Thứ bảy, 23/11/2024 05:15 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/04/2020 16:06 (GMT+7)

Tình trạng thoái vốn ở các nước mới nổi mạnh hơn cả thời kỳ 2008

Theo dõi KTMT trên

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 83,3 tỉ USD từ các thị trường mới nổi trong tháng Ba và tình trạng thoái vốn đang diễn ra mạnh hơn so với thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tình trạng thoái vốn ở các nước mới nổi mạnh hơn cả thời kỳ 2008 - Ảnh 1
Một cơ sở lọc dầu ở al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại các nước như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ, khủng hoảng lại đang xuất hiện sau khủng hoảng, khi sản xuất đình trệ và hàng tỉ USD được rút ra trong khi ngành du lịch tê liệt do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trong những ngày qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đang phân bổ hàng triệu USD cho nhiều nước trên thế giới, trong đó 438 triệu USD phân bổ cho Senegal, 174 triệu USD dành cho Albania, 121 triệu USD cho Kyrgyzstan, 1 tỉ USD cấp cho Ghana...

Người đứng đầu IMF liên tiếp cấp những khoản tín dụng khẩn cấp để các nước ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng bà vẫn còn một danh sách dài cần làm phía trước.

Hơn 100 quốc gia mới nổi đã nộp đơn xin hỗ trợ tài chính từ IMF. Theo bà Georgiewa, đây là thời kỳ đen tối nhất của nhân loại và điều cần làm lúc này là "bảo vệ những nước dễ bị tổn thương nhất."

IMF đã quyết định xóa nợ cho 25 nước nghèo nhất thế giới như Afghanistan, Haiti, Mali và đã phân bổ sẵn 500 triệu USD cho chương trình cứu trợ này.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ so với những thiệt hại thực sự về kinh tế mà dịch bệnh gây ra cho các nước đang phát triển và mới nổi.

Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nhà đầu tư nước ngoài đã rút 83,3 tỉ USD từ các thị trường mới nổi trong tháng Ba và tình trạng thoái vốn đang diễn ra mạnh hơn so với thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và trong thángTư này, tình hình cũng không có gì khả quan hơn.

Ông Mauro Toldo, chiến lược gia trưởng phụ trách các thị trường mới nổi của Ngân hàng DekaBank (Đức), nhấn mạnh: "Tất cả các thị trường mới nổi đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này. Không ai có thể dự đoán sẽ khó khăn ra sao và kéo dài bao lâu."

Ông Toldo nhận định chưa có một khủng hoảng nào trong những thập kỷ qua lại gây hậu quả bao trùm nghiêm trọng như lần này.

Một mặt, giá dầu thô, giá đồng và các nguyên liệu thô khác vốn là nguồn thu chính của các nước xuất khẩu như Nigeria, Chile và Brazil đang lao dốc. Mặt khác, ngành du lịch cũng tê liệt và đây là đòn giáng mạnh vào các quốc gia như Thái Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Chưa hết, chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu cũng bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia như Bangladesh và Mexico.

Trong khi đó, chưa rõ virus SARS-CoV-2 sẽ còn ảnh hưởng mạnh như thế nào đến các nước, cuộc sống sẽ còn bị phong tỏa tới bao giờ và sẽ còn có bao nhiêu người bị lây nhiễm hay tử vong.

Theo Thủ tướng Pakistan Imran Khan, đây là một cuộc "đi trên dây" giữa một bên là lệnh phong tỏa cần thiết để làm chậm tốc độ lây lan của dịch Covid-19 và một bên phải đảm bảo để mọi người không chết đói và nền kinh tế không sụp đổ.

Trong lúc này, nhiều thị trường mới nổi bỗng nhiên trở nên yếu hơn. Các thị trường mới nổi đã đạt thịnh vượng trong nhiều năm và tạo đà cho kinh tế toàn cầu.

Tình trạng thoái vốn ở các nước mới nổi mạnh hơn cả thời kỳ 2008 - Ảnh 2
Hàng loạt máy bay của Hãng hàng không Thái Lan nằm chờ tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok ngày 3/4/2020, trong bối cảnh chính phủ ban bố lệnh cấm các chuyến bay chở khách nhập cảnh nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Họ đã thu hút vốn nước ngoài trên quy mô lớn, thường qua hình thức giao dịch ngoại hối (carry trade), của các nhà đầu tư từ các nước công nghiệp - nơi lãi suất và lợi nhuận quá thấp. Sự bùng nổ đã tạo ra một tầng lớp trung lưu mới ở nhiều thị trường mới nổi, nhưng điều đó cũng kéo theo những núi nợ.

Theo IIF, nợ của các thị trường mới nổi đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, lên khoảng 72.000 tỉ USD. Theo chuyên gia Toldo, giờ đây hình thức giao dịch ngoại hối carry trade lại đang quay vòng. Nhiều nhà đầu tư rút lại tiền từ các nước Nam bán cầu. Kết quả là đồng nội tệ mất giá, đặc biệt ở các nước Nam Phi, Mexico hoặc Indonesia.

Và điều đó cũng sẽ khiến các nước khó khăn để trả nợ đắt hơn bằng đồng USD. Bên cạnh đó, các tổ chức xếp hạng tín dụng đã giảm mức tín nhiệm của một số quốc gia, bao gồm Nam Phi, Mexico và Nigeria.

Do vậy, phí bảo hiểm rủi ro cho trái phiếu của nhiều nước tăng vọt và điều đó sẽ gây tốn kém hơn cho các chính phủ trong việc huy động dòng tiền mới để trả nợ cũ.

Trong khi đó, đã có quốc gia đầu tiên thông báo vỡ nợ do mất khả năng thánh toán khoản nợ đáo hạn. Những khó khăn cũng đang trở nên rõ ràng ở khu vực Mỹ Latinh. Chính phủ Argentina, vốn đang trên bờ vực phá sản trước dịch Covid-19 đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc và đình chỉ tất cả các khoản thanh toán từ trái phiếu nội địa trong năm nay.

Ecuador, nơi dịch Covid-19 đang hoành hành, đang đề nghị các chủ nợ giảm lãi suất và giãn nợ. Trong khi đó, tại Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, xăng dầu lại đang trở nên khan hiếm. Người ta có thể thấy trên mạng xã hội rất nhiều video quay cảnh hàng km xe hơi chờ chực trước các trạm xăng.

Tuy nhiên, không phải tình hình kinh tế ở mọi nơi đều ảm đạm như vậy. Chuyên gia Toldo cho biết, các thị trường mới nổi như Nga, Việt Nam hay Malaysia được chuẩn bị tốt hơn nhiều.

Một phần là những nước này không nợ nhiều, hoặc chủ yếu đó là những nhà cho vay nội địa. Một số nước thậm chí có thể xây dựng nguồn dự trữ cho thời kỳ khủng hoảng trong những năm đạt thịnh vượng.

Đó là Trung Quốc, nước đã từ một quốc gia đang phát triển trở thành một siêu cường và thậm chí có thể kết thúc năm khủng hoảng toàn cầu này với một chút tăng trưởng. Bắc Kinh đã trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất của các nước mới nổi trong những năm gần đây.

Bắc Kinh cũng đã đưa ra quan điểm khi đại diện các nước thảo luận trực tuyến về các khoản nợ của những quốc gia nghèo nhất tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng thế giới (WB).

Người đứng đầu IMF Georgiewa và Chủ tịch WB David Malpass đã đạt được mục tiêu đầu tiên khi nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các chủ nợ, theo ý tưởng của IMF và WB, đã quyết định giãn nợ cho những nước nghèo, cho phép 77 quốc gia nghèo nhất giãn nợ 12 tháng tiền lãi và gốc tổng cộng 14 tỉ USD.

Số tiền này, so với gói cứu trợ của những nước như Đức và Mỹ không thấm vào đâu, song là sự khác biệt lớn với những nước nghèo nhất thế giới.

Mạnh Hùng

Bạn đang đọc bài viết Tình trạng thoái vốn ở các nước mới nổi mạnh hơn cả thời kỳ 2008. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới