Cần sớm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại TP. HCM
Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm 2022 và một số dự án đầu tư công trọng điểm của TP.HCM, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần phải sớm tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại Thành phố.
Ngày 27/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế, xã hội 7 tháng đầu năm 2022 và một số dự án đầu tư công trọng điểm của TP. HCM.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM thời gian sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, sau khi kiểm soát dịch bệnh, TP. HCM đã nhanh chóng bắt tay hồi phục và phát triển kinh tế, xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhắc lại hành trình 2 năm chống dịch của người dân, và chính quyền TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự chủ động của Thành phố. Theo Thủ tướng, dù đã gặp nhiều khó khăn, mất mát về người và kinh tế nhưng với sự chủ động tích cực xử lý, đồng thời có sự vào cuộc của Nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh và khôi phục kinh tế.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, TP. HCM còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục và phát triển kinh tế -xã hội. Tuy nhiên, Thành phố cần tập trung triển khai chương trình phục hồi kinh tến- xã hội, khơi thông các dự án lớn đang ách tắc, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch…
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để tháo gỡ khó khăn cho TP. HCM, Thường trực Chính phủ sẽ làm việc nhiều hơn với thành phố, cố gắng ít nhất mỗi quý một lần.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của TP. HCM 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho hay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh, nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, TP. HCM cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan, Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của TP. HCM tăng 3,82%, riêng quý II đã tăng trưởng gấp 3 lần quý I. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 12,2%, tổng thu ngân sách đạt 73,2% dự toán năm và tăng 20% so với cùng kỳ.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP. HCM, nhằm kích cầu thị trường Thành phố đã chủ động thực hiện các chương trình phục hồi, bình ổn thị trường. Điểm nhấn trong kích cầu thị trường là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch với nhiều chương trình nhằm thu hút khách du lịch nôi địa và quốc tế. Đồng thời, Thành phố cũng đã khởi động nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
“Những tháng cuối năm, Thành phố sẽ tập trung các giải pháp quyết tâm thực hiện đạt được 19 chỉ tiêu kinh tế, xã hội từ đầu năm mà HĐND Thành phố đã thông qua. Trong đó, đặc biệt kiên trì và cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng như mục tiêu là 6 - 6,5%”, Chủ tịch UBND TP. HCM khẳng định.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung lên Chính phủ như liên quan tới tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất theo quy định; Công tác quản lý nhà, đất, quỹ đất thanh toán cho các hợp đồng BT; Bố trí vốn cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ; Các cơ chế, chính sách triển khai dự án đường Vành đai 3, đường Vành đai 4; Triển khai dự án xây dựng tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)...
Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP. HCM cho rằng, những vướng mắc về thể chế chính sách đang trở thành điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của TP. HCM. Theo ông, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách đang vướng mắc, vấn đề tháo gỡ phải được tập trung thực hiện để các dự án, nhóm việc được đẩy nhanh, "đừng đổ thừa vì vướng mắc thể chế mà công việc bị chậm tiến độ".
"Sức phục hồi nền kinh tế của TP. HCM rất mạnh. Chỉ cần chúng ta mở các cơ chế ra thì doanh nghiệp sẽ hoạt động mạnh, sẽ tạo nguồn lực lớn cho sự phát triển của Thành phố", ông Nguyễn Văn Nên nhận định.
Sau khi nghe lãnh đạo TP. HCM kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhận định, TP. HCM có nhiều dự án hạ tầng giao thông phức tạp, hội tụ cả các phương thức giao thông hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ. Do đó, thành phố cần tập trung nhân tài, vật lực cho quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng được sự phát triển.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cơ bản tán thành và cho ý kiến trực tiếp, cụ thể đối với từng kiến nghị của thành phố. Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan và TP. HCM tiếp tục phối hợp, phân tích để xử lý các vấn đề đặt ra.
Theo Thủ tướng Chính Phủ, đối với những nội dung hiện đã có quy định và còn phù hợp với tình hình thực tế, Thành phố tiếp tục thực hiện. Đối với những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, Thành phố phối hợp với các Bộ, ngành xử lý; Những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đối với dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành ngay 2 nghị quyết để triển khai dự án. Đồng thời Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, nghiên cứu các thủ tục để triển khai dự án đường Vành đai 4 trên tinh thần phân cấp, qua địa phương nào thì tỉnh đó phải làm.
Theo Thủ tướng Chính phủ, cũng trong tuần này, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây dựng Nhà ga T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các tuyến đường giao thông kết nối.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND TP. HCM và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét đề nghị về việc tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện 2 dự án theo quy định. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay việc triển khai dự án tuyến Metro số 2 với đối tác Nhật Bản, có thể với các đơn vị đang thực hiện tuyến Metro số 1 để công việc được triển khai nhanh nhất.
Sáng ngày 27/7, sau khi nghe báo cáo và đi thị sát tuyến Metro số 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, lược bỏ các thủ tục hành chính rườm rà để sớm hoàn thành dự án.
Thủ tướng cũng đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu, tài trợ TP. HCM thực hiện một số tuyến metro khác vì đã có kinh nghiệm làm tuyến Metro số 1. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy triển khai nhanh tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên), từ đó nghiên cứu kéo dài metro từ Bình Chánh đi Cần Thơ.
Thư Anh