Tỉnh Sóc Trăng có lợi thế nào để thu hút đầu tư nước ngoài?
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khẳng định, địa phương đang hội tụ rất nhiều lợi thế, điều kiện thuận lợi để cạnh tranh, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Sáng 20/3, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong số những chuỗi sự kiện nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường cùng 60 doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Trung Quốc tới Sóc Trăng.
Sóc Trăng hội tụ nhiều lợi thế để cạnh tranh
Tham dự chương trình gặp gỡ, về phía lãnh đạo tỉnh có bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng; ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng.
Về phía doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng có TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và hàng chục doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Về phía Lãnh sự quán Trung Quốc có ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM và 50 doanh nghiệp, tập đoàn đến từ Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu thông tin, Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Cách trung tâm vùng là thành phố Cần Thơ khoảng 60 km và cách sân bay Cần Thơ khoảng 1 giờ 30 phút di chuyển bằng ôtô. Với 72km bờ biển, Sóc Trăng có tiềm năng phát triển kinh tế biển và ven biển.
Vùng ĐBSCL có 7 địa phương giáp biển, chiều dài bờ biển của Sóc Trăng đứng hàng thứ 3 trong vùng, chỉ sau Cà Mau và Kiên Giang. Khoảng cách từ bến tàu Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng đến Bến Đầm huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) là 57 hải lý, mất khoảng 1 giờ 45 phút di chuyển bằng tàu cao tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, quy mô nền kinh tế (GRDP) của tỉnh hiện nay khoảng 3 tỷ USD. Khu vực I chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Cụ thể: khu vực I chiếm 41%, khu vực II chiếm 15%, khu vực III chiếm 40%. “Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp với động lực chính là Cảng biển nước sâu Trần Đề”, ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sóc Trăng đang hội tụ rất nhiều lợi thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
“Mong rằng những thông tin này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm được cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Thông qua Hội nghị hôm nay sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên; góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tỉnh Sóc Trăng mong muốn nhân chuyến thăm của Tổng lãnh sự lần này cùng với doanh nghiệp đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại Sóc Trăng, có cơ hội hợp tác mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa nông sản của Sóc Trăng đến thị trường Trung Quốc”, ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Sóc Trăng nói rằng, đây là cơ hội rất hiếm có cho các doanh nghiệp địa phương. Bởi các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia chương trình hôm nay đều là công ty, tập đoàn tầm cơ quy mô quốc tế. Đây là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp Sóc Trăng tìm kiếm cơ hội để hợp tác sau này.
Về định hướng và thu hút đầu tư, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, Sóc Trăng hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, logistics…Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết, thổ nhưỡng, phù hợp với các nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Có nhiều loại đặc sản đã nổi tiếng trên thế giới như gạo ST25, bánh Pía, tôm…
Sóc Trăng có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo với 72km đường bờ biển, sức gió trung bình 6m/giây, ít bị ảnh hưởng bởi các cơn bão. Đây là điều kiện để phát triển điện gió. Đặc biệt với hệ thống cảng biển Trần Đề, các tuyến cao tốc, cầu đang dần hình thành để thuận tiện cho việc giao thương, thương mại, dịch vụ, logistics.
Theo quy hoạch, Sóc Trăng trở thành cửa ngõ của ĐBSCL, là trung tâm công nghiệp, logistics với tâm điểm là cảng biển Trần Đề. Đây là điều kiện rất tốt để Sóc Trăng có thể thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.
“Như phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, chúng tôi đã, đang và sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp. Chúng tôi luôn xem thành công của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng là thành công của tỉnh Sóc Trăng”, ông Lâm Hoàng Nghiệp khẳng định.
Nông sản Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng tại thị trường Trung Quốc
Trao đổi tại buổi gặp gỡ, ông Ngụy Hoa Tường, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, tỉnh Sóc Trăng rất có tiềm năng về cả quy hoạch, kinh tế, xã hội để phát triển và thu hút đầu tư. Điều đáng mừng là trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng khắc phục được sự ảnh hưởng của dịch bệnh để phát triển kinh tế. Trong đó có sự quyết tâm, năng động của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Sóc Trăng cũng được cải thiện trong năm qua.
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM nói thêm, Trung Quốc là thị trường siêu lớn, với 1,4 tỷ dân. Năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị 12,2 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu nông sản. Năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam về mặt hàng gạo. Trong đó, có gạo ST25 của Sóc Trăng.
Vào tháng 1/2024, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần, riêng mặt hàng tôm tăng gấp 4 lần cùng kỳ.
“Những số liệu thống kê cho thấy, mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung, Sóc Trăng nói riêng xuất sang Trung Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Cả Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tiếp tục thúc đẩy việc xuất khẩu mặt hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc qua đường chính ngạch.
Riêng mặt hàng dừa xiêm xuất sang Trung Quốc có thể đạt với 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, pánh Pía, một đặc sản của tỉnh Sóc Trăng đã trở thành món quà của người Trung Quốc khi sang Việt Nam.
Chúng tôi luôn hoan nghênh các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”, ông Ngụy Hoa Tường chia sẻ.
Ông Ngụy Hoa Tường cho biết, để có Chương trình gặp mặt hôm nay, ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã rất nhiều lần trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM bày tỏ mong muốn qua buổi hôm nay, doanh nghiệp hai bên sẽ có những sự hợp tác mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa.
Sóc Trăng là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài
Đại diện cho các doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, đây là sự kiện được chờ đợi của đông đảo doanh nhân khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các doanh nhân Trung Quốc.
“Cho tôi được bày tỏ sự cảm kích tới Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Ngụy Hoa Tường. Với cá nhân tôi thì ngài là người bạn cũ chân tình, tin cậy. Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay chính là xuất phát từ gợi ý thịnh tình của ngài Tổng Lãnh sự. Bên cạnh đó, tôi cũng xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu về sự chỉ đạo sát sao đối với các cơ quan trong tỉnh và Hiệp hội Doanh nhân tỉnh cho chương trình hôm nay.
Tôi xin được nói thêm rằng, trong thời gian qua, chính sự gần gũi, cởi mở của cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh, thông qua nhiều hoạt động chỉ đạo, điều hành quyết liệt cũng như qua các cuộc cà phê, điểm tâm định kỳ, đã tạo niềm tin và động lực để cộng đồng doanh nhân chúng tôi phấn đấu, vì sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng”, TS.Trần Khắc Tâm bày tỏ.
Vị này nói thêm, các đồng chí Lãnh đạo và cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu với doanh nghiệp Trung Quốc về tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, cơ chế chính sách nổi bật… Đây là thông tin để các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu, nhận biết cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng mong muốn, sau hội nghị này, Sóc Trăng sẽ đón nhận được những dự án tốt từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
TS.Trần Khắc Tâm khẳng định, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ là cầu nối tin cậy của doanh nghiệp Trung Quốc khi đến Sóc Trăng với cơ quan chức năng tỉnh. Ông Tâm cũng trích dẫn lại lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường nói với các nhà đầu tư nước ngoài là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng đã, đang và sẽ là địa chỉ tin cậy của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đinh Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP.HCM cho rằng, những năm gần đây, kinh tế tỉnh Sóc Trăng có tốc độ phát triển khá tốt, ổn định, đặc biệt trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy hoạch, đến năm 2050, Sóc Trăng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế tại ĐBSCL. Trong thời gian tới, Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP.HCM sẽ tích cực trong việc kết nối đầu tư, giao thương giữa doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Tại Chương trình, các doanh nghiệp sản xuất các nông sản như yến sào, bánh Pía, lúa gạo hay đơn vị đầu tư khu công nghiệp Trần Đề… của Sóc Trăng đã giới thiệu sản phẩm, mô hình hoạt động với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng giới thiệu về thế mạnh, ưu điểm và tiềm năng hợp tác với các sở ngành và các doanh nghiệp Sóc Trăng.
Phát biểu bế mạc Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu chia sẻ, tại buổi gặp gỡ hôm nay, doanh nghiệp hai bên đã tiếp xúc, trao đổi về các tiềm năng hợp tác. Chương trình đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Sóc Trăng học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
“Đặc biệt, hội nghị đã góp phần gắn kết tỉnh Sóc Trăng với Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, các doanh nghiệp Sóc Trăng và các doanh nghiệp Trung Quốc. Tôi yêu cầu các Sở, ngành của tỉnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và sớm giải quyết, gửi báo cáo về UBND tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
Sóc Trăng: Định hướng phát triển đô thị xanh, du lịch xanh
Hiện nay, Sóc Trăng đã quy hoạch 10 khu công nghiệp với 5.000 ha và 18 cụm công nghiệp. Sóc Trăng đang định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về nông nghiệp công nghệ cao, Sóc Trăng định hướng phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên thu hút các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuỗi cung ứng. Về du lịch, Sóc Trăng phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái hướng đến phát triển bền vững.
Văn Chương