Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 25/3
“Ì ạch” lập danh mục ao hồ không được san lấp: Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng"; Ninh Thuận: Thả cá thể rùa xanh quý hiếm nặng 90kg về biển an toàn; Khẩn trương lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia... là những tin tức môi trường 24h trong ngày 25/3.
“Ì ạch” lập danh mục ao hồ không được san lấp: Bộ TN&MT chỉ đạo “nóng"
Trước tình trạng chậm trễ trong việc lập, công bố các danh mục hồ ao không được san lấp, mới đây, Bộ TN&MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện.
Hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Tình trạng san lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng,..
Vì vậy, để đẩy mạnh công tác quan trọng này, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh.
Ninh Thuận: Thả cá thể rùa xanh quý hiếm nặng 90kg về biển an toàn
Ngày 25/3, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) cho biết vừa tiếp nhận và tái thả về tự nhiên một cá thể rùa xanh (Cheronia mydas) quý hiếm về biển an toàn.
Ban đầu cá thể rùa biển này bị mắc lưới, ngư dân có ý định mang về để mổ thịt; nhờ sự tuyên truyền, vận động kịp thời của du khách Lâm Nữ Liên Minh, bà con đã hiểu và để chị Minh tiếp nhận, bàn giao lại cho Vườn quốc gia Núi Chúa cứu hộ.
Ông Phạm Anh Dũng, Phòng Bảo tồn Biển thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa cho hay, sau khi đánh giá sức khỏe tổng quát và nhận thấy cá thể rùa này vừa mới bị đánh bắt còn khỏe mạnh, lãnh đạo Vườn quốc gia Núi Chúa đã quyết định thả cá thể rùa biển này trong Khu bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa.
Rùa xanh là một trong những loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ thế giới (IUCN) đang được ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhằm bảo vệ các loài rùa biển quý hiếm, Vườn quốc gia Núi Chúa đang phối hợp với các đơn vị xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận các cá thể rùa còn sống, đưa tới Vườn quốc gia Núi Chúa cứu hộ, chữa trị; nuôi huấn luyện rùa bị nuôi nhốt, đánh bắt, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi thả ra môi trường tự nhiên.
Khẩn trương lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang triển khai lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để phối hợp xây dựng Báo cáo quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cung cấp thông tin liên quan trước ngày 15/4/2022.
Theo công văn 1394/BTNMT-TCMT vừa được Bộ TN&MT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương cần cung cấp: Tổng quan về hiện trạng đầu kỳ quy hoạch (năm 2020), diễn biến chất lượng môi trường trong kỳ quy hoạch trước (2011 – 2020), dự báo cho giai đoạn 2021 – 2030; tổng quan về quy hoạch, thành lập, quản lý cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý; tổng quan về các yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhận diện các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường cần khoanh định xác lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải;
Bên cạnh đó, các địa phương cần cung cấp thông tin tổng quan về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại và chất thải rắn khác trên địa bàn quản lý; tổng quan về quy hoạch, thiết lập, quản lý hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường trên địa bàn quản lý; tổng quan về công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và chất thải rắn khác; quan trắc và cảnh báo môi trường của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra còn thông tin chung về điều kiện tự nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, phân bố không gian các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, hệ sinh thái san hô, cỏ biển (nếu có); nguồn nước mặt (nước biển ven bờ, sông, hồ, kênh, rạch) trên địa bàn tỉnh; Phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội (khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị, khu dân cư tập trung, …) trên địa bàn tỉnh.
IPU-144 nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết giải quyết khủng hoảng khí hậu
Mới đây, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 đã chính thức bế mạc tại Bali, Indonesia, với việc thông qua Tuyên bố Nusa Dua về biến đổi khí hậu, cùng hai nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, và khai thác công nghệ thông tin phục vụ lĩnh vực giáo dục.
IPU là diễn đàn để cộng đồng quốc tế thấy rằng Quốc hội luôn khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy đoàn kết toàn cầu.
Tuyên bố Nusa Dua nêu rõ hành động mà các Nghị viện thành viên cần thực hiện nhằm triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo sự hòa nhập của các đối tượng yếu thế, và tăng cường hợp tác toàn cầu hướng tới các giải pháp khí hậu chung.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải hành động và thời gian không còn nhiều. IPU-144 cần huy động tất cả các đại biểu Quốc hội. Chúng ta cần làm gương và kiên quyết hành động trước khi quá muộn. Đừng phụ lòng nhân dân và thế hệ trẻ, những người đã đặt niềm tin vào chúng ta!”
Trước đó, tại các phiên thảo luận, các thành viên IPU cũng đã nêu bật những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và các biện pháp đang được thực thi nhằm đẩy nhanh quá trình trung hòa carbon; nghe phần trình bày trực tiếp của diễn giả Samuelu Penitala Teo đến từ Tuvalu - quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nước biển dâng và sự thay đổi của các hình thái thời tiết.
Mất đa dạng sinh học gây ra mối đe dọa tài chính toàn cầu
Mất đa dạng sinh học là một rủi ro bị bỏ qua đối với hệ thống tài chính và các ngân hàng Trung ương, do đó, cần nâng cao hiểu biết của họ về vấn đề này, cũng như thiết lập giám sát đối với các ngân hàng thương mại để giải quyết vấn đề.
Theo báo cáo của Mạng lưới Xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS) và Mạng lưới Quốc tế về Chính sách Tài chính Bền vững, trong khi biến đổi khí hậu được đề cập đến trong các chương trình nghị sự, vấn đề liên quan đến mất mát đa dạng sinh học lại bị bỏ qua, mặc dù, nó cũng có thể gây tác động lớn đến nền kinh tế.
Ravi Menon, người đứng đầu NGFS cho biết, chúng ta đang làm “xói mòn” đa dạng sinh học với tốc độ gây tổn hại nghiêm trọng đến các hệ sinh thái tự nhiên vốn cung cấp cho chúng ta thức ăn, nước uống và không khí sạch. Điều này, có thể gây ra những rủi ro đáng kể đối với sự ổn định kinh tế, tài chính và xã hội.
"Do đó, các ngân hàng Trung ương và các cơ quan giám sát ngân hàng nên tăng cường hiểu biết về mất mát đa dạng sinh học và đánh giá rủi ro liên quan đến vấn đề này", NGFS cho biết thêm.
Lan Anh