TP.HCM lấy 900 ha đất trồng lúa làm đô thị: Chiến lược nhất định
Chuyển đổi đồng loạt hơn 900 ha đất trồng lúa làm đô thị là điều cần thiết của TP.HCM trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên cần có chiến lược nhất định để tránh những hệ lụy về môi trường, hạ tầng, kiện tụng pháp lý…
Trước thông tin Sở TN&MT TP.HCM đề xuất chuyển đổi đồng loạt công năng hơn 900 ha đất trồng lúa tại 9 quận, huyện để phát triển đô thị, ngày 10/12/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với với TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:
- Sở TN&MT TP.HCM vừa đề xuất UBND Thành phố đồng loạt chuyển đổi công năng hơn 900 ha đất trồng lúa thành đất phi nông nghiệp để phục vụ mục tiêu đô thị hóa, xây dựng nhà ở. Theo ông, đề xuất chuyển đổi này cần phải lưu ý những vấn đề gì?
Võ Kim Cương: Theo tôi, việc chuyển đổi đất nông nghiệp trong thời điểm hiện tại xuất phát từ nhu cầu mở rộng diện tích để phát triển đô thị. Đề xuất này hoàn toàn hợp lý và thành phố đang thực hiện công việc theo đúng quy định của luật đất đai.
Bên cạnh đó, việc chuyển đất nông nghiệp sang đô thị thì đồng nghĩa với việc phải tăng giá đất lên. Theo quy định, đất nông nghiệp có giá trị thấp hơn đất đô thị, nên nếu chuyển đổi thì sẽ có lợi cho người dân về khoảng đền bù, người dân cũng được hưởng đất đô thị.
Tuy nhiên, việc phân loại, định giá cho đất đã và đang là một nguyên nhân của nhiều vụ kiện cáo và khiếu nại, vướng nhiều bất cập. Tình trạng định giá đất một cách chủ quan theo các quy hoạch, không phải theo giá trị thực chất của nó ngày càng phổ biến. Giá trị thật của đất được phụ thuộc vào vị trí của đất và tác động phát triển của xã hội. Tức là mỗi thời điểm xã hội phát triển khác nhau, giá trị của mỗi khoảng đất sẽ thay đổi. Chứ không phải là do chủ quan của cơ quan hành chính đặt ra. Nếu thay đổi được tình trạng này, sẽ giải quyết rất nhiều việc, đầy mạnh quá trình phát triển.
- Có ý kiến cho rằng, tại các địa bàn tập trung phát triển nông nghiệp như huyện Bình Chánh, thay vì chuyển đổi công năng đất nông nghiệp thì nên có kế hoạch giữ lại đất nông nghiệp để tạo những không gian; Dùng vào mục đích phát triển nông nghiệp dưới dạng nông nghiệp công nghệ cao, tạo yếu tố môi trường, sinh thái, phát triển nông nghiệp phụ trợ để nâng cao tỉ lệ GDP của TP.HCM trong tương lai, quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?
Võ Kim Cương: Đề xuất này hoàn toàn hợp lý. Các vùng nông nghiệp còn lại của TP.HCM không nên phát triển đô thị dày đặc, mà nên quy hoạch để đầu tư vào phát triển không gian xanh. Hiện nay, nếu TP.HCM muốn giải quyết bài toán về môi trường thì phải có chiến lược đẩy mạnh theo hướng đô thị đa trung tâm.
Tại các khu vực như Hồng Kông – Trung Quốc, Singapore đang phát triển mô hình đô thị nén với nhiều tòa nhà chọc trời trên cao và phát triển không gian mở ở dưới. Giữa các tòa nhà trung tâm sẽ có giãn cách đô thị, tại đó là đất nông nghiệp, đất rừng và công viên sinh thái. Mô hình này tuy chưa được nhiều nước thực hiện nhưng có thể đảm bảo về mặt môi trường.
Ngoài ra, xu hướng đô thị xanh cũng đang phổ biến và hướng ra khái niệm nông nghiệp đô thị, tức là làm nông nghiệp ngay trên nóc nhà hoặc các khu vực có khoảng trống xung quanh nơi ở.
- TP.HCM chuyển đổi công năng hơn 900 ha đất trồng lúa phát triển đô thị có thể dẫn tới hiệu ứng cho nhiều tỉnh, thành khác chạy đua làm theo. Khi đó, vấn đề an ninh lương thực là bài toán cũng cần được tính tới, đặc biệt trong quãng thời gian dịch Covid-19 diễn ra Việt Nam buộc phải mở kho dự trữ quốc gia để phát cho người dân. Để giải quyết được vấn đề này, theo ông TP.HCM cần làm như thế nào?
Võ Kim Cương: Hiện nay, ở một số vùng, lãnh đạo các cấp có xu hướng muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và đô thị để mạng lại thu nhập cao hơn cho người dân. Tuy nhiên, nếu quá nhiều địa phương làm vậy thì diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp, cần phải xem xét kỹ vấn đề này. Việc phát triển nông nghiệp ở từng nơi sẽ còn phụ thuộc vào tiềm năng và điều kiện phát triển tại nơi đó.
Trước mắt, việc chuyển đổi hơn 900 ha đất nông nghiệp sẽ có ảnh hưởng, vì hiện nước ta vẫn đang phát triển về việc sản xuất lúa gạo, lương thực, nếu chuyển đổi thì sẽ làm giảm diện tích lúa hiện có. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều nơi có diện tích lúa bị bỏ hoang hàng loạt. Vì thế, diện tích đất nông nghiệp TP.HCM chuẩn bị chuyển đổi so với tổng diện tích nông nghiệp trên cả nước không quá nhiều. Điển hình như vẫn còn một số vùng phát triển mạnh về lúa gạo như ĐBSCL và Đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, nên lưu ý phải có định hướng về quy hoạch tổng thể quốc gia, tài nguyên và môi trường.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã nói sẽ giữ lại một phần diện tích nhất định. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào nhiều tố như mùa màng, biến đổi khí hậu, thậm chí nếu có sai sót sẽ gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế. Vì chung quy nước ta cũng đang cung cấp gạo cho nhiều nước khác.
Vẫn có 1 mâu thuẫn cần được giải quyết giữa chiến lược an ninh lương thực và tạo động lực phát triển kinh tế. Tại những vị trí có tiềm năng, năng suất lao động cao, thuận lợi cho việc phát triển đô thị thì nên phát huy, còn ở những vị trí chưa có tiềm năng thì nên giữ lại đất nông nghiệp. Tập trung phát triển sản xuất để phần nào bổ sung vào năng suất của những nơi bị chuyển đổi đất.
Đối với kế hoạch trước mắt thì TP.HCM phải chấp nhận mất 1 phần diện tích quy hoạch trồng lúa bởi tại đây nhu cầu tạo động lực phát triển cao, còn tại những nơi không có động lực thì nên giữ và chú trọng bù đắp lương thực.
- Tại những thành phố lớn của Việt Nam nói chung và TP.HCM đã có bài học về sự phát triển đô thị quá nhanh gây sức ép lên hạ tầng dẫn tới hệ lụy về ngập úng, tắc đường, không gian sống bị bó hẹp... (đơn cử như khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM).
Với việc chuyển đổi đồng loạt công năng của hơn 900 ha đất trồng lúa để phát triển đô thị, một lần nữa lo ngại về những vấn đề trên được đặt ra. Làm sao để vừa có được tốc độ phát triển đô thị vừa giải quyết được những vấn này, thưa ông?
Võ Kim Cương: Việc đó xảy ra một phần do việc mất cân đối phát triển dân cư trong khu đô thị và việc phát triển cơ sở hạ tầng. Phát triển dân cư gắng liền với phát triển công năng đất để phục vụ dân cư như: thương mại, dịch vụ,…. Việc đáp ứng được các nhu cầu để phục vụ dân cư đó nhiều hơn, nhanh hơn so với việc phát triển cơ sở hạ tầng nên làm mất cân đối.
Việc phát triển đô thị muốn tránh hiện tượng đấy thì phải đề ra 1 chiến lược phát triển nhất định. Bao gồm quy hoạch và thực hiện. Phải có biện pháp để tăng cường việc quản lý quy hoạch đô thị để đảm bảo đồng bộ quy hoạch đó theo không gian và thời gian.
Tại Việt Nam chưa có các luật về chiến lược riêng, tuy nhiên vẫn có luật về quy hoạch tỉnh, đô thị. Phải thích ứng bằng cách lập chiến lược thực hiện, Bộ Xây Dựng nên đưa ra chương trình phát triển đô thị, từ đó nâng lên thành chiến lược cụ thể, tạo điều kiện cho việc thực hiện diễn ra dễ dàng hơn.
- Cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường!
Huỳnh Mai (thực hiện)