Thứ năm, 26/12/2024 17:07 (GMT+7)
Thứ tư, 09/11/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/11

Theo dõi KTMT trên

Bitcoin tiếp tục rơi thẳng đứng; Apple bán được gần 28.000 chiếc iPhone mỗi giờ... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 9/11.

Bitcoin tiếp tục rơi thẳng đứng

Sáng ngày 9/11 trên Binance, giá đồng Bitcoin đã rơi… thẳng đứng, về 17.300 đô la Mỹ/BTC, khiến cả thị trường tiền kỹ thuật số nhuộm sắc đỏ, sau đó chốt phiên đầu giờ chiều, Bitcoin đã nhích lên 18.261 đô la Mỹ/BTC, vốn hóa trên toàn thị trường ở mức 111,171 tỷ đô la…

Biến động đối với Bitcoin cũng gây ra đợt xả hàng trên toàn thị trường. Ethereum (ETH) – đồng tiền mã hóa lớn thứ hai về vốn hóa đã mất 6,3%. Trong top 10 còn chứng kiến nhiều cuộc suy giảm như Binance Coin mất 3,93%, XRP giảm 7,74%, Dogecoin giảm 13,92%… Ở thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường tiền kỹ thuật số đã giảm gần 3 lần so với đỉnh từng xác lập, còn khoảng 990 tỉ đô la.

Theo Bloomberg, hiện chưa rõ nguyên nhân của lần lao dốc giá Bitcoin khi thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận các chỉ số đều tăng nhẹ trong phiên đóng cửa gần nhất. Một trong những tin tức kém tích cực nhất là chuyện Binance mua lại sàn giao dịch tiền mã hóa FTX sau khi sàn này thiếu thanh khoản, không còn tiền mặt và bị nghi ngờ không còn ổn định, khiến nhiều người rút tiền ồ ạt khỏi đây

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/11 - Ảnh 1
Bitcoin tiếp tục rơi thẳng đứng.

Bitcoin bắt đầu lao dốc sáng 6/11 sau khi 2 tỷ phú tiền số là Changpeng Zhao (CZ) – CEO sàn Binance và Sam Bankman-Fried (SBF) – CEO sàn FTX, bất hòa. Token FTT của FTX đột ngột giảm 10% sau tin tức một shark đã chuyển 23 triệu FTT, tương đương hơn 500 triệu đô la ra khỏi sàn. Nghiêm trọng hơn, các phân tích cho thấy cá nhân này có thể chính là Binance, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện nay.

Các tin đồn bắt đầu lan rộng khi tỉ phú CZ xác nhận 23 triệu FTT trên là của Binance. Việc thanh lý toàn bộ FTT là bước quản lý rủi ro cần thiết sau những bài học kinh nghiệm rút ra từ cú sập Luna – CEO sàn Binance giải thích. Đi kèm đó là nỗi sợ hãi trên thị trường tiền kỹ thuật số tiếp tục tăng cao, nếu tình hình FTX không được giải quyết, một đợt bán tháo mạnh hơn trên thị trường có thể kích hoạt đợt thanh lý tài sản diện rộng và đưa giá Bitcoin xuống mức thấp mới.

Apple bán được gần 28.000 chiếc iPhone mỗi giờ

Theo ước tính của Wall Street, trong năm 2022, mỗi giờ trôi qua Apple bán được gần 28.000 chiếc iPhone. Số lượng iPhone được bán ra 4 năm gần đây liên tiếp tăng trưởng.

Phóng viên của tờ Bloomberg, John Erlichman, mới đây đã chia sẻ trên tài khoản Twitter về số lượng iPhone được bán ra mỗi giờ 2007-2022. Số lượng máy 2007-2017 dựa trên báo cáo của Apple và 2018-2022 dựa trên ước tính của Wall Street.

Theo thống kê, trong năm 2022, mỗi giờ Apple bán được 27.968 chiếc iPhone. Số lượng máy bán ra của hãng đã tăng trưởng 4 năm liên tiếp kể từ 2019. Năm nay, Apple ghi nhận lượng máy bán ra mỗi giờ cao nhất trong vòng 16 năm.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/11 - Ảnh 2
Apple bán được gần 28.000 chiếc iPhone mỗi giờ.

Báo cáo doanh thu quý III (tức quý IV/2022 theo năm tài chính của hãng) cho thấy Apple vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục đà tăng liên tiếp trong 2 năm bất chấp thách thức của đại dịch Covid-19.

Doanh thu của hãng đạt mức 90,1 tỷ USD trong quý III, vượt qua dự đoán trước đó của các nhà phân tích. Trong đó, iPhone là sản phẩm mang lại doanh thu cao nhất cho hãng với 42,6 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước.

Apple cũng là hãng smartphone duy nhất có lượng smartphone bán ra trong quý III tăng trưởng 2% so với cùng kỳ. Trong khi 4 hãng smartphone khác Samsung, Xiaomi, OPPO và vivo lần lượt giảm 8%, 9%, 23% và 23%.

Lượng smartphone bán ra của "Táo khuyết" vẫn tăng bất chấp việc sụt giảm các lô hàng từ nhà nhà máy đối tác và áp lực lạm phát, suy thoái gia tăng trên toàn cầu.

"Nhờ sự ra mắt của loạt iPhone mới trong năm nay, Apple đã trở thành hãng smartphone duy nhất trong năm duy trì được tăng trưởng số lượng các lô hàng mỗi quý”, nhà phân tích cấp cao Singh Walia của Counterpoint Research nhận xét.

Tuy không công bố số lượng bán cụ thể, nhưng báo cáo doanh số phần nào khẳng định rằng iPhone vẫn là dòng sản phẩm chủ lực của Apple. CEO Tim Cook cho biết doanh số bán smartphone của Apple vẫn cao trong khi các công ty khác đều đang đối mặt với tình trạng nhu cầu mua giảm.

Dự kiến nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD năm 2025

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa, với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, với 70% dân số trẻ sử dụng internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.

Vì vậy, nền kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/11 - Ảnh 3
Dự kiến nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD năm 2025.

Dù có nhiều cơ hội, song theo một số ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số hay không lại đang phụ thuộc vào những cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là khu vực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số.

Theo đó, có tới hơn 60% doanh nghiệp phản ánh vẫn đang gặp phải rào cản trong chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

Vì vậy, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Các thị trường chứng khoán châu Á để mất động lực trong phiên 9/11

Các thị trường chứng khoán châu Á sau khi mở cửa phiên 9/11 tăng điểm đã để mất động lực sau đó, khi giá của nhà sản xuất tại Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong gần hai năm.

Các thị trường Tokyo, Hong Kong (Trung Quốc) và Thượng Hải mở cửa phiên này tăng, khi các lá phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ được kiểm đếm, với kết quả sẽ định hình tương lai chính trị của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, các thị trường giảm điểm sau khi số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu những tác động do chính sách "Không COVID" (Zero COVID) mà nước này thực hiện.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/11 - Ảnh 4

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,56%, hay 155,68 điểm, chốt phiên ở mức 27.716,43 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2%, hay 198,79 điểm, xuống 16.358,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,53%, hay 16,33 điểm, xuống 3.048,17 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,06%, hay 25,37 điểm, lên 2.424,41 điểm. Hầu hết các thị trường khác tại châu Á tăng điểm, với thị trường Đài Bắc tăng 2,2% và Singapore tăng 0,5%. Thị trường Sydney tăng 0,6% và Bangkok giảm 0,4%, trong khi Jakarta ổn định.

Dự đoán về việc Trung Quốc sẽ thực hiện các chính sách phong tỏa và xét nghiệm để kiểm soát dịch trong bao lâu đã khiến các thị trường chứng khoán tại nước này biến động, dù chính phủ cam kết sẽ không điều chỉnh lộ trình.

Các biện pháp hạn chế đã gây những tác động đến nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ số giá của nhà sản xuất tại nước này trong tháng 10 giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2022.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng, số liệu cơ bản về lạm phát, tăng 2,1% trong tháng 10, sau khi tăng mạnh nhất trong hai năm là 2,8% trong tháng Chín.

Các thị trường tại New York và châu Âu đi lên trong phiên 8/11, khi đảng Dân chủ đối mặt với trở ngại để tiếp tục nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ và các cuộc thăm dò dự báo chiến thắng của đảng Cộng hòa, một kết quả có thể mở đường cho nỗ lực trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong chiều 9/11 tại châu Á, mọi sự chú ý được hướng tới các cuộc đua vào Thượng viện tại các bang như Georgia, Pennsylvania, Nevada, Arizona và Wisconsin.

Các nhà giao dịch cũng đang chờ số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 10/11, khiến đồng USD xuống giá, khi các tài sản rủi ro hấp dẫn nhà đầu tư trong thời điểm diễn ra bầu cử giữa kỳ.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,4% lên 985,59 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,81% lên 201,39 điểm.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.