Thứ tư, 04/12/2024 11:03 (GMT+7)
Thứ hai, 05/12/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/12

Theo dõi KTMT trên

Giá xăng dầu tăng cao; Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 5/12.

Giá xăng dầu tăng cao

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga vừa thông qua quyết định sẽ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày từ nay cho đến năm 2023.

Việc ra quyết định này vì Liên minh Châu Âu (EU) áp giá trần 60 USD với dầu Nga vào ngày 5-12.

Ngay lập tức, phiên giao dịch hôm nay (5-12) giá dầu thô toàn cầu đã tăng trở lại lên gần vùng giá 90 USD/thùng. Việc tăng giá dầu còn đến từ việc Trung Quốc đã nới lỏng chính sách chống dịch bệnh giúp các hoạt động kinh doanh phục hồi và đẩy nhu cầu dầu tăng trở lại.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/12 - Ảnh 1
Giá xăng dầu tăng cao.

Các chuyên gia phân tích Ngân hàng ANZ cho biết, quyết định này phản ánh sự khó đoán định của cung và cầu trong những tháng tới. Giá dầu có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới và kéo dài sang quý 1-2023 do thị trường EU vẫn có nhu cầu cao về dầu cho hoạt động sưởi ấm.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng trở lại từ mức 89 USD leo lên 91 USD/thùng.

Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.

NHNN cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2022 thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/12 - Ảnh 2
Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN.

Do đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cần phải được xây dựng và ban hành để có cùng thời điểm hiệu lực với Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là 01/3/2023.

Việc xây dựng Quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000. Theo NHNN, việc giữ nguyên mức giá trị này xuất phát từ những lý do sau:

- Căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc giữ mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300.000.000 là phù hợp.

- Mặt khác, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng) cao hơn mức quy định tại dự thảo Quyết định. Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400.000.000 thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF.

Do đó, NHNN kiến nghị giữ nguyên mức giá trị như quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu Khuyến nghị của FATF.

Bộ Công Thương công bố danh sách 281 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021

Bộ Công Thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp, tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng xuất khẩu uy tín năm 2021.

Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…

Sau một thời gian đăng tải Danh sách sơ tuyển, tiếp thu các ý kiến phản hồi, ngày 02 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2615/QĐ-BCT phê duyệt Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021.

Trên cơ sở đề xuất của 54 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp (tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng).

Bộ Công Thương hy vọng các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp thế giới.

Petrolimex bất ngờ đề xuất giảm 90% mục tiêu lợi nhuận năm 2022

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX) dự kiến họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2022 lần 2 để xin ý kiến cổ đông về một số vấn đề. Trong đó, Petrolimex đề xuất giảm 90% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của năm 2022, từ kế hoạch 3.036 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng.

Theo Petrolimex, trong 9 tháng đầu năm 2022 và đặc biệt vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn đã xảy ra hiện tượng một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/CHXD ngoài xã hội hạn chế bán hàng hoặc dừng bán hàng, nhu cầu dồn về Petrolimex khiến cho sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn tăng mạnh trên tất cả các kênh bán hàng (sản lượng bán nội địa 10 tháng đầu năm 2022 vượt 14% so với tiến độ kế hoạch và tăng 22% so với cùng kỳ), đặc biệt là kênh bán lẻ trực tiếp cũng như nhu cầu mua hàng từ các thương nhân nhận quyền bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex không ngừng tăng cao.

Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực rất lớn trong công tác tạo nguồn của Tập đoàn, lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh vào những chu kỳ xu hướng giá tăng dẫn đến Tập đoàn phải nhập mua đuổi để kịp thời bù đắp và đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Trước bối cảnh áp lực về nguồn cung và giá dầu thế giới trong các tháng cuối năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức cao và biến động rất bất thường khó dự báo, cùng với việc sẽ gây nhiều khó khăn trong công tác điều hành thì hiệu quả kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn cũng đồng thời bị suy giảm đáng kể so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Cụ thể do chịu ảnh hưởng bởi chi phí tạo nguồn thực tế tăng cao hơn chi phí tạo nguồn kết cấu trong giá giá cơ sở; Chi phí tạo nguồn nhập khẩu tăng để bù lượng cấp thiếu từ NMLD Nghi Sơn; Lợi nhuận giảm do lùi thời gian điều chỉnh giá bán trong bối cảnh giá dầu có xu hướng tăng và bị ảnh hưởng do điều chỉnh tỷ giá.

Cụ thể, Petrolimex đề xuất giảm 90% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của năm 2022, từ kế hoạch 3.036 tỷ đồng xuống còn 300 tỷ đồng.

Theo dự thảo tờ trình về việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch SXKD năm 2022: Trong năm 2022, dưới tác động của rất nhiều yếu tố liên quan đến biến động bất thường dị biệt của giá dầu và nguồn cung năng lượng thế giới, cơ chế vận hành liên quan đến cấu thành giá cơ sở và sự cố từ NMLD Nghi Sơn đã làm cho hoạt động KDXD của toàn Tập đoàn bị ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu.

Do một số yếu tố tác động là trường hợp bất khả kháng nằm ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của Tập đoàn, vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch năm 2022 là "cần thiết và phù hợp".

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới