TP.HCM: Nỗ lực phát triển kinh tế số đạt 25% GRDP vào năm 2025
Theo Bộ TTTT, tỷ trọng kinh tế số của TP.HCM năm 2023 là 21,5%. Dự kiến thành phố sẽ đạt chỉ tiêu 25% vào năm 2025.
Chiều 10/7, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến lần thứ 9 với 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành để sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia. Tại hội nghị, UBND TP.HCM đã báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số thúc đẩy thương mại điện tử nhằm phát triển kinh tế số tại TP.HCM
Hội nghị là sự kiện quan trọng để đánh giá tình hình thực hiện chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ. Từ đó, đề xuất các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế số. Đánh giá của Bộ TT&TT, tỉ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP năm 2023 là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022 và dự kiến đạt 25% vào năm 2025. Được biết, thương mại điện tử trở thành ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào GRDP với tỉ trọng 14%. Thị trường thương mại điện tử tại đây sôi động với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 37%.
Theo Phó Chủ tịch UBND, nhờ vào chiến lược hiệu quả và quyết tâm cao, TP.HCM đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Điển hình là chủ động nghiên cứu phương pháp đo lường chỉ số kinh tế số đóng góp vào GRDP cấp tỉnh và tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo nhằm xác định phương hướng và các lĩnh vực cần thúc đẩy để phát triển kinh tế số.
Thời gian qua, thành phố đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên cho chuyển đổi số, bao gồm y tế, giáo dục, lao động, an sinh xã hội, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường. Ngoài ra, địa phương cũng tiếp tục xây dựng dữ liệu số, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số toàn diện. Năm 2024, TP.HCM tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuyển đổi số.
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố vẫn nỗ lực phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo an ninh mạng, triển khai nhiều dịch vụ đô thị thông minh và xây dựng chính quyền số hiệu quả, minh bạch để phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử.
Dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TT&TT cùng Sở Công Thương đã hợp tác tích cực để thúc đẩy thương mại điện tử và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả đáng khích lệ là hơn 71% doanh nghiệp “bắt kịp” xu hướng chuyển đổi số, sử dụng nền tảng số cho hoạt động kinh doanh và hơn 80,2% đã áp dụng hợp đồng điện tử. Thành phố đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế số, mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp.
Trong tương lai, TP.HCM vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền số, hướng đến cơ bản đưa hoạt động hành chính của thành phố lên nền tảng số vào năm 2025; Tiếp tục kiên trì xây dựng dữ liệu số làm nền tảng để chuyển đổi số thành công và phát triển kinh tế số; Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số gắn với mục tiêu phát triển kinh tế số trong ngành chủ lực của thành phố; Tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số tại TP.HCM; Xây dựng kế hoạch để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ chỉ đạo thống nhất phương pháp đo lường chỉ tiêu kinh tế số để các địa phương dễ xác định mục tiêu và giải pháp, đồng thời chọn TP.HCM làm thí điểm mô hình khai thác dữ liệu, hướng tới thành lập sàn giao dịch dữ liệu do Bộ TT&TT chủ trì.
Với những bước đi quyết đoán và sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, TP.HCM đang trên đà đạt được mục tiêu cao cả của chuyển đổi số, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số quốc gia.
Thanh Trúc