Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN)

Nhằm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, năm 2021, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn và bảo vệ môi trường của các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao chất lượng kiểm định các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Riêng trong lĩnh vực điện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Quy hoạch điện VIII, quy hoạch này đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt trong phát triển ngành điện.

Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, để giảm thiều ô nhiễm môi trường phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra việc bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện; tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làm từ tro, xỉ.

Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020-2025, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải ngành nhiệt điện; Đánh giá môi trường tổng hợp và đề xuất quy định bảo vệ môi trường tại các trung tâm điện lực; Xây dựng Đề án quan trắc, giám sát môi trường tại các trung tâm điện lực.

Bộ sẽ chỉ phê duyệt các nhà máy nhiệt điện có công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn là những công nghệ nhiệt điện mới nhất hiện nay, đảm bảo hiệu suất cao và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường; tập trung rà soát loại bỏ các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp, không đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường; có kế hoạch triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy nhiệt điện hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao.

Để góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra hàng chục đơn vị về việc chấp hành các quy định của pháp luật về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường ngành công thương theo kế hoạch; kiểm tra 21 đập, hồ chứa thủy về việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa; giám sát 16 nhà máy về thực hiện Đề án xử lý và tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón.

Ở lĩnh vực sản xuất sắt thép, một trong những lĩnh vực được xem là tiêu tốn năng lượng và có khả năng gây ô nhiễm cũng đã có những cải tiến, thay đổi rõ rệt.

Sản xuất gang thép đòi hỏi đầu tư thiết bị công nghệ nhằm kiểm soát tốt vấn đề môi trường, xử lý triệt để các loại chất thải, khí thải phát sinh. Quan trọng nhất trong số đó là giải pháp công nghệ tuần hoàn khép kín, thân thiện với môi trường.

Ngành công thương làm gì để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí? - Ảnh 2
Hoạt động luyện phôi thép tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất, giải pháp này được áp dụng cho cả hai Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Quảng Ngãi. Với công nghệ lò cao khép kín 100%, không xả thải ra môi trường, toàn bộ chất thải, khí thải, nước thải đều được xử lý triệt để, đáp ứng các quy chuẩn hiện hành trong sản xuất công nghiệp nặng, tuần hoàn tái sử dụng, không xả nước sản xuất ra môi trường.

Khu liên hợp lựa chọn công nghệ luyện than cốc thu hồi nhiệt siêu sạch tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, thân thiện với môi trường. Đây là công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt đạt các tiêu chuẩn môi trường theo cơ chế phát triển sạch CDM giảm lượng khí thải nhà kính. Công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện, giúp Hòa Phát chủ động gần 50% nhu cầu điện sản xuất. Với Khu liên hợp tại Dung Quất, Quảng Ngãi, dự kiến sản lượng điện tự chủ được lên đến 60-70%, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho thép Hòa Phát.

Bên cạnh Hòa Phát thì Công ty TNHH Thép Miền Nam – VnSteel cũng đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sản xuất thân thiện với môi trường. Theo đó, công ty này đã chuyển đổi nhiên liệu của lò nung từ dầu FO sang khí thiên nhiên, nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường nên các chỉ tiêu giám sát đều đạt quy chuẩn cho phép. Việc chuyển đổi này giúp công ty tiết kiệm được năng lượng, chi phí và chủ động hơn trong việc kiểm soát khí thải lò nung phôi.

Ngành công thương làm gì để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí? - Ảnh 3
Sản xuất thép tại Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam thuộc tổng Công ty Thép Việt Nam.

Mới đây, tháng 9/2020, Thép Miền Nam đã hoàn thành nâng cấp hệ thống xử lý khí thải lò điện hồ quang với tổng chi phí 42 tỉ đồng. Hệ thống xử lý khí thải lò điện được xử lý bằng hệ thống túi vải lọc bụi. Sau khi hệ thống xử lý khí thải nâng cấp giúp thu gom triệt để khói bụi phát sinh từ quá trình luyện thép. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu giám sát khí thải đều đạt quy chuẩn cho phép.

Lãnh đạo của Thép Miền Nam cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ triển khai đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu và lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc nước thải tự động. Tổng chi phí khoảng 4,1 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Những nỗ lực của Bộ Công Thương và doanh nghiệp ngành công thương đều hướng tới mục tiêu chung tay cùng xã hội bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trước đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản...

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên trong hoạt động sản xuất; rà soát, đánh giá năng lực sản xuất, nhập khẩu, cung ứng nhiên liệu sử dụng cho xe cơ giới theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 6/2021.

“Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng quy định, quy chuẩn đối với than nhập khẩu (hàm lượng tro, hàm lượng lưu huỳnh tối đa cho phép) đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; đề xuất chính sách khai thác, chế biến, nhập khẩu nguyên liệu (lithium, coban...) phục vụ cho sản xuất pin của các phương tiện giao thông điện”, Chỉ thị số 03 nêu rõ.

Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân chính được chỉ rõ là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả.

Đức Dũng

Bạn đang đọc bài viết Ngành công thương làm gì để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới