Thứ sáu, 22/11/2024 19:08 (GMT+7)
Thứ ba, 20/12/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/12

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022 còn hơn 128 nghìn tỷ đồng nợ thuế; Chính phủ chỉ đạo đầu tư phát triển dịch vụ logistics Việt Nam...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 20/12.

Năm 2022 còn hơn 128 nghìn tỷ đồng nợ thuế

Theo Bộ Tài chính, cơ quan thuế các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp thu nợ, xử lý nợ thuế; tập trung rà soát, phân tích, xác định rõ nguyên nhân đối với từng khoản nợ, từ đó áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng nợ.

Cơ quan các cấp đẩy mạnh điện tử hóa việc ban hành thông báo nợ thuế, ban hành 448.182.650 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế, đạt 100% số người nộp thuế phải thông báo.

Cơ quan thuế đã ban hành 160.504 quyết định cưỡng chế tài khoản, 18.991 quyết định cưỡng chế hóa đơn, 3.054 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy phép và 152 quyết định cưỡng chế bằng các biện pháp khác,… để thu hồi nợ thuế.

Theo đó, số tiền thu hồi nợ thuế năm 2022 ước đạt 39.000 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế ước tính đến thời điểm cuối năm 2022 là 122.918 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2022 ước tính khoảng 8,4%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/12 - Ảnh 1
Năm 2022 còn hơn 128 nghìn tỷ đồng nợ thuế.

Trong năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ước đạt 2.757 tỷ đồng, trong đó khoanh nợ tiền thuế là 1.030 tỷ đồng; xóa nợ tiền chậm nộp là 1.727 tỷ đồng.

Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ước đạt 35.229 tỷ đồng, trong đó khoanh nợ tiền thuế là 28.217 tỷ đồng; xóa nợ tiền chậm nộp là 7.012 tỷ đồng.

Ngành thuế đã xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế cho 41.224 người nộp thuế, với tổng số tiền là 1.966 tỷ đồng; xử lý không tính tiền chậm nộp thuế đối với 484 lượt người nộp thuế với tổng số tiền là 294 tỷ đồng; xử lý nộp dần tiền thuế với tổng số là 85 tỷ đồng; xử lý gia hạn nộp thuế với tổng số là 26 tỷ đồng và miễn tiền chậm nộp đối với 1.463 trường hợp với tổng số tiền là 252 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, cơ quan hải quan các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế theo quy định, chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương thực hiện rà soát các nhóm nợ, trong đó mỗi nhóm nợ có đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng doanh nghiệp nợ, tình trạng thực tế của doanh nghiệp, xử lý hết các khoản nợ cũ, không để phát sinh nợ mới.

Kết quả đã thu hồi và xử lý nợ thuế là 318,08 tỷ đồng. Tổng số nợ chuyên thu quá hạn đến ngày 30/11/2022 là 5.689,02 tỷ đồng, tăng 109,04 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2021, tương đương với tăng 1,95%.

Bộ Tài chính cho biết trong năm 2023 sẽ chỉ Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan triển khai hiệu quả công tác quản lý thu nợ, giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023 cho từng cục thuế, cục hải quan.

Ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp như hát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn để cơ quan thuế và các ngành, các cấp cùng phối hợp trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan như: công an, ngân hàng nhà nước, cơ quan kế hoạch đầu tư, cơ quan quản lý thị trường... trong việc thu hồi tiền thuế nợ.

Thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạm chậm nộp, tiền chậm nộp, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng ngân sách nhà nước.

Chính phủ chỉ đạo đầu tư phát triển dịch vụ logistics Việt Nam

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Nghị quyết nêu rõ, năm 2021, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở nước ta đã tác động nặng nề, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách liên quan đến logistics, một mặt vẫn đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; mặt khác định hình các hướng đi mới, mang tính bứt phá cho ngành logistics Việt Nam, góp phần giải tỏa áp lực trong thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững kinh tế đất nước.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và thể chế về logistics, nâng cao vai trò của ngành logistics trong nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trong vào việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỉ đô la năm 2021 và hơn 700 tỉ đô la trong năm 2022, theo tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/12 - Ảnh 2

Chính phủ chỉ đạo đầu tư phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ, các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế địa-kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều tồn tại.

Vì vậy, Chính phủ thống nhất chỉ đạo phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics.

Bộ Giao thông Vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hợp phần giao thông vận tải trong quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics, phù hợp với các trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Phát triển sàn giao dịch vận tải hàng hóa gắn với thương mại điện tử, hướng tới phát triển logistics xanh.

Bộ Công Thương đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 và Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những vấn đề phát sinh trong hoạt động logistics tác động xấu đến kinh tế - xã hội thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước.

VN-Index giảm mạnh, tiến gần về mốc 1.000 điểm

Kết thúc phiên giao dịch (20/12), VN-Index đóng cửa ở mốc 1.023,13, giảm mạnh 15,27 điểm (-1,47%). Sắc đỏ gần như bao chùm toàn bảng điện trong ngày hôm nay khi có đến 362 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm chỉ là 79, còn lại là 47 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.

Khác phiên hôm qua, nguồn cung giá rẻ xuất hiện ngay từ phiên sáng tại tất cả các nhóm ngành. Việc VN Index bị nhấn chìm trong phiên sáng đã phần tạo tạo nên tâm lý tiêu cực kéo theo làn sóng bán tháo của bên nắm giữ.

Thậm chí có lúc VN-Index còn đánh rơi đến gần 30 điểm với rất nhiều mã cổ phiếu giảm sàn. Mặc dù có những nỗ lực nhất định ở cuối phiên nhưng cũng chỉ có thể giúp thị trường hồi phục được phần nào.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/12 - Ảnh 3

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1023,13 điểm, giảm mạnh 15,27 điểm (-1,47%). Thanh khoản trong phiên hôm nay tiếp tục được cải thiện đáng kể so với phiên trước đó khi có hơn 1 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 17 nghìn tỷ đồng. Sắc đỏ gần như bao chùm toàn bảng điện trong ngày hôm nay khi có đến 362 mã giảm điểm, trong khi đó số mã tăng điểm chỉ là 79, còn lại là 47 mã đóng cửa ở mốc tham chiếu.

VN30 hôm nay thậm chí còn có phần tiêu cực hơn khi có cho mình mức giảm 20.43 điểm (-1,95%). Toàn nhóm hôm nay có đến 24/30 mã giảm điểm. Nổi bật hơn cả trong số đó là NVL (-6,86%) khi cổ phiếu này đã phải đóng cửa với mức giá sàn và là cổ phiếu có mức giảm lớn nhất toàn nhóm. Bên cạnh đó còn có một số cổ phiếu khác cũng có mức giảm điểm rất lớn như GVR (-6,54%), PDR (-6,52%) hay VRE (-5,68%). Ở chiều hướng ngược lại, chỉ có 4 mã cổ phiếu may mắn giữ được sắc xanh trong ngày hôm nay, trong đó VNM (+2,21%) và CTG (+1,63%) là nổi bật hơn cả với mức tăng tương đối tích cực.

Nhóm cổ phiếu có mức giảm lớn nhất toàn thị trường trong phiên hôm nay chính là nhóm bất động sản. Ngoài NVL (-6,86%) và PDR (-6.52%) ở trong rổ VN30 thì hàng loạt cổ phiếu khác của nhóm này cũng đều có mức giảm rất lớn, thậm hí nhiều cổ phiếu đã phải đóng cửa với mức giá sàn. Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như  L14 (-10,00%), CEO (-7,56%) hay DIG (-6,94%).

Tác động tiêu cực lên chỉ số trong phiên hôm nay có thể kể đến các mã như: NVL (-6,9%), GVR (-6,5%), PDR (-6,5%), HDB (-4%), HPG (-5%), TCB (-5,3%), VPB (-3,6%), VRE (-5,7%), VIB (-5,1%), MBB (-4,1%), KDH (-3,4%), PLX (-3,5%), POW (-3,6%), SSI (-3,4%).

Phía ngược lại, VN Index nhận được lực đỡ từ các mã có vốn hóa lớn như CTG, VNM, VJC, STB, EIB, DPM, PVD. Đặc biệt là 4 mã “ngược chiều” tăng trần là ABR, HU1, SVI và S4A.

Thanh khoản hai sàn buổi chiều cũng không cao, mức khớp lệnh khoảng 8.726 tỷ đồng, tăng 13% so với phiên sáng. Tuy nhiên nếu tính theo khối lượng thì mức khớp lệnh cả ngày đạt gần 1,1 tỷ cổ phiếu, tăng 12% so với phiên trước, trong khi giá trị khớp chỉ tăng 5%, đạt 16.415 tỷ đồng.

Bên sàn Hà Nội, 2 chỉ số HNX Index và UPCoM Index cũng ghi nhận phiên giảm mạnh với số điểm giảm lần lượt là 4,71 điểm (2,22%) và 1,08 điểm (1,5%).

VPBank sắp giải tỏa gần 8 triệu cổ phiếu ESOP

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa thông báo về việc giải tỏa 35% đợt 3 cổ phần hạn chế chuyển nhượng phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2019 (ESOP 2019) và giải tỏa 35% đợt 2 cổ phần ESOP 2020.

Theo đó, VPBank dự kiến giải tỏa 4,35 triệu cổ phiếu (tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành ESOP2019) và 3,5 triệu cổ phiếu (tương đương 35% số lượng đăng ký niêm yết bổ sung của đợt phát hành ESOP2020). Thời gian dự kiến giải tỏa là 20/12 đến 26/12/2022.

Trước đó, trong năm 2020, VPBank đã phân phối 17 triệu cho 745 cán bộ nhân viên và năm 2019 là 31 triệu cổ phiếu ESOP cho cho 725 nhân viên với cùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh được mua lần lượt 33,5% và gần 50% lượng cổ phiếu chào bán.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/12 - Ảnh 4
  Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Nguồn: VPBank)

Số cổ phiếu ESOP phát hành đều bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm và được giải tỏa dần theo tỉ lệ 30% số cổ phần được mua sẽ được giải tỏa sau 1 năm, 35% cổ phần sẽ được giải tỏa sau 2 năm; 35% cổ phần sẽ được giải tỏa sau 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Trong năm 2021 và 2022, VPBank cũng đã phân phối lần lượt 15 triệu và 30 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, nhưng chủ yếu là cho lãnh đạo cấp cao.

Cổ phiếu VPB chốt phiên giao dịch ngày 20/12 với giá 17.300 đồng/cổ phiếu, giảm gần 25% so với hồi đầu năm 2022 (giá đã điều chỉnh). Tuy nhiên, thị giá này vẫn cao gấp gần 1,8 lần giá bán cho người lao động theo chương trình ESOP.

Mới đây, VPBank thông báo vừa phát hành 30 triệu cổ phiếu quỹ VPB cho người lao động theo chương trình ESOP, tương đương với 0,675% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán 16/8/2022.

Ngoài ra, trước đó, VPBank đã chốt danh sách cổ đông vào là ngày 29/9/2022 để phát hành thêm hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ thực hiện quyền 2:1, tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định sửa đổi vốn điều lệ của VPBank thành hơn 67.434 tỷ đồng, đưa ngân hàng trở thành đơn vị có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Cụ thể, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 50% từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 20/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới