Thứ bảy, 07/09/2024 20:44 (GMT+7)
Thứ sáu, 19/08/2022 18:10 (GMT+7)

TP.HCM: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Với mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế, TP. HCM đang triển khai 2 nhóm giải pháp xử lý nhằm phục phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM phát sinh trung bình 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), 100% được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, khối lượng rác thải sinh hoạt đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), phần còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.

TP.HCM: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Các khu xử lý rác tại TP.HCM chủ yếu xử lý bằng việc chôn lấp và đốt không thu hồi năng lượng.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM thông tin, mặc dù các bãi chôn lấp tại thành phố sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, luôn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của thành phố ở giai đoạn trước đây, trong đó hạn chế lớn nhất là tồn tại mùi hôi trong một số thời điểm.

Do đó, định hướng của thành phố trong công tác xử lý chất thải rắn đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hướng đến quản lý môi trường xanh. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng trưởng xanh.

Để đảm bảo đạt chỉ tiêu tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TP. HCM đã giao Sở TN&MT chủ động phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp. Theo đó, TP. HCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với thành phố, đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.

Cụ thể, đối với giải pháp chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện, trên địa bàn TP. HCM hiện triển khai bốn dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện. Trong đó, UBND Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư đối với hai dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).

Hai đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ, Thành phố có định hướng đến năm 2025 hơn 80% lượng rác của TP phải xử lý bằng công nghệ hiện đại là tái chế và đốt rác phát điện.

“Đến thời điểm này Thành phố đã nhận được đề xuất của 6 dự án. Dự kiến đến năm 2025, số lượng rác mỗi ngày phát sinh là khoảng 12.500 tấn. Vậy 80% được xử lý bằng đốt và tái chế là khoảng 10.000 tấn/ngày”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, số lượng rác còn lại, Thành phố xử lý theo hướng mua dịch vụ. Có nghĩa là hướng tới làm sao nhà xử lý phải cung cấp một dịch vụ có thể là đốt và tái chế. Dịch vụ này phải đảm bảo về mặt môi trường, đảm bảo giá Thành phố đưa ra, công nghệ do nhà đầu tư lựa chọn và đưa ra tiêu chí.

TP.HCM: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2

Tỉ lệ sử dụng công nghệ đốt rác tại TP.HCM hiện nay chiếm khoảng 31%, còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh.

Đối với giải pháp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Từ đó làm cơ sở triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.

Đến nay, Sở KH&ĐT đang dự thảo và lấy ý kiến các đơn vị. Bên cạnh đó, UBND TP. HCM đã có văn bản giao Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Thành phố theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Sở TN&MT đã phối hợp với tổ công tác liên ngành thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý CTRSH như: Công ty cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH EVGreen.

“Nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành theo kế hoạch thì TP.HCM đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 80% CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế vào năm 2025 và hướng tới 100% vào năm 2030”, ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin.

Cần phân loại rác tại nguồn trước khi lựa chọn công nghệ xử lý

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn ở nước ta chưa tốt, mới mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc áp dụng. Một số dự án thí điểm triển khai nhưng không thành công do hạ tầng, điều kiện kỹ thuật chưa có. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể phân loại rác thải theo 3 loại: rác thải có thể tái chế được, rác thải thực phẩm và rác thải để xử lý. Tuy nhiên, chứa chất thải bằng gì, phương tiện vận chuyển gì, công nghệ gì thì cần giải pháp căn cơ và đồng bộ mới triển khai thực hiện được.

Theo ông Hiền, hiện nay có trên 70% được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó, chỉ có 15% rác thải chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với công nghệ chôn lấp khi chúng ta không thu gom được khí mê-tan. Do vậy, công nghệ là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta cũng có một số công nghệ khác như công nghệ đốt, công nghệ ủ,… nhưng thực tế vẫn là công nghệ đốt là chính. Trong thời gian tới, chúng ta phải đi từ nguồn rác phân loại, trên cơ sở đó sẽ có lựa chọn công nghệ phù hợp hơn.

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Chuyển đổi công nghệ xử lý rác hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.