Thứ bảy, 23/11/2024 18:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 18:50 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/9

Theo dõi KTMT trên

Lãi suất liên ngân hàng chưa hạ nhiệt; Quỹ ngoại 'dội bom' cuối phiên, cổ phiếu giảm giá gấp 4 lần tăng; Cảnh báo giá điện ở châu Âu có thể tăng gấp 10 lần... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 16/9.

Lãi suất liên ngân hàng chưa hạ nhiệt

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01 của NHNN.

Sau khi tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ khi các ngân hàng thương mại tiến sát trần tín dụng của NHNN.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/9 - Ảnh 1
Đến cuối tháng 8 vừa qua, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Bởi theo Tổng Cục Thống kê (GSO), tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến 20-6 đạt 8,51%. Với mức tăng trưởng này, đã có hơn 880.000 tỉ đồng được bơm thêm ra thị trường trong nửa đầu năm nay.

Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đang ở mức 4,17%/năm, giảm hơn 2% so với mức đỉnh trong tuần trước song vẫn chưa quay trở về mức thấp như giai đoạn 3 tháng trước.

Lý giải về nguyên nhân khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục "nhảy múa" trong thời gian gần đây, World Bank cho rằng: "Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt một phần mất cân đối giữa lượng tiền gửi tiết kiệm thấp trong khi nhu cầu tín dụng trong nước tăng cao, khiến cho các ngân hàng phải cạnh tranh huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng. Một nguyên nhân khác là do thanh khoản trong nước bị thắt lại khi NHNN bán một phần dự trữ ngoại hối từ tháng 2 năm nay để bình ổn tiền đồng so với đồng USD đang mạnh lên".

Theo Công ty chứng khoán ACBS, từ đầu năm đến nay NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD trong nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ. Qua đó đưa dự trữ hiện tại về mức ước tính 89 tỉ USD.

Quỹ ngoại 'dội bom' cuối phiên, cổ phiếu giảm giá gấp 4 lần tăng

Áp lực bán cộng hưởng giữa lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản chiều nay và giao dịch tái cơ cấu danh mục của ETF ngoại khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. HoSE có tới 368 cổ phiếu giảm giá trong khi chỉ 95 mã tăng. Nếu không nhờ lực cầu đối ứng kéo mạnh ở một số trụ, VN-Index đã rớt thảm.

Đợt tái cơ cấu của các quỹ ETF ngoại chiều nay đã được đoán trước và thị trường không xuất hiện nỗ lực đi ngược dòng nào trong phiên, trừ đợt giao dịch ATC. Điểm tốt là vẫn có cầu đối ứng lượng bán tái cơ cấu dẫn đến thanh khoản tăng. Điểm tệ là các giao dịch này không thay đổi được gì rõ ràng.

Thực ra có một số mã lớn phục hồi tốt và nâng đỡ chỉ số. Cụ thể: MSN chốt đợt khớp lệnh liên tục ở giá 110.700 đồng và ATC được 1,31 triệu cổ giao dịch đẩy lên 112.800 đồng. Tuy giá đóng cửa chỉ tăng 0,71% so với tham chiếu, nhưng trong một lần giao dịch cuối cùng, giá MSN tăng 1,9%. VCB từ 78.500 đồng nhảy lên 80.000 đồng tương đương tăng 1,91% và trên tham chiếu 1,01%. VNM nhảy tăng 2,01%, NVL nhảy tăng 2,25% và chốt trên tham chiếu 1,29%.

Đây cũng là các cổ phiếu trụ duy nhất nâng đỡ VN-Index thu hẹp mức giảm còn -11,63 điểm tương đương 0,93% so với mức đóng cửa hôm qua. Chốt đợt khớp lệnh liên tục, chỉ số này giảm 14,58 điểm.

Tỷ giá USD/VNĐ lên mức kỷ lục

Phiên giao dịch cuối tuần hôm nay (16/9) ghi nhận Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm quy đổi Đồng Việt Nam so với USD ở mức 23.283 đồng/USD, không thay đổi so với phiên hôm qua nhưng vẫn cao hơn 20 đồng so với tuần trước.

Với biên độ dao động +/- 3% theo tỷ giá trung tâm, giá sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch hôm nay dao động trong vùng 22.585-23.981 đồng/USD.

Trong khi NHNN vẫn giữ nguyên tỷ giá tham khảo tại các Sở giao dịch ở mức 23.700 đồng/USD (bán) và để trống cột mua, giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại lại tiếp tục xu hướng tăng mạnh.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/9 - Ảnh 2
Giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại lại tiếp tục xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, Vietcombank cuối ngày hôm qua (15/9) chốt giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.460 - 23.740 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng so với phiên thứ tư. Đến hôm nay, nhà băng này tiếp tục tăng giá mua - bán ngoại tệ này thêm 40 đồng, hiện phổ biến ở mức 23.500 - 23.780 đồng/USD.

Tính từ đầu tuần này, tỷ giá quy đổi USD sang VNĐ tại Vietcombank đã tăng tới 90 đồng. Còn nếu so với đầu năm, mức tăng đã là 860 đồng/USD, tương đương 3,75%. Giá bán USD hiện tại cũng là mức cao nhất mà nhà băng này niêm yết trong nhiều năm qua.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân khi giá bán USD tại các nhà băng này đều đã tăng hơn 100 đồng từ đầu tuần.

Trong bối cảnh tỷ giá USD/VNĐ có dấu hiệu “sốt” trở lại trên kênh ngân hàng, giá bán ngoại tệ này trên thị trường “chợ đen” lại ổn định hơn.

Các đầu mối quy đổi ngoại tệ khu vực Hà Nội hôm nay chủ yếu giữ nguyên giá mua - bán USD so với hôm qua, hiện ở mức 23.980 đồng/USD (mua) và 24.030 đồng/USD (bán). Thậm chí, nếu so với một tuần trước, tỷ giá quy đổi USD trên thị trường này đã giảm 130 đồng.

Đáng chú ý, theo thống kê của các sàn giao dịch ngoại hối quốc tế, cặp tỷ giá USD/VNĐ hiện đã tăng lên vùng cao nhất trong lịch sử thống kê.

Trong đó, tỷ giá USD/VNĐ trên sàn ngoại hối IDC Trading hiện phổ biến ở mức 23.648 đồng/USD, tăng 0,57% trong tuần này và cao hơn 3,61% so với đầu năm. Đây là tỷ giá quy đổi USD/VNĐ cao nhất sàn giao dịch này thống kê được từ cuối năm 1997.

Tiền Giang kêu gọi đầu tư 59 dự án với tổng số vốn hơn 22.000 tỷ đồng

Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị giới thiệu Danh mục dự án mời gọi đầu tư theo Quyết định số 1581/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh, với tổng số vốn đầu tư khoảng 22.389 tỷ đồng cho 59 dự án. Trong đó có 34 dự án sử dụng đất công, 25 dự án thu hồi đất mời gọi đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thương mại - dịch vụ, du lịch và phát triển đô thị, khu dân cư…

Được biết, tỉnh Tiền Giang thuộc một trong 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, với quy mô dân số gần 1,8 triệu người, xuất khẩu xếp thứ 2, quy mô kinh tế xếp thứ 3, FDI xếp thứ 4, thu hút khách du lịch nhiều nhất các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và có diện tích, sản lượng trái cây lớn nhất Việt Nam. Và là địa phương vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 địa phương: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang).

Với lợi thế, là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ các trục giao thông - kinh tế quan trọng đi qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 30, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, có 32km bờ biển… Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã thu hút trên 6.500 doanh nghiệp và hàng năm thành lập mới thêm khoảng 600 - 700 doanh nghiệp.

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Tiền Giang đã ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư gồm 59 dự án với tổng vốn đầu tư 22.389 tỷ đồng trên các lĩnh vực, như: đầu tư phát triển đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể dục thể thao... Thông qua Hội nghị, đại diện tỉnh Tiền Giang đã chính thức tuyên bố mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư và cho biết, đây là thời điểm chính quyền địa phương và nhà đầu tư cùng mang đến cho nhau những cơ hội hợp tác mới, cam kết mạnh mẽ để cùng nhau phát triển.

Cảnh báo giá điện ở châu Âu có thể tăng gấp 10 lần

Theo đài RT ngày 16/9, Bà Borne nói trong một cuộc họp báo: “Giá năng lượng đang tăng. Đối với khí đốt, thị trường đã định giá cho năm 2023 cao gấp 5 lần giá năm 2021”.

Trước đó, truyền thông Pháp đưa tin giá bán buôn điện ở Pháp sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm tới, vượt 1.000 euro/megawatt-giờ, cao gấp 10 lần so với một năm trước.

Ngày 14/9, bà Borne đã công bố các bước mới của chính phủ để đối phó với giá khí đốt và điện tăng ở Pháp. Chính phủ đã cam kết giữ mức tăng giá khí đốt và điện ở mức 15% vào năm 2023. Để làm điều này, Pháp có thể tiêu tốn 16 tỷ euro ngân sách.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/9 - Ảnh 3
Với ngành khí đốt, thị trường đã định giá cho năm 2023 cao gấp 5 lần giá năm 2021”.

Biện pháp trên sẽ giúp các hộ gia đình Pháp tiết kiệm tiền điện khoảng 160 euro mỗi tháng và 175 euro đối với chi phí mua khí đốt. Tại một cuộc họp báo sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp, bà Borne nói rằng các kho khí đốt của nước này đã tích trữ đủ 95% lượng khí đốt để ứng phó với tình trạng thiếu khí đốt có thể xảy ra trong mùa đông tới.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire, so với các nước châu Âu khác, Pháp đã lường trước tình trạng tăng giá nhiên liệu bằng "lá chắn thuế". Nhờ vậy, Pháp hiện có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Ông lưu ý rằng Pháp sẽ tiếp tục hợp tác với Ủy ban châu Âu (EC) để đoàn kết các nước EU. Cũng theo ông Le Maire, lá chắn thuế năng lượng là cần thiết để tránh trường hợp xảy ra thêm cuộc khủng hoảng kinh tế ngoài khủng hoảng năng lượng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 16/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới