Thứ sáu, 26/04/2024 23:57 (GMT+7)
    Thứ ba, 07/06/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/6

    Theo dõi KTMT trên

    Tham vấn xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh; VN-Index hồi phục phút chót, thanh khoản tỷ đô trở lại... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 7/6/2022.

    Tham vấn xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh

    Ngày 7/6 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề "Xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh" với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội và đông đảo doanh nghiệp.

    Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Trưởng Ban pháp chế cho biết, phát triển bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Việt Nam hiện đang rất tích cực hoàn thiện thể chế, khi đã thông qua các đạo luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ Môi trường cùng nhiều nghị định hướng dẫn theo định hướng phát triển kinh tế bền vững trong năm 2021.

    Việt Nam cũng có chiến lược nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng tới việc thu hút các dự án mới chất lượng và hiệu quả cao hơn, các dự án về công nghệ và bảo vệ môi trường.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/6 - Ảnh 1
    Toàn cảnh hội thảo tham vấn "Xây dựng chỉ số xanh cấp tỉnh". (Ảnh: VCCI cung cấp)

    Mới đây, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có tuyên bố mạnh mẽ về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

    Điều này thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường.

    Đây là một bước tiếp theo quan trọng của tiến trình hội nhập mạnh mẽ khi Việt Nam đã là một thành viên chủ động và tích cực của thế giới. Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại quốc tế đa phương và song phương quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...; trong đó, có nhiều yêu cầu thuận lợi hóa thương mại đi cùng với cam kết bảo vệ môi trường.

    VN-Index hồi phục phút chót, thanh khoản tỷ đô trở lại

    Gần như toàn bộ thời gian của phiên giao dịch hôm nay, chỉ số chính giằng co trong sắc đỏ. Những phút cuối của phiên ATC, VN-Index hồi lại sắc xanh khi một số cổ phiếu lớn đảo chiều tăng. Thanh khoản tăng đáng kể so với phiên hôm qua. Giá trị giao dịch 3 sàn tiệm cận mức 1 tỷ USD (hơn 22.892 tỷ đồng), rất lâu rồi thị trường mới ghi nhận lại ngưỡng thanh khoản này.

    Biên độ dao động của chỉ số chính lên tới 30 điểm, VN-Index từng “chạm đáy” trong phiên sáng ở mức 1.261 điểm, và đóng cửa tại 1.291 điểm. Sự thay đổi rõ rệt ở nhóm VN30, từ chỗ 29 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, tới giờ đóng cửa giảm còn 17, đã giảm bớt áp lực lên chỉ số chính. Đóng góp tích cực nhất cho VN-Index là VCB, FPT, PLX, POW, BCM, BVH, REE, MSN, DGC, GEX. Sự chi phối của VN30 trong nhóm dẫn dắt thị trường là không còn là chủ đạo. Thay vào đó, các cổ phiếu xây dựng, hoá chất, điện… xuất hiện thay thế.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/6 - Ảnh 2
    VN-Index hồi phục phút chót, thanh khoản tỷ đô trở lại.

    Cổ phiếu điện tiếp tục tăng mạnh, với POW, REE lọt nhóm dẫn dắt thị trường. HDG, TV2 tăng trần. ASM, HIG, PC1 tăng mạnh…

    DGC có phiên thứ 7 tăng giá liên tiếp, thị giá tăng hơn 26% trong thời gian đó. Với việc tăng 5,76%, DGC lập đỉnh 124.900 đồng/cổ phiếu. DGC vừa chốt danh sách trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:117.

    Trong khi DGC duy trì được đà tăng, thì một số mã phân bón khác chịu áp lực chốt lời: DCM, BFC.

    Nhóm dầu khí vẫn duy trì giao dịch tích cực: POW tăng trần, BSR tăng 5,7%, PVS, PLX, PVD tăng trên dưới 4%.

    Nhóm nông nghiệp cũng ghi nhận giao dịch tích cực, TAR, PAN tăng trần. Nhóm thuỷ sản đồng loạt tăng mạnh: MPC, CMX, VHC.

    Ở chiều ngược lại, nhóm gây áp lực lớn lên chỉ số, tiếp tục là ngân hàng, bất động sản, nổi bật là VHM, BID, VIC, TPB, EIB, MBB, SHB, DXG, ACB. Đây là những cổ phiếu lấy đi nhiều điểm nhất của chỉ số chính. Ở nhóm ngân hàng, sắc đỏ bao trùm hơn 20 cổ phiếu. Đà giảm còn mạnh hơn tại bất động sản, với DXG, HU1, DRH giảm sàn. Hàng loạt cổ phiếu khác cũng giảm với biên độ lớn như NLG, TDH, HAR, SCR, LDG…

    Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,34 điểm (0,1%) lên 1.291,35 điểm. HNX-Index giảm 2,66 điểm (-0,87%) xuống 304,15 điểm. UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,22%) xuống 93,69 điểm.

    Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 7,6% lên 16.460 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 150 tỷ đồng ở sàn HoSE, đổ dồn vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND, các cổ phiếu như BSR, PNJ, MSN. Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng HPG.

    Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga

    Theo hãng tin Bloomberg, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đang cùng nhau hoàn thiện và đảm bảo hợp đồng dầu thô mới với Nga có thời hạn kéo dài 6 tháng. Nguồn tin cho biết nguồn cung dầu thô mới sẽ do Rosneft phân phối. Với thỏa thuận này, Rosneft sẽ phải xử lý các vấn đề liên quan đến vận chuyển và bảo hiểm.

    Các hợp đồng này, nếu được ký kết, sẽ độc lập với lô dầu mỏ mà Ấn Độ đã mua từ Nga theo các thỏa thuận trước đó. Chi tiết về khối lượng và giá cả vẫn đang được thương lượng. Các ngân hàng Ấn Độ sẽ thanh toán toàn bộ số dầu nhập từ Rosneft.

    Nguồn tin giấu tên cũng tiết lộ thêm rằng các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ sẽ tăng cường mua trực tiếp dầu thô từ các công ty Nga khi hợp đồng với các khách hàng quốc tế hàng đầu như Glencore Plc kết thúc.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/6 - Ảnh 3
    Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu mỏ của Nga.

    Ấn Độ hiện có 3 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước, bao gồm Indian Oil Corp, Hindustan Petroleum và Bharat Petroleum. Ngoài ra, nước này cũng có một số cơ sở sản xuất dầu tư nhân là Reliance Industries và Nayara Energy - đơn vị mà Rosneft đóng cổ phần. Hoạt động mua dầu thô Nga được các công ty nhà nước và tư nhân thực hiện độc lập. Người phát ngôn của 3 cơ sở tư nhân này đều chưa trả lời yêu cầu bình luận về những hợp đồng trên.

    Các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của nhà nước và tư nhân ở Ấn Độ đều đang thúc đẩy mua dầu thô của Nga khi Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm vào nước này.

    Khi các khách hàng châu Âu ráo riết tìm nguồn cung thay thế dầu Nga, một lượng dầu thô Nga chưa từng có đã được chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc. Xu hướng tìm nguồn cung thay thế và định hình lại dòng chảy năng lượng toàn cầu đã khiến giá dầu tăng lên hơn 20% kể từ cuối tháng 2 khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã được hưởng lợi nhuận cao từ việc biến dầu thô giá rẻ thành nguồn nhiên liệu bán trong nước và cả trên thị trường xuất khẩu cho khách hàng ở châu Âu và Mỹ.

    Dầu thô của Nga chỉ là một phần trong kho nguyên liệu thô tổng thể của Ấn Độ. Nước này cũng đã ký kết các hợp đồng mua bán dài hạn với Trung Đông và châu Phi. Song dầu giảm giá của Nga đã mang lại cơ hội mới cho Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu hơn 85% lượng dầu tiêu thụ trong nước.

    Theo dữ liệu của Bộ Dầu mỏ, việc tiếp cận dầu thô giá rẻ đã thúc đẩy nhập khẩu dầu của Ấn Độ tăng gần 16% trong tháng 4 so với năm ngoái. Thị phần dầu từ khu vực Á-Âu, bao gồm cả Nga, đã tăng lên 10,6% trong tháng 4 so với mức 3,3% một năm trước đó.

    Giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên xuống dưới 900 USD/1.000 m3 kể từ tháng 2

    Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm xuống dưới 900 USD/1.000 mét khối trong phiên giao dịch hôm thứ Hai 6/6, lần đầu tiên kể từ ngày 22/2, theo dữ liệu do ICE của London cung cấp.

    Giá khí đốt giao tháng 7 tại trung tâm TTF ở Hà Lan giảm xuống còn 894,5 USD/1.000 mét khối, tương đương 80,85 euro/MWh.

    Tổng mức giảm giá khí đốt kể từ sáng đến hết ngày hôm qua lên tới 1,7%.

    Thế giới tăng cường sản xuất phân kali phục vụ nông nghiệp

    Trong phần lớn thập kỉ vừa qua, thị trường potash (hợp chất kali, nguyên liệu chủ chốt để sản xuất phân bón) phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất và giá giảm. Nhưng khi lệnh cấm vận bóp nghẹt nguồn cung từ Nga và Belarus, hai nước chiếm đến 40% sản lượng phân bón toàn cầu, các nhà nhập khẩu đang phải chạy đua tìm kiếm nguồn thay thế, cùng với đó là cảnh báo ngày một rõ về khủng hoảng lương thực toàn cầu.

    Tại Brazil, một trung tâm sản xuất nông nghiệp, giá phân bón đã tăng 185% trong vòng một năm qua, lên mức 1.100 USD/tấn. Mức tăng này tại châu Âu thậm chí còn còn cao hơn, lên 240%, tương đương với 875 euro/tấn.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/6 - Ảnh 4
    Thế giới tăng cường sản xuất phân kali phục vụ nông nghiệp.

    Potash là loại khoáng chất có trong các bể trầm tích kali được hình thành trong quá trình bốc hơi nước biển và dịch chuyển của đáy biển trải qua hàng triệu năm. Hợp chất này rất giàu Kali, một trong ba loại chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây trồng bên cạnh nitơ và phốt pho.

    Tuy nhiên, việc canh tác một loạt những cây lương thực như ngô, đậu nành, lúa, lúa mỳ đột nhiên bị đứt gãy nguồn nguyên liệu thiết yếu potash, đe dọa sản lượng trồng trọt toàn cầu. Các nhà sản xuất đang tìm cách mở rộng sản xuất khi giá potash tăng cao, cùng với đó là căng thẳng địa chính trị làm biến đổi dòng chảy thương mại truyền thống, vai trò ngày một nổi bật của an ninh nguồn cung.

    BHP (Australia) đang xem xét đưa dự án tại Jansen ở Canada trị giá 5,7 tỷ USD vào khai thác trong năm 2026 thay vì năm 2027 như dự kiến. Tập đoàn khai khoáng lớn nhất toàn cầu này cũng bắt tay nghiên cứu mở rộng dự án giai đoạn hai của dự án, nâng gấp đôi công suất, lên 8 triệu tấn potash/năm.

    Tại Brazil, những người cổ vũ cho dự án khai mỏ potash với mức đầu tư 2,5 tỷ USD trong khu vực rừng Amazon – dự án lớn nhất tại khu vực nếu được thông qua, đã đẩy nhanh nỗ lực để được cấp phép. Muốn có giấy phép về môi trường, công ty Brazil Potash phải thương thuyết với người bản địa.

    Những công ty nhỏ hơn đang gây vốn để khởi động hoặc hoàn tất các dự án mới. Highfield Resources, một công ty niêm yết trên sản chứng khoán Australia, có kế hoạch phát triển mỏ potash ở Tây Ban Nha trong năm nay, đã tiếp cận được khoản tín dụng trọn gói trị giá 312,5 triệu euro từ các ngân hàng châu Âu. Hãng này cũng đã khởi động tiến trình đàm phán với các đối tác tiềm năng. “Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt lớn về mức độ quan tâm kể từ khi nổ ra chiến tranh ở Ukraine”, Giám đốc điều hành Highfield Resources, ông Ignacio Salazar, phát biểu.

    Bên kia bờ Đại Tây Dương, Western Potash (Canada) cũng đã được Appian Capital cấp khoản vay 85 triệu đô-la Canada để phát triển dự án potash điểm ở Saskatchewan.

    Potash tăng giá mạnh chủ yếu là do Belarus không tìm được giải pháp xuất khẩu potash ra thị trường quốc tế vì lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), liền sau đó là việc Litva phong tỏa đường sắt, cảng biển chở quặng từ Belarus. Nước này hiện chỉ xuất được khoảng 5% tổng sản lượng và chủ yếu là sang Trung Quốc.

    Trong báo cáo công bố hồi năm ngoái, BHP dự báo sản lượng khai thác potash toàn cầu đạt khoảng 86 triệu tấn vào năm 2030, tăng so với mức 76 triệu tấn năm 2020. Tuy nhiên, giới phân tích hiện thừa nhận rằng rất khó để đạt được sản lượng này, bởi phần lớn các mỏ mới dự kiến đưa vào khai thác tập trung ở Nga và Belarus.

    “Nếu những dự án này bị trì hoãn hoặc hủy do nguyên nhân thiếu nguồn vốn đầu tư, sẽ đến lúc chúng ta lâm vào tình cảnh mà ở đó căng thẳng nguồn cung sẽ kéo dài hơn”, Humphrey Knight, trưởng bộ phận phân tích về potash tại hãng tư vấn CRU, nhận định.

    Công ty Slavkaliy (Belarus) đã buộc phải dừng dự án quy mô 2 triệu tấn potash/năm ở mỏ Nezhinsky do khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Giới phân tích trong ngành nghi ngờ số phận tương tự sẽ đến với dự án ở Talitsky do công ty Acron của Nga làm chủ đầu tư.

    Theo Humphrey Knight, có khá nhiều nguy cơ liên quan đến triển vọng thị trường. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ ít có khả năng Nga và Belarus bị loại khỏi thị trường vĩnh viễn và đây là yếu tố có thể thay đổi bất ngờ liên quan đến nguồn cung. Nhưng rất khó để thay thế nguồn cung từ hai nước này trong ngắn hạn, nhất là trong bối cảnh các khu mỏ potash hấp dẫn nhất thế giới đã được đưa vào khai thác trong suốt thời kỳ bùng nổ giá hàng hóa đầu những năm 2000.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới