Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 24/6
Agribank được phân bổ nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%; Đức nâng mức cảnh báo trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 24/6/2022.
Agribank được phân bổ nguồn vốn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết trong gói tín dụng hỗ trợ 40.000 tỷ đồng mà toàn ngành ngân hàng đang triển khai, riêng Agribank đã được phê duyệt quy mô hỗ trợ 5.000 tỷ đồng cho hai năm 2022 và 2023.
Theo bà Phượng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.
“Số dư nợ được hưởng ưu đãi lãi suất chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ hiện tại, do đó chúng tôi phải thực hiện rà soát, phân tích một cách cẩn trọng, đảm bảo hỗ trợ đến được với đúng đối tượng khách hàng,” bà Phượng nói.
Theo đó, để được hưởng gói hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cho vay thông thường, nằm trong 11 nhóm ngành và lĩnh vực được Chính phủ quy định tại nghị định 31 và được đánh giá là có khả năng phục hồi sau khi được hỗ trợ.
Ngay sau khi Nghị định và Thông tư được ban hành, Agribank đã chủ động, tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ lãi suất. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên thông báo triển khai hỗ trợ lãi suất.
Theo đó, Agribank triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, Agribank triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế áp dụng đối với các thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023. Agribank sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được Ngân hàng Nhà nước thông báo, tuỳ theo thời điểm nào đến trước.
Tính từ thời điểm khách hàng được hỗ trợ lãi suất đến nay, Agribank đã giải ngân gần 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng được thụ hưởng từ đợt hỗ trợ lãi suất lần này.
Việt Nam-Pháp trao đổi thông tin nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại
Ngày 23/6, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Paris Ile-de-France đã diễn ra Tọa đàm kinh tế thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam-Pháp.
Buổi tọa đàm diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt Nam, ông Thibaut Giroux; Chủ tịch CCI Paris Ile-de-France phụ trách quan hệ hợp tác quốc tế, bà Marie-Christine Oghly; cùng sự tham dự của Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Emmanuel Pavillon Grosser, gần 80 doanh nghiệp, nhà đầu tư Pháp và Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự hiện diện của đông đảo doanh nghiệp Pháp và Việt Nam tại cuộc gặp gỡ này, là minh chứng cho mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ hai nước đang tiến hành các biện pháp mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh, năng động nhất khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, trong số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang triển khai giữa Việt Nam với các nước thì Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong những thỏa thuận quan trọng, tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và EU, cũng như giữa Việt Nam và Pháp.
Phát huy đà hợp tác thể hiện trong chuyến thăm chính thức Pháp tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hướng tới năm 2023 đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập Quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng tin tưởng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục có những bước đột phá mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm và chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng Pháp hiện là đối tác đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD.
Pháp có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực dược phẩm, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, bền vững, cơ sở hạ tầng, logistics... Đây là những lĩnh vực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Trong buổi tọa đàm, các đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Tập đoàn Khu công nghiệp DEEP C - cảng Hải Phòng, Tập đoàn Rosemont Business Asia đã chia sẻ những hiểu biết của họ về thị trường Việt Nam, giúp cộng đồng doanh nghiệp Pháp nắm được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của nước này, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách nhiều ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác, kinh doanh thành công tại Việt Nam và thông qua quốc gia này để tiến vào thị trường ASEAN cũng như thị trường khu vực.
Buổi tọa đàm doanh nghiệp đã diễn ra cởi mở với các thảo luận sôi nổi. Cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan tâm tìm hiểu và đặc nhiều câu hỏi về các lĩnh vực đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới như thuế suất tại các khu công nghiệp, chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chiến lược và chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hỗ trợ của chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, định hướng hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, chính sách đối với các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Tỷ phú Musk: Các nhà máy sản xuất ôtô mới của Tesla “lỗ hàng tỷ USD”
Ngày 22/6, Giám đốc điều hành (CEO) hãng xe điện Tesla của Mỹ Elon Musk cho biết các nhà máy sản xuất ôtô mới của Tesla Inc ở Texas và Berlin đang "lỗ hàng tỷ USD" khi họ phải vật lộn để tăng sản lượng vì thiếu pin và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở Trung Quốc.
Tỷ phú Musk thừa nhận đầy chua chát: "Cả hai nhà máy ở Berlin và Austin lúc này đều là những lò đốt tiền khổng lồ. Đó thực sự giống như thứ âm thanh khủng khiếp của tiền bị đốt cháy."
Cuộc phỏng vấn được công bố ngày 22/6 là phần cuối trong ba phần được tách ra từ cuộc phỏng vấn của “Những người sở hữu xe Tesla tại thung lũng Silicon,” một câu lạc bộ chính thức được Tesla công nhận, với tỷ phú Musk vào ngày 31/5 ở Austin, Texas.
Ông Musk cho biết nhà máy của Tesla ở Texas chỉ sản xuất một số lượng "nhỏ" ôtô vì những thách thức trong việc thúc đẩy sản xuất loại pin "4680" mới của họ và do các phương tiện để sản xuất pin 2170 thông thường của họ đang "kẹt tại các cảng ở Trung Quốc."
Ông tin tưởng rằng những vấn đề này sẽ nhanh chóng được khắc phục nhưng cần phải có thêm sự quan tâm hơn nữa.
Trong khi đó, nhà máy ở Berlin của họ đang ở "tình thế tốt hơn một chút" do đã bắt đầu sử dụng pin 2170 truyền thống cho những chiếc xe được chế tạo ở đó.
Ông Musk thừa nhận việc tạm đóng cửa nhà máy do dịch COVID-19 ở Thượng Hải "rất, rất khó khăn."
Việc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ôtô không chỉ tại nhà máy ở Thượng Hải của Tesla mà còn tại nhà máy ở California, nơi sử dụng một số phụ tùng xe được sản xuất tại Trung Quốc.
Theo một bản ghi nhớ nội bộ của Tesla mà Reuters có được, hãng xe này có kế hoạch tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải trong hai tuần đầu tiên của tháng Bảy để tiến hành nâng cấp cơ sở sản xuất nhằm tăng sản lượng.
Tỷ phú Musk cho biết: "Hai năm qua là một cơn ác mộng toàn diện về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hết việc này đến việc khác và chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi nó."
Đáng chú ý, CEO Musk tuyên bố mối quan tâm lớn của Tesla lúc này là "Làm thế nào để giữ cho các nhà máy hoạt động để có thể trả lương cho mọi người và không bị phá sản?"
Đức nâng mức cảnh báo trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt
Ngày 23/6, Chính phủ Đức đã kích hoạt "mức báo động" trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của nước này, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và giá khí đốt liên tục ở mức cao.
Đây là mức cảnh báo thứ hai trong 3 mức cảnh báo của kế hoạch này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Berlin, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết tình hình hiện tại nghiêm trọng, nước Đức "đang trong một cuộc khủng hoảng khí đốt."
Theo ông Habeck, nguồn cung khí đốt cho Đức bị gián đoạn và hiện tại khí đốt đang là một mặt hàng khan hiếm, giá khí đốt đã tăng cao và còn tăng hơn nữa.
Kể từ khi Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua đường ống Nord Stream 1, tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Vì vậy cần phải kích hoạt mức báo động này.
Kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của Đức được đưa ra sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kế hoạch này gồm 3 mức - cảnh báo sớm, báo động và khẩn cấp.
Ngày 30/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Habeck đã tuyên bố mức cảnh báo sớm (mức đầu tiên) của kế hoạch này, theo đó giám sát chặt chẽ hơn dòng chảy khí đốt hằng ngày và tập trung vào việc dự trữ khí đốt.
Mức thứ 2 của kế hoạch được kích hoạt khi Chính phủ Đức nhận thấy có nguy cơ cao thiếu nguồn cung dài hạn.
Mức báo động này phản ánh "tình hình nguồn cung khí đốt giảm đáng kể," tuy nhiên vẫn "xử lý" được tình hình ở thời điểm hiện tại.
Về nguyên tắc, mức báo động cho phép các cơ sở cung cấp khí đốt tăng giá đối với người tiêu dùng để giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, về việc này, Phó Thủ tướng Habeck nêu rõ theo luật an ninh năng lượng của Đức, các doanh nghiệp không được tự do tăng giá khí đốt.
Chỉ khi Cơ quan mạng lưới liên bang xác định tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức "giảm đáng kể" và công bố rõ ràng thì các doanh nghiệp mới được phép tăng giá đến "mức hợp lý."
Phó Thủ tướng Habeck cho rằng tình trạng thiếu khí đốt là gánh nặng lớn đối với người dân và doanh nghiệp Đức.
Chính phủ Đức đã chuẩn bị cho kịch bản báo động này từ tháng 12/2021, trong đó có việc chuẩn bị các cơ sở dự trữ mới, ban hành luật và các kênh mua sắm thay thế khí đốt.
Theo ông Habeck, hiện tại, Đức vẫn có thể mua đủ số lượng khí đốt cần thiết trên thị trường để lấp đầy các kho dự trữ. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Đức là lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và tiếp tục mở rộng năng lượng tái tạo.
Phó Thủ tướng Habeck kêu gọi người dân và doanh nghiệp Đức tiết kiệm khí đốt hơn nữa, cả hiện tại cũng như trong mùa Đông tới.
Theo ông, 41 triệu hộ gia đình ở Đức "có thể tạo ra sự khác biệt" với việc tiết kiệm tới 15% chi phí sưởi ấm. Các doanh nghiệp cũng đã giảm 8% sử dụng khí đốt và có thể tiếp tục giảm hơn nữa.
Đề cập việc bảo trì đường ống Nord Stream 1, Phó Thủ tướng Habeck cho rằng sẽ cần 10 ngày để có thể hoàn thành công việc này.
Ông cũng nhấn mạnh nếu không có nguồn cung khí đốt qua đường ống này, Chính phủ Đức "cần phải hành động thêm".
Hà Lan