Giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến tiến độ dự án Đường vành đai 3 TP. HCM
Tại hội nghị triển khai dự án Đường vành đai 3 TP. HCM, lãnh đạo TP. HCM và các đơn vị liên quan nhận định, vấn đề giải phóng mặt bằng là yếu tố quyết định đến tiến độ dự án.
Chiều ngày 15/7 vừa qua, TP. HCM đã tổ chức hội nghị triển khai dự án Đường vành đai 3 TP. HCM. Hội nghị do Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Tại hội nghị, vấn đề giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Đường vành đai 3 TP. HCM đã được các sở ngành, đơn vị liên quan đưa ra thảo luận, tìm hướng tháo gỡ.
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án Đường vành đai 3 TP. HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, hiện các địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể dự án và ký kết quy chế triển khai dự án để đảm bảo tiến độ đề ra. Dự kiến trong tháng 7, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai dự án để cụ thể hóa các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã thông qua. Các địa phương quyết tâm sẽ khởi công dự án trong tháng 6-2023, sớm hơn nửa năm so với kế hoạch ban đầu.
Cũng theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM thông tin, trong thời gian tới, có nhiều nhiệm vụ cần lưu ý, trong đó tiến độ khởi công dự án nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào mốc tiến độ phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng vào tháng 8/2022 và phê duyệt dự án khả thi vào tháng 11.
Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Trần Quang Lâm cũng cho rằng, các địa phương cần phải mạnh dạn đề xuất bổ sung các cán bộ có kinh nghiệm hoặc điều động, huy động các địa phương khác về tập trung cho dự án. Hiện nay các địa phương như Hóc Môn, TP. Thủ Đức cũng đã xác định được một số vị trí ưu tiên để sớm bàn giao mặt bằng kịp khởi công dự án.
Cũng tại hội nghị, ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM cho biết, để đảm bảo tiến độ đề ra, sở rất cần các lãnh đạo TP. Thủ Đức và quận huyện có dự án đi qua cùng nỗ lực để triển khai tốt các công việc.
Về mốc tiến độ, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM cho biết, công tác bàn giao mặt bằng từ đầu tháng 10 năm nay và đến cuối năm 2023 phải bàn giao tối thiểu 70%.
“Tại TP. HCM, dự án bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư 25.610 tỉ đồng với 2.377 hộ ảnh hưởng. Để đảm bảo tiến độ, dự án cần tháo gỡ một số vướng mắc như cần xin cơ chế thí điểm bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Nếu được áp dụng sẽ rút ngắn được thời gian từ 4 - 6 tháng đối với các trường hợp phải giải tỏa nhà”, đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP. HCM thông tin.
Còn theo ông Ngô Thịnh Đức, nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thành viên hội đồng cố vấn dự án đường vành đai 3 TP.HCM cho rằng, giải phóng mặt bằng là vấn đề quyết định trên 50% thành công của dự án. Do vậy, dự án cần thành lập ban giải phóng mặt bằng riêng. Đồng thời, phải lựa chọn cán bộ vừa có chuyên môn và năng lực.
Sau khi nghe các sở ngành, chuyên gia phát biểu, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, đây là hội nghị quan trọng quán triệt cả hệ thống chính trị từ cơ quan ban ngành, TP, quận huyện, phường xã vào cuộc triển khai dự án đường vành đai 3. Thời gian triển khai để hoàn thành dự án còn khoảng 3,5 năm nữa.
“Ở vùng đô thị hóa rất cao, việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, chưa nói dự án đi qua 4 địa phương. Nếu chúng ta không chủ động, không chuẩn bị kỹ thì tiến độ sẽ bị ảnh hưởng”, ông Phan Văn Mãi nhận định.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị việc giải phóng mặt bằng, tính toán làm sao để người dân yên tâm bàn giao, hạn chế tối đa cưỡng chế.
"Thời gian từ nay đến khi khởi công không còn dài, còn khoảng 333 ngày. Nếu không tranh thủ sẽ không kịp, do đó mỗi một việc đừng để kéo dài thời gian. Thành ủy TP. HCM sẽ có một văn bản để chỉ đạo, đưa ra một quyết tâm chính trị để cố gắng hoàn thành dự án", ông Nên nhấn mạnh.
Thư Anh