Thứ bảy, 27/07/2024 07:03 (GMT+7)
Thứ hai, 20/03/2023 10:57 (GMT+7)

TP.Đà Lạt mở rộng diện tích lên gần 336.000 ha

Theo dõi KTMT trên

Theo phê duyệt của Thủ tướng, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP.Đà Lạt và các huyện lân cận. Tính toán mở rộng để đạt tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha.

Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch

Ngày 20/3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi ranh giới lập quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận là toàn bộ địa giới hành chính thành phố và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với cao trình 850 m trở lên. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha.

Phạm vi nghiên cứu vùng bán kính ảnh hưởng của TP.Đà Lạt và vùng phụ cận, bao gồm: TP.Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông với cao trình 850 m trở lên. Phạm vi nghiên cứu mở rộng gồm vùng TP Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng tỉnh Lâm Đồng.  Thời hạn quy hoạch đến năm 2045.

TP.Đà Lạt mở rộng diện tích lên gần 336.000 ha - Ảnh 1
Phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 có diện tích tự nhiên gần 336.000ha.

Quyết định của Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc quy hoạch gắn với lộ trình chuyển đổi huyện Đức Trọng thành thị xã và huyện Lạc Dương sáp nhập vào TP.Đà Lạt. 

Đồng thời, cập nhật các định hướng phát triển mới của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng; quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp giai đoạn 2021 - 2025; các dự án phát triển giao thông kết nối vùng TP.Đà Lạt với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận với vùng duyên hải, vùng Nam Trung Bộ dự kiến đầu tư trong thời gian tới để tạo động lực phát triển đô thị, khu chức năng và vùng nông thôn; các dự án an toàn cấp nước như hồ chứa nước thượng nguồn ĐanKia, hồ Ta Hoét...

Bên cạnh đó là mở rộng phạm vi không gian đô thị TP.Đà Lạt sang các khu vực lân cận và các đô thị vệ tinh theo hướng nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng khoa học, hiện đại tạo sự đột phá đối với việc phát triển mở rộng phạm vi không gian đô thị; chuyển dần các khu sản xuất nông nghiệp thuần túy, các khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang các khu sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, dịch vụ và một số khu chức năng đô thị có giá trị sử dụng đất hiệu quả.

Kế thừa quy hoạch tổng thể 704

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, điều chỉnh quy hoạch Đà Lạt mở rộng kế thừa quy hoạch tổng thể trước đó, Quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 704 năm 2014).

TP.Đà Lạt mở rộng diện tích lên gần 336.000 ha - Ảnh 2
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể TP.Đà Lạt.

Tại Quy hoạch 704, địa giới Đà Lạt vẫn giữ nguyên, nhưng vùng phát triển đô thị Đà Lạt được định hướng mở rộng về các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà. Quy hoạch này lấy độ cao 800m (so với mực nước biển) để xác lập vùng Đà Lạt.

Các chuyên gia về quy hoạch nhận định, Quy hoạch 704 đã xác lập được tầm nhìn đô thị, tuy nhiên có những vướng mắc khiến việc phát triển đô thị Đà Lạt tương lai gặp khó khăn, không tận dụng được các cơ chế đặc thù để phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng theo hướng lấy Đà Lạt làm trung tâm. Cụ thể, vùng Đà Lạt được xác lập theo độ cao nhưng các quy định liên quan đến phát triển đô thị thì dựa vào địa giới hành chính, dân cư…

Theo nhiệm vụ được Thủ tướng phê duyệt, quy mô dân số Đà Lạt đến năm 2030 là khoảng 1.100.000 - 1.150.000 người; đến năm 2050 là khoảng 2.250.000 - 2.300.000 người.

Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 76%; đến năm 2050 khoảng 80%... Dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 850.000 - 900.000 người; năm 2050 khoảng 1.800.000 - 1.850.000 người; dân số nông thôn đến năm 2030 khoảng 250.000 người; năm 2050 khoảng 450.000 người.

Thủ tướng yêu cầu các ban ngành thực hiện quy hoạch chung Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 lưu ý mối quan hệ giữa TP.Đà Lạt và vùng phụ cận với thành phố Bảo Lộc; giữa cảng hàng không Liên Khương, tuyến xe lửa Phan Rang - Đà Lạt và hệ thống giao thông cao tốc, quốc lộ để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của TP.Đà Lạt mở rộng; đảm bảo phù hợp với phương án phát triển của các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan đến phạm vi quy hoạch. Đồng thời hạn chế phát triển công nghiệp trong nội ô, di dời các bãi rác, nghĩa trang về các vị trí phù hợp.

Xây dựng mục tiêu đô thị xanh

Ông Trần Duy Hùng (bí thư Thành ủy Đà Lạt) cho biết, Đà Lạt tiếp tục kiên trì với mục tiêu xây dựng đô thị xanh và sắp tới đưa TP này gia nhập mạng lưới TP sáng tạo UNESCO.

Đây là những kỳ vọng lớn của TP đã ấp ủ và đang thực hiện từ rất lâu thông qua nhiều dạng thức. Nhiều người có nói, có lẽ đô thị xanh hay đô thị sáng tạo UNESCO là kỳ vọng quá lớn cho Đà Lạt và sẽ khiến bộ máy gặp áp lực. Tôi không nghĩ vậy.

TP.Đà Lạt có những yếu tố đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.

Trong hệ thống đô thị Việt Nam, Đà Lạt luôn được đánh giá là đô thị duy nhất tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt mà không đô thị nào có được với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch, kiến trúc.

Không đô thị nào cùng lúc sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận: di sản tư liệu "Mộc bản Triều Nguyễn" (năm 2009), di sản phi vật thể "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" (năm 2005) và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (năm 2015).

Thuận Hòa

Bạn đang đọc bài viết TP.Đà Lạt mở rộng diện tích lên gần 336.000 ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.