Thứ năm, 25/04/2024 15:04 (GMT+7)
Thứ ba, 03/05/2022 10:00 (GMT+7)

TP.HCM: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM với dân số sinh sống trên 10 triệu người, các công ty xí nghiệp sản xuất, dịch vụ dải khắp các quận huyện khiến áp lực về bảo vệ môi trường đặt ra hàng ngày.

Nỗ lực của chính quyền

Theo số liệu của Sở TN&MT TP.HCM, trung bình mỗi ngày toàn TP có gần 10.000 tấn rác thải cần xử lý. Trong đó, rác thải sinh hoạt là khoảng 9.200 tấn, còn lại là rác thải công nghiệp, rác thải y tế. Dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày, trung bình tăng khoảng 5% mỗi năm.

Từ những số liệu cho thấy, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) tại TP.HCM đang hết sức quan trọng và cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp. Đây là một thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý môi trường của TP.HCM.

Cùng với nỗi lo môi trường rác thải, nước thải thì ô nhiễm không khí tại TP. HCM cũng đang là vấn đề đáng lưu tâm. Tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp, nhiều thời điểm xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

TP.HCM: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới - Ảnh 1

Công trình cầu Thủ Thiêm, bắc ngang sông Sài Gòn hướng từ quận 1 sang TP. Thủ Đức tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và phát triển kinh tế của toàn Thành phố.

Trước những thách thức về đó, trong những năm qua, TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để BVMT và ứng phó với BĐKH. Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã tập trung nguồn lực để triển khai nhiều dự án chống ngập theo Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM.

Cụ thể, dự án công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam - Bắc rạch Tra); Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Dự án 5 cống ngăn triều trên địa bàn quận Thủ Đức; Dự án cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án nâng cấp công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng và Dự án đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. Trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng.

Cùng với đó, Thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải, đối với các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường. Xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường không khí…

Nhờ đó, các chỉ số về môi trường của Thành phố được cải thiện rõ rệt. Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP. HCM), chỉ số ô nhiễm không khí TP. HCM trong tháng 5 - 6/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ 2019, nhất là nồng độ bụi PM 2.5, nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam.

TP.HCM: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới - Ảnh 2

Khu vực Bến Công viên Bạch Đằng tại quận 1, TP.HCM cũng được cải thiện và thu hút người dân, du khách đến tham quan du lịch.

Hiện trên địa bàn TP.HCM, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường; 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; 100 % số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh; 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch…

Ý thức người dân về công tác BVMT tại TP. HCM được nâng cao, phần đông dân số đã quan tâm đến việc phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày, hình thành thói quen tiêu dùng xanh. Nhiều điểm “đen” về ô nhiễm rác thải đã được các địa phương xử lý dứt điểm, trong đó nhiều điểm đã được cải tạo thành vườn hoa, công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng. Nhiều con kênh trong lòng thành phố cũng được cải tạo, nạo vét, tình trạng ô nhiễm giảm đáng kể so với nhiều năm trước.

Để hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững, TP.HCM đã thông qua Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2025. Trong đó, nét nổi bật là Thành phố đã và đang nỗ lực phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT.

Tại buổi làm việc với ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về BĐKH, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ về vấn đề bảo vệ môi trường, BĐKH của TP.HCM. Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng hiện có những khu vực có tiềm năng năng khai thác về năng lượng sạch cũng như năng lượng tái tạo, nhưng thật sự chưa khai thác hết. Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trên lĩnh vực này nhưng hiệu quả chưa cao.

TP.HCM đã và đang nỗ lực kéo giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, nhưng để đạt như kỳ vọng của Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ (giảm 45% vào năm 2030) chắc chắn phải có sự hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Mỹ.

“Do vậy, việc đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động chống BĐKH, phát triển nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là mong muốn của lãnh đạo Thành phố trong thời gian tới. Tin rằng, qua chuyến đi của Đặc phái viên sẽ mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ có năng lực, trình độ, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến đầu tư, hợp tác cùng Thành phố phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực này…”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đồng hành, người dân chia sẻ

Trước sự cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, ngoài sự cố gắng nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước thì không thể thiếu sự đồng hành, ủng hộ từ phía người dân. Nếu xem việc BVMT như một cuộc chiến thì mỗi người dân cũng là một chiến sỹ trên mặt trận ấy.

TP.HCM: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới - Ảnh 3

Sau khi thực hiện dự án cải tạo, môi trường nước tại Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong những năm gần đây trở nên trong sạch và ít rác thải hơn.

Chị Nguyễn Thị Minh Thương, một hộ dân sinh sống tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 quan điểm, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, với dân số đông và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ thì vấn đề môi trường đang là một trong những trở ngại hàng đầu cho việc phát triển. Là một công dân của thành phố, chị luôn ủng hộ những chương trình, kế hoạch để hướng tới việc bảo vệ môi trường, từ việc phân loại rác thải tại nhà đến việc đầu tư ngân sách cho những dự án môi trường.

“Trước kia khi đi chợ, tôi hay sử dụng túi nilon, sau này thì tôi đã chuyển qua dùng giỏ nhựa để dùng, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon và chai nhựa. Tôi nhận thấy, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, cố gắng của lãnh đạo thành phố các thời kỳ, đến nay nhiều con kênh, tuyến hẻm trong thành phố trở nên sạch đẹp hơn. Mong rằng, thời gian tới môi trường tại TP.HCM sẽ có nhiều cải thiện hơn nữa, đúng nghĩa là thành phố thông minh, xanh, sạch đẹp”, chị Thương nói.

Cùng với người dân, các doanh nghiệp cũng đang đồng hành cùng với Thành phố để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh. Như Công ty Cổ phần Vietstar (Công ty Vietstar), là một đơn vị nhiều năm kinh nghiệm trong vấn để xử lý rác thải, sau khi hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố cho việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác, Công ty Vietstar đã lập tức lên kế hoạch, nhập các thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất thế giới với trị giá hàng tỷ USD và tiến hành xin phép các thủ tục pháp lý để tiến hành xây dựng nhà máy, nâng công suất xử lý rác từ 1.200 tấn/ ngày lên 2.000 tấn/ngày như hiện nay.

Ông Ngô Như Hùng Việt – Tổng Giám đốc Công ty Vietstar, chia sẻ, Công ty còn chủ động đề nghị những kế hoạch giải quyết rác thải trong giai đoạn 2021-2025 cụ thể như: Năm 2021, tăng khối lượng rác xử lý lên 3.000 - 4.000 tấn/ngày cho Vietstar từ các quận, huyện lân cận, giảm thiểu chuyên chở xa về Đa Phước. Năm 2022, tăng lượng rác lên 6.000 tấn/ngày cho Vietstar; chuyển đổi các bãi rác để ngừng chôn lấp rác tươi và chỉ lưu chứa các loại rác vô cơ không gây ô nhiễm. Năm 2023-2024, tăng rác lên 8.000 – 10.000 tấn/ngày cho Vietstar; phần còn lại nếu có sẽ được chứa tạm tại các bãi rác khác. Năm 2025, ngừng chôn lấp rác tươi 100%. Tất cả rác của Thành phố sẽ được xử lý qua tái chế và đốt phát điện.

“Vietstar luôn chủ động đề xuất với Thành phố những kế hoạch mang tính định hướng lâu dài trong vấn đề xử lý rác thải. Công ty tự nguyện đầu tư chi phí, nhân lực, vật lực để đầu tư trang thiết bị, xây dựng nhà máy xử lý rác tiên tiến, hiện đại bậc nhất giúp thành phố giải quyết nỗi lo rác thải sinh hoạt, chỉ mong rằng cơ quan chức năng TP.HCM ủng hộ, giúp sức bằng cách đẩy nhanh các thủ tục pháp lý có liên quan để những mục tiêu của Vietstar hoàn thành đúng thời gian đã đề ra”, ông Việt nói.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng của Thành phố cũng đã và đang triển khai các giải pháp để BVMT, đặc biệt là ứng dụng năng lượng xanh trong mô hình nhà chung cư cao tầng. Vốn là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, kể cả trong quá trình thi công xây dựng đến vận hành công trình, giải pháp của ngành xây dựng đã đóng góp quan trọng vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho Thành phố.

Ths.KTS Hoàng Hải Yến nêu ý kiến, hiện nay tại Thành phố mô hình nhà chung cư cao tầng là một loại hình nhà ở đáp ứng được các yêu cầu của cư dân TP.HCM, vừa tiết kiệm diện tích đất xây dựng, vừa phục vụ được số đông người dân, lại có thể đem lại môi trường sống thoải mái và tiện nghi. Với kiến trúc sinh thái và ứng dụng các nguồn năng lượng thông minh, vật liệu xanh trong xây dựng nhà chung cư cao tầng chính là lối thoát để bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hóa nhanh tại TP.HCM, đảm bảo sự phát triển của đô thị đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau. TP.HCM đang có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng các khu chung cư sinh thái, song rất cần sự quan tâm để có những công trình và khu đô thị đạt chuẩn chất lượng.

Mục tiêu Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2025 tại TP. HCM gồm: 100% cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 100% nước thải bệnh viện, chất thải y tế được xử lý; 100% doanh nghiệp sản xuất có xử lý khí thải đạt quy chuẩn; Tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 100% vào năm 2030); Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý tập trung đạt 76% (hướng tới 88,3% vào năm 2030); Giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải; 100% hộ gia đình trên địa bàn Thành phố được tiếp cận thông tin về BVMT và ứng phó với BĐKH.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.