Thứ bảy, 20/04/2024 17:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 02/12/2022 18:15 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/12

Theo dõi KTMT trên

Biển Đông khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trong tháng 12; Nhiều giải pháp bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại Quảng Ngãi; Vanuatu lên kế hoạch di dời hàng chục ngôi làng do nước biển dâng cao... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay.

Biển Đông khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trong tháng 12

Theo bản tin dự báo khí hậu thời hạn tháng các khu vực trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/12-31/12/2022 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong thời kỳ này vẫn còn khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông. Trước đó, trong tháng 11/2022, trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 1 cơn bão số 7 - NALGAE nhưng không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, không khí lạnh gia tăng cường độ và tần suất tại khu vực Bắc Bộ. Do vậy, các tỉnh miền Bắc có nhiều ngày nền nhiệt độ ở ngưỡng trời rét, trong đó rét đậm có khả năng tập trung trong thời đoạn ngắn vào thời kỳ đầu và cuối tháng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/12 - Ảnh 1
Biển Đông khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trong tháng 12/2022.

Trong tháng 11/2022, cả nước đã xảy ra 3 đợt không khí lạnh vào ngày 1, ngày 23 và 30/11. Đáng chú ý là đợt không khí lạnh cường độ mạnh tối 30/11, sáng ngày 1/12 ảnh hưởng thời tiết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 14-17 độ C, vùng núi 10-13 độ C, vùng núi cao trời rét hại: Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) 8,5 độ C, Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) 4,5 độ C.

Dự báo, từ 1-31/12/2022, xu thế nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Về xu thế lượng mưa, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, có nơi cao hơn từ 20-50mm; các khu vực còn lại phổ biến cao hơn từ 40-80mm, đặc biệt khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 70-150mm, có nơi cao hơn 200mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thừa Thiên - Huế: Nước lũ đang lên, QL1A và hơn 1.000 nhà dân bị ngập

Từ khuya 2/12 đến chiều nay, tại Thừa Thiên - Huế xuất hiện mưa lớn, đến chiều cùng ngày mưa lớn đã khiến cho đoạn QL1A qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc vào chiều 2/12 bị ngập khoảng 50cm, kéo dài gần 200m.

Hiện tại, lực lượng chức năng đã tạm ngừng cho các phương tiện ô tô gầm thấp và xe máy lưu thông qua đoạn đường bị ngập. Các phương tiện này đang xếp hàng trên quốc lộ đợi nước lũ rút sẽ tiếp tục hành trình.

Trao đổi với báo chí, ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) cho biết, từ trưa tới chiều hôm nay, nước lũ dâng cao khiến hơn 1.000 hộ dân ở địa phương bị ngập.

Theo ông Như, ở các tuyến đường trong địa phương nước ngập khoảng 60-70cm, nhiều nhà dân nước đã tràn vào nhà khoảng 20cm, và có xu hướng tiếp tục dâng lên.

“Mưa lớn tại vùng núi Bạch Mã khiến nước đổ về địa phương, đồng thời hiện nay trên địa bàn mưa đang rất to, nguy cơ lũ sẽ tiếp tục lên trong đêm” – ông Như nói.

Ông Như cho biết thêm, nếu mưa lớn tiếp diễn, nước lũ dâng cao sẽ di dời dân tại chỗ, những nhà thấp đến những nhà cao hơn để trú ngụ, đây là những kế hoạch mà địa phương đã chuẩn bị trước đó.

“Địa phương tăng cường lực lượng, thông báo đến người dân đưa các đồ đạc vật dụng lên cao, chủ động lương thực trong các ngày tới; không đi đánh bắt, thả lưới khi nước lũ đang lên để đảm bảo an toàn”- ông Như nói.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong sáng 2-12, trên địa bàn đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa một số nơi như Lộc Trì 43.8mm, Hương Nguyên 71.4mm, A Lưới 106mm, Huế 32mm, Bạch Mã 166.2mm, Cổ Bi 100.6mm.

Dự báo những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 70mm.

Mưa lớn gây nguy cơ xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối và nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại các khu đô thị và vùng trũng thấp.

Nhiều giải pháp bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại Quảng Ngãi

Sáng ngày 2/12, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tham vấn giải pháp bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi”.

Theo kết quả khảo sát nhanh của Trung tâm GreenViet và Tổ chức FFI, trong năm 2022, tại tỉnh Quảng Ngãi đã quan sát được 10 đàn voọc chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Ước tính, nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn voọc chà vá chân xám sinh sống ở đây. Đây là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao với 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/12 - Ảnh 2
Rừng phòng hộ Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nói: “Qua khảo sát, có thể nhận thấy khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học bởi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên An Toàn (tỉnh Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai). Do đó, Ba Tơ là một hành lang quan trọng để bảo tồn loài voọc chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng nói chung”.

Ông Nguyễn Quang Trung cho rằng, tại Ba Tơ, công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản... Ngoài ra, thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học cũng như chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ ngoài ngân sách nhà nước nhằm xúc tiến hoạt động thành lập khu bảo tồn thiên nhiên khu Tây Ba Tơ.

Bộ TN&MT lập đoàn kiểm tra yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm rác ở Hòa Bình

Sau phản ánh của các cơ quan thông tấn báo chí và qua đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của Tổng cục Môi trường liên quan đến thực trạng ô nhiễm tại tỉnh Hòa Bình, Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã lập đoàn kiểm tra làm việc với các đơn vị chức năng của tỉnh Hòa Bình về vấn đề ô nhiễm rác thải. 

Trước đó, lãnh đạo Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình vào cuộc xác minh, báo cáo về nội dung mà các cơ quan báo chí phản ánh về tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh này chỉ đạo các đơn vị có liên quan xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng rác trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Như đã đưa tin, hơn hai năm nay, TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã để tồn đọng hàng trăm nghìn tấn rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, vì không thể xử lý số lượng rác khổng lồ nêu trên, chính quyền TP. Hòa Bình đã tập kết rác tại nhiều vị trí trong thành phố như đường Trương Hán Siêu, khu công nghiệp Mông Hóa, ven cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình và đặc biệt là tại đồi thuộc xóm Can (xã Độc Lập). 

Nhiều điểm tập kết rác không được che chắn đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Người dân sống gần các khu vực tập kết nêu trên bức xúc vì phải sống trong cảnh ô nhiễm trong thời gian dài. 

Áp lực rác thải ùn ứ đẩy đỉnh điểm, ngày 30/12/2020, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản số 2331 thông báo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh về việc “đồng ý để UBND thành phố Hoà Bình nghiên cứu, khảo sát và có phương án bố trí khu tập kết chất thải rắn sinh hoạt tạm thời tại xóm Can, xã Độc Lập”. 

Dựa vào văn bản trên của UBND tỉnh Hòa Bình, UBND TP.Hòa Bình ra văn bản 2225 ngày 30/6/2021 về việc vận chuyển rác thải tại các địa điểm về vị trí tập kết tạm thời và giao cho Công ty Hoàng Long thực hiện vận chuyển toàn bộ lượng rác sinh hoạt tại 4 địa điểm khác nhau về xóm Can. 

Tuy nhiên, sau nhiều ngày ồ ạt đổ hơn 6.000 tấn rác vào đỉnh đồi thuộc xóm Can, Công ty Hoàng Long chưa tiến hành làm các phương án tập kết, xử lý chất thải để trình lên cơ quan có thẩm quyền và khu vực tập kết chưa được quy hoạch. Sau một thời gian ngắn hoạt động đã gây ra ô nhiễm môi trường.

Vanuatu lên kế hoạch di dời hàng chục ngôi làng do nước biển dâng cao

Mới đây, giới chức Vanuatu cho biết quốc đảo này đang lên kế hoạch di dời hàng chục ngôi làng trong vòng 2 năm tới trước nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng cao.

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Vanuatu, Ralph Regenvanu, cho biết việc ứng phó với tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu là thách thức lớn mà 300.000 cư dân Vanuatu sinh sống trên một chuỗi đảo trải dài giữa Australia và Fiji đang phải đối mặt. Do đó, các cộng đồng lâu đời sẽ phải di dời khỏi các khu vực ven biển, nơi mà tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến mực nước biển dâng cao và gây ra nhiều cơn bão có sức tàn phá mạnh hơn.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/12 - Ảnh 3
Vanuatu đang lên kế hoạch di dời hàng chục ngôi làng trong vòng 2 năm tới trước nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng cao.

Theo Bộ trưởng Regenvanu, Chính phủ Vanuatu xác định hàng chục ngôi làng ở khu vực có nguy cơ cao sẽ được di dời trong vòng 24 tháng tới, trong khi các khu dân cư khác cũng sẽ được lên kế hoạch di dời trong thời gian dài hơn.

Quần đảo Vanuatu ở Tây Nam Thái Bình Dương nằm trong số hơn 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương đang đối mặt với thực trạng mực nước biển dâng và bão lũ diễn ra thường xuyên hơn.

Vanuatu đã có kinh nghiệm trong việc di dời cư dân. Năm 2005, Vanuatu là một trong những quốc gia đầu tiên ở Thái Bình Dương di dời toàn bộ cộng đồng trên đảo Tegua ở phía Bắc khỏi khu vực ven biển dễ bị ngập lụt lên vùng đất cao hơn. Năm 2017, toàn bộ 11.000 người sống trên đảo Ambae ở phía Bắc cũng được một đội tàu, thuyền đưa đến các đảo nhỏ khác sau khi núi lửa Manaro Voui phun trào gây mưa đá và tro bụi tràn xuống các ngôi làng.

Các đảo quốc ở Thái Bình Dương nằm ở vị trí thấp như Vanuatu đã và đang phải hứng chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Hồi năm 2015, một nửa dân số Vanuatu bị ảnh hưởng khi bão Pam tàn phá thủ đô Port Vila khiến hơn 10 người thiệt mạng, phá hủy mùa màng và hàng nghìn người mất nhà cửa. Theo Báo cáo rủi ro toàn cầu hằng năm, Vanuatu là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất từ thiên tai như động đất, bão, lũ lụt và sóng thần.

Các nhà khoa học dự báo mực nước biển ở Thái Bình Dương sẽ tăng từ 25-58cm vào giữa thế kỷ này. Đây là một viễn cảnh thảm khốc đối với Vanuatu, nơi mà 60% dân số sống ở khu vực cách bờ biển chỉ 1km.

Hiện các quốc gia khác ở Thái Bình Dương cũng đang xem xét kế hoạch di dời các cộng đồng đang bị đe dọa do khủng hoảng khí hậu, trong đó có Fiji, nơi hàng chục ngôi làng dự kiến sẽ được di dời.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 2/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới