Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/9
Giá xăng nhập bất ngờ vọt lên 25.000 đồng/lít; Vietnam Airlines nói về nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 15/9.
Giá xăng nhập bất ngờ vọt lên 25.000 đồng/lít
Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Công thương, hôm nay (15-9), giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng lên mức gần 107 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 8-8, khi đó giá xăng trong nước (A95) là 25.600 đồng/lít . (Vào kỳ điều chỉnh xăng ngày 12-9 vừa qua, giá xăng A95 giảm còn 23.215 đồng/lít).
Trong khi đó, giá dầu thô toàn cầu hiện vẫn duy trì mức thấp. Theo đó, giá dầu WTI là 88 USD, dầu Brent là 93 và dầu OPEC là 97 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, giá dầu suy giảm vì các lo ngại nền kinh tế suy thoái trước việc các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát khiến nhu cầu dầu suy giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo suy thoái kinh tế ngày càng sâu rộng và nền kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ khiến nhu cầu dầu toàn cầu chững lại trong quý 4/2022.
Trong một hội thảo mới đây, ông Kenya Maeda, Chuyên gia cao cấp Bộ phận Thương mại và cung ứng dầu thô Công ty Idemitsu Kosan (Nhật) nhận định, triển vọng đối với thị trường dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ chưa bình ổn do sự biến động mạnh trong giá cả, gây nên bởi đại dịch COVID-19 và những tác động từ địa chính trị.
"Để duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định đối với khía cạnh an ninh năng lượng, cần phải thúc đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm xăng dầu, từ thu mua các nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến bán hàng và tiêu dùng. Việc sở hữu nhà máy lọc dầu sẽ là chìa khóa để đảm bảo nguồn cung ổn định" - ông Kenya Maeda nói.
Vietnam Airlines nói về nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu
Theo đại diện Vietnam Airlines, năm 2021 hãng cũng đã có nguy cơ bị hủy niêm yết và đã báo cáo Chính phủ cho phép duy trì mã HVN trên thị trường chứng khoán và cam kết không âm vốn chủ sở hữu.
Theo các quy định hủy niêm yết, Vietnam Airlines vướng các quy định như rơi vào nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp và nguy cơ âm vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, tình huống Vietnam Airlines là bất khả kháng do ảnh hưởng của Covid-19 và gần như không có cách khắc phục nếu không có giải pháp tái cơ cấu, cũng như sự hỗ trợ từ các cổ đông.
“Vietnam Airlines đến nay vẫn tiếp tục cố gắng tối đa đưa ra các giải pháp phục hồi và cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh gồm giảm tối đa mức lỗ; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập dòng tiền (2022-2025); phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu (2023-2025)”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Về giải pháp khắc phục, giảm lỗ, đại diện Vietnam Airlines cho biết nửa đầu năm, mức lỗ của doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với kế hoạch đặt ra. Hãng cũng đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản (trọng tâm là bán máy bay cũ, bán và thuê lại một số máy bay), danh mục đầu tư để có thêm nguồn tiền; từng bước triển khai tái cơ cấu tổng thể khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.
Nhấn mạnh việc hủy niêm yết chỉ thực hiện với các cổ phiếu xấu nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư, đại diện Vietnam Airlines cho rằng, hãng là doanh nghiệp có giá trị vốn hóa, tài sản lớn và các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến âm vốn chủ sở hữu; giá trị cổ phiếu của hãng tốt, đang có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển...
“Vietnam Airlines nỗ lực bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, nhà đầu tư trong đó nhà đầu tư chiếm tỷ lệ vốn lớn chính là nhà nước và các nhà đầu tư nhỏ lẽ nên cần có giải pháp căn cơ để bảo vệ lợi ích này, mục đích không để mã HVN thành khủng hoảng niềm tin với nhà đầu tư trên thị trường,” đại diện Vietnam Airlines quả quyết.
Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, nếu các giải pháp nêu trên chưa mang lại hiệu quả sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp ngành có cơ chế đặc thù với cổ phiếu HVN.
Về việc kiểm toán độc lập đưa ra khuyến cáo nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của VNA, đại diện hãng khẳng định khuyến cáo này hoàn toàn đúng vì VNA đang lỗ và lỗ lũy kế tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ quá hạn chưa thanh toán và khả năng phục hồi chưa lập tức trong thời gian ngắn, nếu không có sự hỗ trợ từ nhà nước, giãn tiến độ thanh toán các đối tác.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines đảm bảo khả năng hoạt động cũng như thanh khoản trong giai đoạn phục hồi này là hoàn toàn có thể làm được.
Về việc đặt mục tiêu mức lỗ dự kiến của Vietnam Airlines ở Đại hội đồng cổ đông cuối tháng 6 vừa qua là 9.335 tỷ đồng trong năm 2022, thời gian qua, Vietnam Airlines nỗ lực và quyết tâm đạt kết quả sản xuất kinh doanh chắc chắn tốt hơn và giảm mức lỗ so với dự kiến này.
Đặc biệt, trong tháng 7/2022, các đường bay nội địa của Vietnam Airlines đều kín lịch nên kết quả kinh doanh nhiều ngày có lãi, đây là tín hiệu tích cực trong thời điểm giá nhiên liệu tăng, từ đó có thể thấy cơ hội phục hồi của hãng là có.
Theo đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua tại hội đồng cổ đông Vietnam Airlines vào cuối tháng 6 vừa qua, công tác cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào các lĩnh vực như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán và giảm giá tiền thuê; đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới (B787-10, A320NEO); hủy 50% tổng số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.
Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ bán 32 tàu bay, trong đó bán 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72. Phương án bán và thuê lại tàu bay (Sale and Lease Back) sẽ được thực hiện khi phương án bán gặp khó khăn trong quá trình triển khai.
Trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.
Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Vietnam Airlines cũng dự kiến triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu...
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau, xây dựng và triển khai phương án vay ngắn hạn trong khuôn khổ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11 của Chính phủ…
Giá USD tại nhà băng tăng cao nhất 3 năm qua
Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay (15/9) ở mức 23.277 đồng/USD, tăng 20 đồng so với mức niêm yết hôm qua (14/9). Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có phiên tăng thứ hai liên tiếp với tổng mức tăng là 33 đồng.
Với biên độ +/-3% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 23.975 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.579 VND/USD.
Còn tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn được giữ ở mức 22.550 đồng (mua vào) - 23.400 đồng (bán ra).
Tương tự, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại vào hôm nay (15/9) cũng tăng rất mạnh. Có ngân hàng tăng tới hơn 100 đồng, vượt mức 23.740 đồng/USD, mức giá cao nhất trong 3 năm qua.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 23.430-23.740 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 50 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên hôm qua.
Vietinbank giao dịch USD ở mức 23.447 đồng (mua vào) và 23.747 đồng (bán ra), tăng 112 đồng/USD ở chiều mua vào nhưng lại giảm 28 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước.
Tỷ giá VND/USD tại Techcombank là 23.462-23.748 đồng/USD, tăng 48 đồng ở chiều mua và tăng 33 đồng ở chiều bán so với hôm qua.
Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do hôm nay lại giảm mạnh. Giá USD "chợ đen" phổ biến ở mức 23.980-24.030 đồng (mua vào - bán ra). So với phiên hôm qua, giá USD mua vào giảm 90 đồng và giá bán ra giảm 110 đồng.
Trên thị trường thế giới, đồng USD ngày 15/9 giảm nhẹ vào buổi sáng nhưng đến chiều lại có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (gồm: EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) lúc 14h55' (giờ Việt Nam) ở mức 109,77 điểm, tăng 0,09%.
Ngày 14/9, đồng USD bật tăng mạnh sau khi dữ liệu lạm phát được Mỹ công bố ở mức cao hơn so với dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Chỉ số DXY vào ngày hôm qua tăng tới 1,68%, đạt mốc 110,01 điểm. Đây là mức tăng phần trăm lớn nhất trong một ngày kể từ tháng 3/2020.
Dòng vốn FDI đầu tư vào ASEAN tăng lên mức 174 tỷ USD
Ngày 14/9, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN - Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN lần thứ 25 đã công bố báo cáo đầu tư ASEAN (AIR) năm 2022, với tiêu đề “Phục hồi đại dịch và thuận lợi hóa đầu tư."
Báo cáo trên cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN đã tăng 42% lên 174 tỷ USD vào năm 2021. Đây là mức tăng kỷ lục trước đại dịch và đảo ngược sự suy giảm hồi năm 2020 do đại dịch COVID-19.
Báo cáo thường niên nhấn mạnh sự phục hồi mạnh mẽ trên cho thấy khả năng ứng phó và sức hấp dẫn của ASEAN, với tư cách là một điểm đến đầu tư lớn trên thế giới và là động lực tăng trưởng FDI.
Các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) đã nỗ lực thuận lợi hóa đầu tư trong những năm qua, với việc thông qua Khung thuận lợi hóa đầu tư ASEAN (AIFF) vào năm 2021, phản ánh cam kết của ASEAN trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và kinh doanh trong khu vực.
Cũng theo báo cáo, mặc dù AMS đã áp dụng hầu hết các biện pháp AIFF và các biện pháp thuận lợi hóa đầu tư ngày càng hiệu quả hơn, một số khoảng trống vẫn cần được lấp đầy.
Báo cáo đầu tư ASEAN được xây dựng theo thỏa thuận hợp tác kỹ thuật giữa Ban thư ký ASEAN và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), với sự tham gia của các thành viên Ủy ban điều phối đầu tư ASEAN và sự hỗ trợ của chính phủ Australia thông qua Chương trình hợp tác phát triển ASEAN-Australia giai đoạn 2.
Theo kế hoạch, AIR 2022 sẽ được tiếp tục giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN vào tháng 11 tới.
Hà Lan