Tổng cục Đường bộ đề xuất giảm thuế "gỡ khó" cho doanh nghiệp vận tải
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao thời gian qua.
Doanh nghiệp khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đồng thời báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.
Lý do được đơn vị này đưa ra là trên cơ sở khảo sát tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải trên toàn quốc, phía Tổng cục Đường bộ nhận thấy, hiện nay doanh nghiệp vận tải đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng.
Trong khi giá nhiên liệu tăng, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45% (tuỳ loại hình vận tải), nhiều doanh nghiệp vận tải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn chưa tăng giá cước.
Cụ thể, tại Hải Phòng, có 15/70 doanh nghiệp vận tải (bao gồm tuyến cố định và taxi) kê khai tăng giá cước, mức tăng giá dao động từ 15-20%. Tại Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại, có 4/9 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có điều chỉnh tăng giá trên các tuyến, mức tăng giá cước từ 10-23,08%.
Ở Hà Nội có 9/50 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với mức tăng giá dao động từ 10-20% và 8/73 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi với mức giá tăng dao động từ 5-12%.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến ngày 25/6/2022, có 27/53 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh cố định kê khai tăng giá cước từ 1,3% đến 46,34% tùy theo tuyến đường hoạt động (một vài tuyến kê khai tăng giá cao chủ yếu do thời gian dài không điều chỉnh giá).
Về biến động giá cước vận tải hàng hoá, khảo sát một số đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá và hiệp hội vận tải hàng hoá, phía Tổng cục Đường bộ nhìn nhận với việc giá xăng dầu hiện nay, giá cước vận tải hàng hoá tăng khoảng từ 10-20% tuỳ theo cung đường và loại hàng hoá để bù đắp giá nhiên liệu tăng.
Cần có gói hỗ trợ xăng dầu
Thep ppng Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giá xăng dầu tác động khoảng 17% giá thành vận chuyển, trong khi doanh nghiệp vận tải chỉ được điều chỉnh 5-10% giá cước mỗi khi giá xăng dầu tăng.
Với giá xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, nếu cơ cấu vào giá thành vận tải thì doanh nghiệp chỉ mới giảm được khoảng 200.000 đồng chi phí cho 100 km đường.
"Hiện giờ doanh nghiệp vận tải hàng hóa là lỗ triền miên. Chưa kể tác động về vấn đề thị trường, hàng hóa xuất nhập khẩu bị khan hiếm nên doanh nghiệp vận tải giảm năng suất hoạt động. Mặt khác, thiếu lái xe cho nên doanh nghiệp vận tải hàng hóa trên bờ vực phá sản toàn bộ. Bây giờ xe hết hạn sử dụng thì họ bỏ luôn chứ không đầu tư lại nữa. Bởi bài toán lỗ thấy rõ nên đầu tư lời được cái gì", ông Quyền cho biết.
Bởi vậy, các doanh nghiệp vận tải mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành cần xem xét cắt giảm thuế VAT đối với các mặt hàng xăng, để giá xăng dầu tiếp tục giảm xuống thêm, tạo trợ lực giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, nêu ý kiến: "Rất nhiều giải pháp đã được xem đến, các giải pháp đó tác động lên giá xăng dầu cũng chẳng được bao nhiêu. Đến lúc này Nhà nước cần có gói hỗ trợ xăng dầu thì mới hỗ trợ được giá xăng dầu và sản xuất mới ổn định".
Mới đây, nghị quyết của Bộ Tài giảm thuế bảo vệ môi trường xăng dầu từ 500 - 1.000 đồng/lít là động thái tích cực nhằm hỗ trợ giá nhiên liệu trong nước trong giai đoạn khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức hiện nay, mà sẽ tiếp tục tăng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, quỹ bình ổn không thể gánh được quá lâu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nêu một số giải pháp, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ thì các doanh nghiệp cũng cần có những nỗ lực, chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp vận tải và người lao động.
"Vai trò của Nhà nước tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung với nguồn cung giá rẻ, tìm cách tiếp cận nguồn cung giá rẻ. Tiếp tục tăng nguồn cung trong nước trên cơ sở phục hồi công suất nhà máy Nghi Sơn và các đơn vị khác. Tiếp tục quản lý tốt thị trường, nếu tăng nữa xem xét giảm thêm một số khoản thu ngân sách" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Hà Lan