Thứ bảy, 05/10/2024 08:29 (GMT+7)
Thứ tư, 14/08/2024 15:04 (GMT+7)

TP.HCM: Động lực mới của trung tâm dịch vụ châu Á

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM phê duyệt Đề cương "Xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Trong những năm qua, theo đánh giá của UBND TP.HCM mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố đã và đang có những bước chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tăng dần tỷ trọng dịch vụ so với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Giai đoạn từ 2011 đến 2022, ngành dịch vụ đã trở thành trụ cột chính, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP.HCM. Cụ thể, tỷ trọng của ngành dịch vụ đã tăng đều qua các năm, từ 57,67% vào năm 2010 lên 62,54% vào năm 2020 và tiếp tục đạt 64,2% vào năm 2022.

TP.HCM không chỉ duy trì vai trò là trung tâm dịch vụ hàng đầu của cả nước mà còn khẳng định vị thế là một trong những động lực chính của sự phát triển kinh tế dịch vụ tại Việt Nam. Với đóng góp 25,7% vào tăng trưởng khu vực dịch vụ của cả nước trong giai đoạn 2011 - 2022, TP.HCM đã hoàn thành tốt vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng kinh tế và đời sống của người dân.

TP.HCM: Động lực mới của trung tâm dịch vụ châu Á - Ảnh 1

Mặc dù khu vực dịch vụ của TP.HCM đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm và giải quyết. Điển hình như hiện nay, đa phần các đơn vị dịch vụ trong thành phố vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đạt đến quy mô, tầm vóc của các tập đoàn dịch vụ hàng đầu có khả năng dẫn dắt và định hình thị trường. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho khu vực này vẫn còn hạn chế, gây cản trở cho việc mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Một thách thức lớn khác là sự liên kết tự nhiên giữa các doanh nghiệp với xu hướng hợp nhất theo chiều dọc và chiều ngang còn yếu, dẫn đến sự phân mảnh và thiếu tính đồng bộ trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, giữa bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, khu vực dịch vụ của TP.HCM vẫn chưa theo kịp xu thế này dẫn đến sự hạn chế trong khả năng cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi toàn cầu.

Vì vậy, việc triển khai Đề án "Xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao" là một yêu cầu cấp thiết. Đề án này không chỉ nhằm khắc phục những hạn chế hiện tại mà còn đóng vai trò then chốt trong việc tạo động lực để TP.HCM bứt phá, vươn lên trở thành một trung tâm dịch vụ hàng đầu có sức ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước mà còn ở tầm khu vực.

Mục tiêu chính của Đề án là tiến hành phân tích và đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển của các ngành dịch vụ tại TP.HCM trong giai đoạn 2010 - 2023. Đề án sẽ tập trung xem xét quy mô, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng, giá trị gia tăng cũng như các nguồn lực và điều kiện phát triển của các ngành dịch vụ trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Đề án cũng nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, tiềm năng, thế mạnh cơ hội và thách thức mà TP.HCM đang phải đối mặt trong quá trình phát triển kinh tế dịch vụ.

TP.HCM: Động lực mới của trung tâm dịch vụ châu Á - Ảnh 2

Không dừng lại ở việc đánh giá hiện trạng, Đề án còn đặt mục tiêu xác định tầm nhìn dài hạn và chiến lược tổng thể cho sự phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu, then chốt có giá trị gia tăng cao. Việc lựa chọn các nhóm ngành dịch vụ này sẽ dựa trên quy mô, tỷ trọng phù hợp với tiềm năng của TP.HCM, đồng thời phải bắt kịp xu hướng phát triển của ngành kinh tế dịch vụ toàn cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Qua đó, TP.HCM không chỉ muốn phát huy tối đa các lợi thế cạnh tranh của mình mà còn mong muốn vươn lên, khẳng định vị thế so với các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Mục tiêu cuối cùng là đưa TP.HCM trở thành một trung tâm dịch vụ lớn cấp quốc gia và khu vực với vai trò là điểm đến hấp dẫn cho các lĩnh vực dịch vụ mà thành phố có lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Mặt khác, việc xác định rõ các nguồn lực, yêu cầu và điều kiện cần thiết để phát triển các ngành dịch vụ chủ yếu của TP.HCM là bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm dịch vụ hàng đầu trong khu vực. TP.HCM cần tập trung huy động và tối ưu hóa các nguồn lực về nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ và hạ tầng, đồng thời thúc đẩy các chính sách hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của các ngành dịch vụ.

Để đạt được điều này, thành phố cần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng hiện đại và phát triển công nghệ thông tin sẽ là nền tảng quan trọng giúp TP.HCM dẫn đầu trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế.

TP.HCM: Động lực mới của trung tâm dịch vụ châu Á - Ảnh 3

Hơn nữa, TP.HCM cần tạo điều kiện để các ngành dịch vụ của thành phố không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn vươn ra quốc tế, trở thành đầu mối giao lưu và hội nhập với các thị trường toàn cầu. Đây là mục tiêu chiến lược, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của cả khu vực góp phần nâng cao vị thế của TP.HCM trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên trường quốc tế.

Cùng với việc phát triển các dịch vụ cao cấp và hiện đại, TP.HCM cần xác định rõ những lĩnh vực dịch vụ tiên phong sẽ được ưu tiên trong giai đoạn tới. Quá trình này phải dựa trên sự kế thừa và chọn lọc từ những kết quả, nội dung của các đề án và chương trình nghiên cứu mà thành phố đã và đang thực hiện. Điều này nhằm đảm bảo rằng những chiến lược và kế hoạch sau khi triển khai sẽ có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố.

Đồng thời, việc xây dựng các tiêu chí để xác định các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao là cần thiết. Các tiêu chí này phải phù hợp với thông lệ quốc tế và các chỉ tiêu thống kê của thành phố, từ đó tạo nền tảng để đo lường, theo dõi và đối chuẩn các mục tiêu phát triển. Đây sẽ là cơ sở quan trọng giúp TP.HCM định hình rõ ràng con đường trở thành trung tâm dịch vụ lớn của khu vực Đông Nam Á và châu Á. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần phát triển bộ tiêu chí để xác định rõ vị thế của TP.HCM như một trung tâm dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực.

Ngoài xác định các nhiệm vụ, chương trình, đề án và danh mục dự án trọng điểm cần được chú trọng để đảm bảo rằng từng ngành dịch vụ sẽ được tập trung đẩy mạnh triển khai. Các giải pháp, cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện cũng cần được đề xuất một cách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện những mục tiêu đã đề ra, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của quá trình hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu.

Văn Dũng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Động lực mới của trung tâm dịch vụ châu Á. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành những vấn đề cấp bách, thì xu hướng du lịch “chữa lành môi trường” đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.
Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ"
Một trong những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cộng sinh công nghiệp và một số khuyến nghị với Việt Nam
Tiềm năng cộng sinh công nghiệp (CSCN) tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Việt Nam là lớn và đa dạng ở các loại hình cộng sinh khác nhau như cộng sinh phụ phẩm và chất thải mà còn có nhiều tiềm năng về các loại hình cộng sinh khác.
Đề xuất giao PVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi.

Tin mới