Thứ năm, 26/12/2024 16:53 (GMT+7)
Thứ ba, 08/11/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/11

Theo dõi KTMT trên

Tiêu thụ 12 tấn vàng trong một quý, Việt Nam lập đỉnh mới; Đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 8/11.

Tiêu thụ 12 tấn vàng trong một quý, Việt Nam lập đỉnh mới

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo cho thấy nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu trong quý 3-2022 đã đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhu cầu tiêu thụ vàng ở Việt Nam đạt 12 tấn, chủ yếu là vàng thỏi và xu vàng đạt 8,5 tấn, số còn lại là vàng trang sức.

Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương của WGC cho biết, việc dỡ bỏ các lệnh phong tỏa vì Covid-19 đã giúp hoạt động kinh tế Việt Nam có sự hồi phục mạnh mẽ, các công ty đã trở lại hoạt động tối đa công suất và góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng mạnh.

Trên toàn cầu, các hoạt động đầu tư vàng giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, các quỹ cũng bán tới gần 280 tấn vàng từ đầu năm do các nhà đầu tư vào quỹ đầu tư vàng trở nên thận trọng hơn khi lãi suất và đồng đô la Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam trong quý 2 và quý 3 lại liên tiếp lập đỉnh nhu cầu mua vàng thỏi, cho thấy khi chứng khoán biến động và bất động sản có nguy cơ suy thoái sâu, thì vàng vẫn là kênh trú ẩn an toàn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/11 - Ảnh 1

Bên cạnh đó, xu hướng chung nhiều nhà đầu tư cá nhân ở châu Á vẫn ưu ái vàng để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh lạm phát và sự bất ổn địa chính trị, khiến tổng cầu bán lẻ trong quý 3 đã tăng 36% với gần 400 tấn vàng

Sáng nay, các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, TPHCM niêm yết giá vàng miếng SJC tại 66,2-67,2 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 100.000 đồng so với hôm qua. Giá vàng thế giới giao ngay trên Kitco là 1.673,8 đô la/ounce. Trong phiên cuối tuần trước, kim loại quý đã tăng mạnh hơn 50 đô la/ounce nhưng sang 2 phiên đầu tuần đều giảm. Quy đổi theo tỷ giá đô la tại Vietcombank chưa thuế phí, giá vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế khoảng 17,5 triệu đồng/lượng.

Dù giá vàng tăng mạnh tuần trước nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng dài hạn của vàng vẫn là giảm, có thể xuống dưới 1.600 đô la/ounce trong vài tháng tới khi suy thoái ở Mỹ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải chấm dứt chu kỳ thắt chặt trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo VCCI, trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Theo báo cáo, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỉ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể tỉ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ôtô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/11 - Ảnh 2
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất không bắt buộc mua bảo hiểm xe máy.

VCCI đánh giá so với biện pháp đòi bồi thường khác, bảo hiểm xe máy có ưu điểm là chi trả nhanh hơn đối với người bị tai nạn và giảm áp lực tài chính đối với người phải bồi thường, từ đó tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho cùng một số tiền bồi thường.

Tuy nhiên, với số tiền chi trả ít ỏi 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Có ý kiến cho rằng tỉ lệ chi trả thấp của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là do các quy định cụ thể và quá trình thực thi yếu kém, chứ không phải do loại bảo hiểm này không mang lại lợi ích xã hội.

Tuy nhiên, theo VCCI, chính sách này đã tồn tại được hơn 3 thập kỷ, từ Nghị định 30-HĐBT ngày 10-3-1988, trải qua 4 lần sửa đổi vào các năm 1997, 2008, 2013 và 2021, cùng với đó là 8 lượt văn bản quy định chi tiết. "Như vậy, nếu cho rằng các quy định chi tiết hay quá trình thực thi có vấn đề thì vì sao thực trạng này vẫn chưa được khắc phục"- VCCI đặt vấn đề.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.

VCCI cho rằng điều này không chỉ giúp giảm chi phí xã hội như trên đã trình bày mà còn giúp các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có động lực thiết kế và cung cấp những sản phẩm bảo hiểm tốt hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mang lại lợi ích thực sự cho xã hội.

Góp ý với Bộ Tài chính, VCCI cho rằng việc công khai các thông tin, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới là rất cần thiết để người dân, doanh nghiệp biết và giám sát.

Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã công khai một số số liệu như doanh thu phí bảo hiểm, tỉ trọng trong tổng doanh thu, số tiền bảo hiểm gốc. Tuy nhiên, các số liệu này còn tương đối ít và chung chung, nên xã hội thiếu thông tin giám sát tính hiệu quả của chính sách này.

Từ bất cập này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc công khai thông tin, dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm xe cơ giới. Các dữ liệu được công khai bao gồm: Các số liệu về doanh thu bảo hiểm và số liệu về chất lượng giải quyết bồi thường, bao gồm số liệu tổng hợp và số loại đã phân theo loại phương tiện và theo doanh nghiệp.

"Nếu được công khai, các thông tin này sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho toàn xã hội"- VCCI nhận định.

Petrolimex tăng cường bán hàng 24/24, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại Hà Nội

Ngày 8/11, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, toàn bộ cửa hàng xăng dầu Petrolimex vẫn mở bán bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên cả nước.

Tại khu vực Hà Nội, mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng người dân đổ dồn về các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex với số lượng tăng đột biến, lượng hàng bán lẻ trên địa bàn có những ngày đầu tháng 11 tăng trung bình từ 35 đến gần 40% so với tháng 10. Vì vậy, Petrolimex quyết định tất cả các cửa hàng xăng dầu thuộc địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tăng cường bán hàng 24/24 từ ngày 8 đến hết ngày 13/11.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/11 - Ảnh 3
Petrolimex tăng cường bán hàng 24/24, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại Hà Nội.

Danh sách các cửa hàng xăng dầu được cập nhật tại hệ thống bản đồ trên website Petrolimex.com.vn và app Petrolimex (ứng dụng di động tải từ chợ ứng dụng Android và iOS). Bên cạnh đó, Petrolimex khuyến nghị khách hàng lựa chọn thời gian và địa điểm mua hàng phù hợp để hỗ trợ công tác bán hàng tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex bảo đảm đúng quy trình với chất lượng phục vụ tốt nhất.

Đại diện Petrolimex cũng cho biết, trong 10 tháng qua, thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nói riêng có nhiều biến động bất thường; giá dầu thế giới tăng giảm với biên độ lớn, chi phí kinh doanh và tỷ giá ngoại tệ tăng dẫn tới một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu ngừng hoặc hạn chế bán hàng đã tạo áp lực lớn do nhu cầu toàn xã hội dồn về hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.

Tuy nhiên, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước luôn tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, đặt ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân cả nước cũng như đáp ứng kịp thời cho nền kinh tế và an ninh năng lượng, Petrolimex duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và cấp nguồn cho hệ thống cửa hàng thương nhân nhượng quyền theo tiến độ và số lượng đã ký kết từ trước.

Báo cáo kết quả kinh doanh trong 9 tháng qua cho thấy, áp lực nặng nề đặt lên vai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ lực như Petrolimex. Cụ thể, sản lượng kinh doanh đạt 10.177.633m3, tấn bằng 83% kế hoạch và 108,1% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, bán nội địa đạt 7.565.411 m3/tấn bằng 86,3% kế hoạch và bằng 120,1% cùng kỳ 2021. Sản lượng tăng mạnh nhưng lợi nhuận kinh doanh xăng dầu 9 tháng năm 2022 lỗ 793 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.853 tỷ đồng).

Để bảo đảm nguồn hàng cho quý IV/2022, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa dự kiến khoảng gần 3 triệu m3/tấn tương ứng khoảng 140% so với phân giao tối thiểu của Bộ Công thương tại Văn bản số 6733/BCT-TTTN ngày 28/10/2022. Đồng thời, Petrolimex sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, kiểm soát chi phí, hướng tới đạt kết quả tối ưu trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Petrolimex cũng mong muốn các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp lâu dài để các doanh nghiệp khác sớm tổ chức kinh doanh bình thường trở lại.

Nhiều cổ phiếu bất động sản nguy cơ sắp phải giải trình

Sau khi đảo chiều thành công trong phiên chiều 8/11, VN-Index tiếp đà, đóng cửa tăng hơn 6 điểm lên 981 điểm. Kể từ 1/11 đến nay, VN-Index mới ghi nhận phiên tăng điểm trở lại.

Đóng góp tích cực cho VN-Index là BID, giúp chỉ số chính có thêm 2 điểm. Đóng cửa, BID tăng 4,8% lên 34.900 đồng/cổ phiếu. Nhóm nhà băng còn có nhiều cổ phiếu giao dịch khởi sắc, như VCB, CTG, ACB, STB. LPB và STB tăng hơn 6%. Tính chung ở nhóm ngân hàng có tới 20/27 cổ phiếu tăng giá.

Cùng với nhóm ngân hàng, một số mã vốn hóa lớn như GAS, MWG, GVR, MSN, POW... góp thêm lực đẩy đáng kể cho chỉ số. POW tăng trần. Nhóm dầu khí hoạt động khá tốt khi “họ” P có PVS tăng 6,5%, PVD tăng 4%, PVC, PLX... cùng tăng giá.

Với nhóm bán lẻ, MWG tạo dấu ấn khi có phiên tăng mạnh. Theo thông tin mới từ HoSE, cả 2 lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp đã chi tiền, “bắt đáy” 1,5 triệu cổ phiếu MWG. Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc MWG cùng đăng ký mua vào trong bối cảnh giá cổ phiếu này đã giảm 40% chỉ trong 2 tháng qua. Đóng cửa phiên hôm nay, MWG tăng 4,1% lên 44.600 đồng/cổ phiếu.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/11 - Ảnh 4
Hàng chục triệu cổ phiếu bất động sản "nằm sàn" không người mua.

Cổ phiếu chứng khoán cũng góp phần “gồng gánh” chỉ số, nhiều mã tăng mạnh 4-6% như VIX, MBS, SSI, HCM, SHS...

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản vẫn đè nặng áp lực lên thị trường. Hai mã lớn là NVL, PDR tiếp tục dò đáy, đến cuối phiên còn hàng chục triệu cổ phiếu nằm sàn không người mua. Đây đã là phiên thứ 4 NVL giảm sàn liên tục, đồng thời là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số. Các mã bất động sản khác như L14, DRH, DXS, DXG, DIG, TDC, LDG... đều giảm kịch sàn.

Giao dịch của nhóm này chưa thôi tiêu cực, trong bối cảnh thị trường khó khăn. Liên tục lãnh đạo, cổ đông lớn của doanh nghiệp bất động sản bị bán giải chấp cổ phiếu. Cũng vì không thu xếp được tài chính mà thương vụ mua vào được kỳ vọng đỡ giá cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp cũng không thể hoàn thành. Mới nhất, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) - đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu DIG nhưng chỉ mua được 4,5 triệu cổ PHIẾU.

Thanh khoản hôm nay vẫn ở mức thấp, chỉ nhích nhẹ so với hôm qua. Giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt gần 9.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng, với giá trị gia tăng trên HoSE, đạt 523 tỷ đồng, tập trung vào KDH, PVS, POW, DGC...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,46 điểm (0,66%) lên 981,65 điểm. Với cú ngược dòng trong phiên chiều, biên độ dao động của chỉ số chính lên gần 25 điểm. HNX-Index tăng 1,21 điểm (0,61%) lên 199,77 điểm. UPCoM-Index tăng 0,03% (0,04%) lên 72,28 điểm.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 8/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.