TP.HCM làm gì để khai thác hiệu quả kinh tế về đêm ở phố đi bộ?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phố đi bộ không chỉ tạo không gian đa dạng các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… cho người dân và du khách mà còn phát triển kinh tế về đêm.
Ngoài Phố đi bộ Bùi Viện và Nguyễn Huệ, mới đây Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND Thành phố cho tổ chức thêm một số tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm vào chiều cuối tuần, như: tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thi Sách, Phạm Ngọc Thạch... Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phố đi bộ không chỉ tạo không gian đa dạng các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… cho người dân và du khách mà còn phát triển kinh tế về đêm. Nếu đề xuất này được thông qua thì các cơ quan chức năng cần làm gì để khai thác hiệu quả kinh tế về đêm ở các phố đi bộ?
Tiềm năng chưa được khai thác tốt
Mặc dù vẫn còn hạn chế đón khách du lịch nước ngoài do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng những ngày cuối tuần, Phố đi bộ Bùi Viện, Quận 1 vẫn tấp nập khách đi dạo, ăn uống và giải trí… Khách đến đây là người dân thành phố, du khách trong nước và người nước ngoài đang làm việc tại TP.HCM. Tuyến đường này dài chưa đến 1km và có đến hơn 185 hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn, khách sạn… Những lúc cao điểm, vào buổi tối, Bùi Viện có hơn 2 ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, vui chơi, giải trí. Mỗi năm, các cơ sở kinh doanh ở Bùi Viện đóng thuế hàng tỉ đồng, riêng năm 2019 khoảng 6 tỉ đồng.
Ông Tống Hữu Lộc, chủ quán thịt nướng ở đây cho biết, mỗi tối cuối tuần quán có doanh thu vài triệu đồng: "Có tuyến đường phố đi bộ này người dân buôn bán được, sống thoải mái, có doanh thu và đóng thuế cho nhà nước. Tôi cũng đề nghị khôi phục các hoạt động sân khấu về đêm để thu hút người dân và du khách”.
Không chỉ Bùi Viện mà ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, các hộ dân cũng phát triển được nhiều dịch vụ kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng với giá tốt. Chính vì hiệu quả kinh tế về đêm của phố đi bộ nên đề xuất mở thêm nhiều tuyến phố đi bộ được người dân thành phố đồng thuận cao.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là hướng phát triển tích cực mà nhiều nước phát triển trên thế giới đã làm và rất hiệu quả. Nhiều nước tổ chức các tuyến phố đi bộ đêm để thu hút du khách ăn uống, vui chơi, giải trí và mua sắm về đêm. Hướng phát triển này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố là phát triển dịch vụ, thương mại... TP.HCM khi phát triển dịch vụ phải tạo ra nhiều dòng sản phẩm, trong đó có kinh tế về đêm. Đây sẽ là nguồn thu không nhỏ cho thành phố, nhất là thu thuế từ các dịch vụ, kinh doanh và thuế giá trị gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM cho rằng, hiện nay, các sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm của TP.HCM còn rất hạn chế. Các cửa hàng, trung tâm thương mại hoạt động có giới hạn thời gian về đêm. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật về đêm cũng ít. Du khách đến thành phố vào cuối tuần, khi đêm xuống chỉ ở khách sạn, rất đáng tiếc. Cho nên, mở rộng các tuyến phố đi bộ gắn với phát triển kinh tế là cần thiết.
Bà Khánh nói: "Đây là định hướng rất tốt để phát triển kinh tế đêm và thu hút du khách. Nó cũng góp phần giảm sự quá tải ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Vấn đề là quy hoạch phát triển 2 bên đường phố đi bộ làm phần nào ra phần đó, hấp dẫn, tránh làm tràn lan, dàn trải, nhiều khi chưa có sự chuẩn bị tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ".
Phát triển kinh tế đêm - cần chuẩn bị kỹ
Theo nhiều chuyên gia, để phát triển kinh tế về đêm ở những tuyến phố đi bộ hiệu quả thì phải có sự chuẩn bị trước, tổ chức bài bản, tạo nét đặc trưng riêng ở từng tuyến phố. Các dịch vụ vui chơi giải trí, hàng hóa bày bán phải có sự chọn lọc, tránh sự trùng lắp và nhàm chán, đặc biệt là đảm bảo giá cả phù hợp, chất lượng tốt. Thành phố phải tạo ra những mô hình hấp dẫn để khách du lịch sẵn sàng “móc hầu bao” chi tiêu. Trong đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố về các tuyến phố đi bộ cũng đã có những dự kiến này.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đạt Chí cho rằng, để khai thác hiệu quả kinh tế về đêm ở các tuyến phố đi bộ, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền địa phương để quản lý, khai thác. Thành phố cũng phải có chính sách riêng cho kinh tế về đêm.
Ông Chí nói: "Phát triển kinh tế về đêm không chỉ có Sở Giao thông, vận tải mà phải có sự phối hợp với các ngành khác như ngành khác như du lịch, văn hóa, thương mại… Họ phải bắt tay có chính sách cho người bán hàng được lợi gì khi bán hàng ở đây? Tại đây phải có nhiều sản phẩm, dịch vụ cho du khách. Thành phố phải có những sách người làm du lịch họ đưa khách tham quan, ví dụ như sau khi du khách đến nhà hát thì tiếp theo sẽ đi qua các tuyến mua sắm, vui chơi…”.
Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ, thành phố nên có bước chuẩn bị triển khai tốt hoạt động của các tuyến phố đi bộ để khi qua dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng phục vụ du khách. Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển cho thấy, kích thích phát triển kinh tế không phải ở nhà máy, công xưởng mà kích thích từ tiêu dùng. Do đó TP.HCM khai thác tốt tiềm năng này ở các tuyến phố đi bộ cũng là một cách kích thích tiêu dùng và tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lệ Hằng