Thứ bảy, 23/11/2024 08:58 (GMT+7)
    Thứ hai, 28/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/3

    Theo dõi KTMT trên

    Giá vàng SJC tiến sát mốc 70 triệu đồng/lượng; Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 28/3/2022.

    Giá vàng SJC tiến sát mốc 70 triệu đồng/lượng

    Giá vàng SJC đang tiến sát mốc 70 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,9 - 69,6 triệu đồng/lượng.

    Tại Hà Nội và Đà Nẵng giao giá vàng SJC dịch mua - bán trong khoảng 68,9 - 69,62 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/3 - Ảnh 1
    Giá vàng SJC tiến sát mốc 70 triệu đồng/lượng.

    Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,55 - 69,4 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 850.000 đồng/lượng.

    Cùng thời điểm giao dịch, giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,7 - 69,5 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.

    Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu

    Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

    Theo đó, Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

    Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/3 - Ảnh 2
    Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu.

    Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực vào ngày 15/8 năm nay. Tuy nhiên, do lo ngại nợ xấu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này đến ngày 15/8/2025.

    Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết quá trình xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực. Khách hàng tự nguyện, chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng.

    Theo đó, báo cáo của các tổ chức tín dụng nêu rõ lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...

    Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

    Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11/2021 tăng cao ở mức trên 2%.

    Trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 7,42%. Như vậy, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, đáng quan ngại.

    Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước

    Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

    Về thời gian gia hạn, theo quy định của Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng và thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.

    Để việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ dự kiến: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/3 - Ảnh 3

    Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, cụ thể như sau: Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6/2022, tháng 7/2022, tháng 8/2022, tháng 9/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2022.

    Việc gia hạn áp dụng đối với trường hợp kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn và áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thực hiện kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

    Về trình tự, thủ tục đề nghị gia hạn, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng phương thức điện tử; gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu điện) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

    Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 20/11/2022.

    Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn hoặc trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thì cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước.

    Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn. Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

    Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.

    Nghị định được thực hiện trong một thời gian ngắn, không phải là nghị định bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế nghị định hiện hành, vì vậy để đảm bảo chặt chẽ, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định: "Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành".

    Tổng số tiền gia hạn dự kiến lên đến 11,4 nghìn tỷ đồng

    Hãng bia Heineken thông báo rút khỏi Nga

    Công ty sản xuất bia Heineken của Hà Lan ngày 28/3 thông báo rút khỏi Nga liên quan xung đột ở Ukraine.

    Trước đó, đầu tháng 3 này, Heineken đã dừng bán và sản xuất sản phẩm nhãn hiệu Heineken tại Nga cũng như dừng đầu tư mới và xuất khẩu sang Nga.

    Thông báo của Heineken nêu rõ: "Sau khi đánh giá lại hoạt động, chúng tôi kết luận rằng việc sở hữu doanh nghiệp của Heineken tại Nga không còn được bảo đảm cũng như không thể đứng vững được trong môi trường hiện nay. Do đó chúng tôi quyết định rời Nga".

    Heineken cho biết hãng có ý định chuyển giao doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới phù hợp với luật pháp Nga và quốc tế và sẽ không lấy lãi từ giao dịch này. Heineken dự kiến tốn 400 triệu euro cho chi phí bất thường này.

    Công ty này cho biết sẽ tiếp tục hoạt động với quy mô thu hẹp trong thời gian chuyển giao để giảm nguy cơ bị quốc hữu hóa và đảm bảo an toàn cũng như phúc lợi cho nhân viên, khẳng định công ty "đảm bảo trả lương cho 1.800 nhân viên từ nay đến cuối năm 2022 và sẽ làm hết sức để bảo đảm việc làm cho họ trong tương lai".

    Hàng trăm công ty phương Tây đã đóng cửa hàng và văn phòng tại Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có các tên tuổi nổi tiếng như Ikea, Coca-Cola và MacDonald's.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới