TP. HCM: Nhiều chỉ tiêu chương trình giảm ô nhiễm môi trường chưa đạt
Dù đã đi hết nửa nhiệm kì của Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030, thế nhưng chính quyền TP. HCM ghi nhận có rất nhiều chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu.
Cụ thể, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra 3 nhóm mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện 9 chỉ tiêu, phối hợp thực hiện 9 chỉ tiêu do các sở, ngành chủ trì và phối hợp 4 chỉ tiêu do UBND cấp huyện chủ trì thực hiện.
Đến nay, mức độ hoàn thành các chỉ tiêu như sau: 4/22 chỉ tiêu đã hoàn thành; 5/22 chỉ tiêu đã hoàn thành trên 95% chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2030 và đang tiếp tục thực hiện; 4/22 chỉ tiêu đang thực hiện và chưa đến thời điểm tổ chức đánh giá; 9/22 chỉ tiêu đang thực hiện và chưa đạt chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, đối với chỉ tiêu tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới 2030 đạt 100% đề nghị gia hạn thời gian hoàn thành chỉ tiêu này đến năm 2027.
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, trong giai đoạn tới, TP. HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cộng đồng doanh nghiệp và dân cư; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp điều kiện của thành phố; Hoàn thiện tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành môi trường; Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường.
Bên cạnh đó, UBND TP. HCM cũng chỉ đạo các sở ngành liên quan, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đẩy mạnh lồng ghép bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị (đặc biệt là trong đầu tư phát triển hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị do Sở Xây dựng chủ trì; trong đầu tư các dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở công lập trên địa bàn) và chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, TP. HCM kiến nghị các cơ quan Trung ương quan tâm, hỗ trợ thành phố đưa các chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện chuyển đổi các cá nhân, tổ thu gom rác dân lập sang mô hình hoạt động hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có pháp nhân. Xem xét, tháo gỡ về mặt pháp lý để thành phố có thể thực hiện hai nội dung liên quan đến công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương sớm ban hành văn bản quy định định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường, định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với thực tiễn; Bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn thành phố vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 – 2030 đặt ra các mục tiêu cụ thể: Tiếp tục giữ vững và nâng chất các chỉ tiêu đã hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.
Về phòng ngừa, giảm thiểu tác động của nước thải, khí thải và chất thải rắn đến môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Trong đó: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường: 100%; Tỷ lệ nước thải bệnh viện, chất thải y tế được xử lý đạt quy chuẩn môi trường: 100%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động có đường truyền dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường để kiểm tra, giám sát: 100%; Tỷ lệ cơ sở sản xuất có xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường: 100%.
Đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy, các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phấm nhựa dùng một lần.
Về đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân: Triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn trong đó, tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.
Đến năm 2025: Triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn địa bàn thành phố phù hợp với quy định và điều kiện của thành phố. Tiếp tục duy trì việc phân loại chất thải rắn trong các năm tiếp theo; 100% lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đồi mô hình hoạt động, thành lập Hợp tác xã/Doanh nghiệp/Tổ chức có tư cách pháp nhân và 100% phương tiện thu gom tại nguồn được chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường theo quy định; 100% trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành và quy hoạch xử lý chất thải rắn TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục duy trì những chỉ tiêu này trong các năm tiếp theo.
Về xử lý nước thải đô thị: Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý tập trung đến năm 2025 đạt 58%, hướng tới năm 2030 đạt 88%.
Về cải thiện môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên: Giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động giao thông vận tải; Tỷ lệ tô chức, cá nhân thực hiện kinh doanh trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa đảm bảo đạt quy chuẩn tiếng ồn: 100%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; Giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất đến năm 2025 còn 100.000 m3/ngày đêm; Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán trên địa bàn thành phố trên 40%; Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới đạt tối thiểu 15% tổng công suất cực đại hệ thống điện trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư. Tăng cường sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu: 100% công chức, viên chức trên địa bàn được phổ biến kiến thức ứng phó biến đổi khí hậu; 100% hộ gia đình trên địa bàn được tiếp cận thông tin về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; 90% học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, người dân thành phố áp dụng những hành vi bảo vệ môi trường đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày.
Thanh Tùng