Xuất khẩu gạo năm 2024 tăng trưởng vượt bậc
Năm 2024, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD; tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023.
Năm 2024, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD; tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023.
Theo đó, ngành gạo lập kỷ lục lịch sử cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu kể từ năm 1989 (năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu gạo) đến nay.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Philippines là thị trường nhập khẩu lớn gạo Việt Nam rất ưa chuộng gạo thơm nên dù thế giới có nguồn cung tăng từ Ấn Độ nhưng cũng không thay thế được. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia.
Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.
Dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ đối diện với nhiều khó khăn như sự trở lại của Ấn Độ. Dự báo năm 2025, Ấn Độ có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.
Thực tế, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12/2024. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn.Sự sụt giảm này phản ánh rõ nét bối cảnh cung cầu toàn cầu, khi Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm còn là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới.
Để gỡ khó cho xuất khẩu gạo hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến nghị các ngân hàng hỗ trợ vay vốn và ngành thuế nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiềm năng và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cho doanh nghiệp.
Nhìn nhận ở góc độ khá lạc quan, các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể giảm nhẹ khi nguồn cung phục hồi, nhưng cơ hội của gạo Việt Nam vẫn có bởi chất lượng gạo Việt ngày càng được chú trọng nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Và đây sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của gạo Việt trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho hay, cơ quan chức năng sẽ tiến hành nghiên cứu việc đối với diện tích nào phù hợp trồng lúa chất lượng cao, năng suất cao. Diện tích lúa nào kém hiệu quả vẫn duy trì một phần chất lượng cao chuyển đổi cơ cấu sang trồng lúa rươi, lúa cá, lúa tôm cũng là một hình thức tốt để xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới, thị trường tiềm năng; duy trì đều đặn tham gia các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thông thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo, thông tin thị trường, kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp nắm bắt, có kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nguồn cung dồi dào hơn, giá cạnh tranh hơn và nhu cầu ổn định được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo toàn cầu, buộc các doanh nghiệp phải linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu của mình.
Minh Thành