Thứ năm, 28/03/2024 22:28 (GMT+7)
    Thứ tư, 22/06/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h: VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

    Theo dõi KTMT trên

    VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; Xuất khẩu gạo tăng mạnh dù phải đương đầu với nhiều khó khăn... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 22/6/2022.

    VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

    Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời công văn của Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

    VCCI đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc giảm các nghĩa vụ thuế của mặt hàng xăng dầu nhằm đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

    Về lựa chọn sắc thuế để cắt giảm, việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) có ưu điểm là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7/2022, do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Nếu lựa chọn cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hoặc thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì phải đợi kỳ họp Quốc hội gần nhất vào cuối năm 2022, như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay.

    "Tuy nhiên, về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới", VCCI ý kiến.

    Tin tức kinh tế 24h: VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu - Ảnh 1
    VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.

    Đối với phương án cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng dầu, dự thảo tờ trình chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án này. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7 năm 2022. Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên, theo rà soát của VCCI, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.

    Về mức giảm thuế BVMT, theo VCCI mức giảm thuế của dự thảo hiện nay là hợp lý vì đây là mức giảm cao nhất thuộc thẩm quyền của UBTVQH (mức sàn của Luật Thuế BVMT).

    Về đánh giá tác động đến ngân sách, Dự thảo Tờ trình đã thuyết minh tương đối chi tiết tác động ngân sách trong trường hợp thực hiện phương án giảm thuế BVMT như đề xuất. Tuy nhiên, việc giảm thuế BVMT này đặt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, dẫn đến các khoản thu theo thuế suất tương đối (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu) tăng mạnh. Do đó, tác động tổng thể đến thu ngân sách sẽ không lớn như được trình bày trong dự thảo tờ trình. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các thuyết minh về tác động tổng thể này giúp cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để ra quyết định.

    6 tháng đầu năm, thu ngân sách tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2021

    Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết, đến ngày 15/6/2022, đơn vị đã thu nộp vào ngân sách nhà nước đạt 5.219,7 tỷ đồng, bằng 61,7% so với dự toán, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2021.

    Đạt được kết quả thu trên có sự đóng góp quan trọng của kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn 6 tháng đầu năm do Cục Hải quan Hà Tĩnh quản lý.

    Cụ thể, trong nửa đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tại tỉnh Hà Tĩnh đạt 2.741,6 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 915,4 triệu USD, tăng 0,2% và kim ngạch nhập khẩu đạt 1826,2 triệu USD, tăng 19,7%.

    Tin tức kinh tế 24h: VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu - Ảnh 2
    6 tháng đầu năm, thu ngân sách tăng 42,5%/.

    Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Đinh Văn Hòa cho biết, số thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm qua địa bàn Hải quan Hà Tĩnh quản lý tăng là do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa có nhiều đơn hàng xuất đi nên tăng lượng nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào (than, hợp kim…) để phục vụ sản xuất.

    Mặt khác, một số mặt hàng có thuế khác cũng tăng sản lượng nhập khẩu như hạt nhựa, sáp nhũ tương, máy móc thiết bị… cũng là nguyên nhân giúp cho công tác thu ngân sách của đơn vị đạt khá.

    Bên cạnh đó, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, phía Lào cũng đã thực hiện mở tất cả các cửa khẩu quốc tế, các hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng đã nhộn nhịp trở lại so với trước đây.

    Tuy nhiên, do phía Lào thực hiện chính sách cấm phương tiện vận tải mang BKS Việt Nam đi sâu vào nội địa Lào để bốc xếp và vận chuyển hàng hóa nên lượng phương tiện lưu thông qua cửa khẩu Cầu Treo thời gian gần đây có dấu hiệu giảm.

    Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có văn bản xin phép Chính phủ Lào cho một số phương tiện chuyên vận chuyển được phép nhập cảnh vào Lào để vận chuyển hàng hóa...

    Xuất khẩu gạo tăng mạnh dù phải đương đầu với nhiều khó khăn

    Sáng 22/6, tại Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại TP Cần Thơ phối hợp với Nhịp sống doanh nghiệp - Tạp chí Lao động Công đoàn tổ chức Hội thảo “Khơi thông dòng chày hạt gạo Việt Nam”.

    Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm, tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao cũng chưa được thuận lợi.

    Tin tức kinh tế 24h: VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu - Ảnh 3
    Xuất khẩu gạo tăng mạnh dù phải đương đầu với nhiều khó khăn.

    Qua 2 phiên thảo luận: Chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, gia tăng lợi nhuận cho nông dân ĐBSCL và Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nâng giá trị hạt gạo Việt Nam, các diễn giả, khách mời đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập và nghiên cứu, doanh nghiệp trong ngành lúa gạo từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu cùng trao đổi, thảo luận, nhận diện những “điểm nghẽn” cản trở khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam là giống lúa, an toàn thực phẩm, logistics, chi phí vật tư sản xuất đầu vào và công nghệ, vốn cho sản xuất và xuất khẩu…

    Để Việt Nam giữ ngôi xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia và cao hơn cho doanh nghiệp, cho người nông dân, các đại biểu cho rằng nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%. Ngoài ra, việc cải thiện hệ thống logistics vẫn được ưu tiên hàng đầu, bởi nhiều doanh nghiệp không kham nổi chi phí vận chuyển khi xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài.

    Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo, thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới cũng tăng cao. Hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, để khơi thông dòng chảy hạt gạo, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần sớm giảm chi phí logistics để góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam. Thống kê cho thấy, hiện chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của nước ta trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10 - 15%). Do vậy, phát triển cơ sở hạ tầng logistics là điều vô cùng quan trọng.

    "Hiện nay, các doanh nghiệp nào thuận lợi trên đường bộ thì họ đi container, cho nên ảnh hưởng từ đường bộ cũng rất là căng. Còn lại những doanh nghiệp thông qua chủ yếu bên Tân Cảng, họ tổ chức vận tải các container trung chuyển, các doanh nghiệp đóng hàng tại kho của mình hoặc tại các cảng trung chuyển thì chúng ta cũng đẩy được lượng khá nhiều cho container, nhưng thời gian đóng và thời gian đi của container khá dài, đương nhiên chi phí cũng phải đội lên. Chúng tôi cũng đang kiến nghị là Tân Cảng nên xem lại giá cước container vì họ chiếm tỷ trọng rất cao trong toàn quốc thì nên bình quân lại giá, các khu vực khác nhau thì nên có giá cước khác nhau, đặc biệt nên ưu tiên cho khu vực ĐBSCL giảm giá cước xuống" - ông Nam cho biết thêm.

    Theo Bộ NN&PTNT, trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,48 triệu tấn gạo, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về số lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua và giá gạo cũng tăng cao. Điều này cho thấy, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tạo được những đột phá mới trên thị trường quốc tế.

    Giá dầu thô thế giới giảm hơn 5% - Chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ

    Tính đến khoảng 7h30 GMT (tức 14h30 giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5,6% xuống mức 103,31 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 5,2% xuống còn 108,62 USD/thùng.

    Trong những tháng gần đây, giá dầu thô tăng lên mức cao trong nhiều năm bởi lo ngại nguồn cung hạn chế, do xung đột Nga-Ukraine gây ra, sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu dầu tăng lên khi kinh tế thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất cho vay khi giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tăng vọt lên các mức cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 1980. Động thái này làm dấy lên lo ngại nhiều nền kinh tế trên thế giới sẽ rơi vào suy thoái, tác động xấu đến thị trường dầu mỏ. Giới chuyên gia cũng đang dồn sự chú ý đến phiên điều trần của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ trong tuần này về kế hoạch chống lạm phát.

    Tin tức kinh tế 24h: VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu - Ảnh 4

    Chứng khoán toàn cầu cũng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 22/6 khi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại một thời gian ngắn sau đợt bán tháo tuần trước.

    Tại Á, các thị trường chứng khoán Hong Kong, Tokyo, Thượng Hải, Sydney, Singapore, Seoul, Manila, Jakarta và Bangkok đều chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,4% xuống còn 26.149,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) “bốc hơi” 2,4% xuống mức 21.040,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,2%, chốt phiên 3.267,20 điểm.

    Tại châu Âu, nhiều chỉ số chứng khoán dự kiến đà giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay khi giá dầu và kim loại giảm. Tính đến khoảng 14h30 giờ Việt Nam, chỉ số STOXX 600 tổng hợp chứng khoán toàn châu Âu giảm 1,5% xuống mức thấp mới kể từ tháng 2/2021, tiếp tục đợt bán tháo chứng khoán thế giới tuần qua. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,3% xuống 7.057,87 điểm khi số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này tăng lên 9,1%, mức cao nhất trong 40 năm qua.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h: VCCI đề nghị nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
    Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.