TP.HCM: Huy động hơn 870.000 tỷ đồng để hoàn thành 6 tuyến metro
Đây là nội dung được Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM trình bày tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026.
Cụ thể, tại Kỳ họp diễn ra vào ngày 15/7, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trình bày Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (Metro) tại TP.HCM theo Kết luận số 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tờ trình về đề án này đã được UBND TP.HCM báo cáo tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 31 hồi tháng 6/2024. Nếu được thông qua, Đề án này sẽ được trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Theo Đề án, đến năm 2035, TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 183km. Đến năm 2045, TP.HCM xây dựng thêm hơn 168km để hoàn thiện 7 tuyến metro, nâng tổng chiều dài lên khoảng 351km. Đến năm 2060, dự kiến TP.HCM có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510km.
Để huy động vốn, TP.HCM xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, lâu dài, ngân sách giữ vai trò chủ đạo; ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, phát hành trái phiếu,…
Tại Kỳ họp, UBND TP.HCM cũng báo cáo nhiều tờ trình liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách. UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông như dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp (TP.Thủ Đức); mở rộng đường D3 (đoạn từ Phan Văn Trị đến Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp); nâng cấp tỉnh lộ 8 (đoạn từ cầu kênh N31A đến ngã tư Tân Quý, H.Củ Chi); nâng cấp, mở rộng đường Mạc Vân (Q.8).
UBND TP.HCM đồng thời trình để HĐND TP.HCM thông qua các dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư một số trường học như đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới Trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh); nâng cấp, cải tạo Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Thanh Mai