Thứ ba, 23/04/2024 17:55 (GMT+7)
    Thứ sáu, 15/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/4

    Theo dõi KTMT trên

    FDI năm 2021 thực tế đạt tới 38,85 tỷ USD; Chứng khoán châu Á giảm điểm do quan ngại về lạm phát tăng cao... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 15/4/2022.

    FDI năm 2021 thực tế đạt tới 38,85 tỷ USD

    Không phải là 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020) như báo cáo ban đầu, mà thực tế, vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 đạt tới 38,85 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020. Làm nên thay đổi này là 2 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư vào ngày cuối cùng của năm cũ: ngày 31-12-2021.

    Đây là số liệu được nêu trong dự thảo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới. Trước đó, kết quả báo cáo nhanh của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20-12-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020).

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/4 - Ảnh 1

    Đó là Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn I (1.500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mục tiêu của dự án là sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối. Dự án thứ hai của một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

    Như vậy, vốn đăng ký mới trong năm 2021 đạt 18,9 tỷ USD, tăng 24,3%; còn vốn điều chỉnh đạt 12,84%, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 7,11 tỷ USD, giảm 16,7%. Nhìn chung, đây được coi là sự tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện xu hướng hồi phục tích cực của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

    Chứng khoán châu Á giảm điểm do quan ngại về lạm phát tăng cao

    Ngày 15/4, các thị trường chứng khoán châu Á đã giảm điểm sau những diễn biến ảm đạm trên thị trường phố Wall (Mỹ), trong bối cảnh các nhà đầu tư trên khắp thế giới đều đang lo ngại lạm phát tăng mạnh.

    Ngân hàng trung ương tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada và Anh đã bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng của giá cả, song Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 14/4 vẫn quyết định duy trì kế hoạch kích thích kinh tế và không điều chỉnh lãi suất. Điều này đã khiến tỷ giá đồng euro tụt xuống gần mức thấp nhất trong hai năm, song chứng khoán tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn tăng điểm, trong khi phố Wall lại chìm vào sắc đỏ trước thềm kỳ nghỉ lễ Phục sinh.

    Xu hướng trên đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường châu Á. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 0,3% xuống 27.093,19 điểm. Trong phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số chứng khoán tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,7% còn 3.204,5 điểm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/4 - Ảnh 2
    Chứng khoán châu Á giảm điểm do quan ngại về lạm phát tăng cao.

    Xung đột tại Ukraine đã làm gia tăng rủi ro đối với đà phục hồi kinh tế trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Lãnh đạo một số ngân hàng lớn tại Mỹ đều nhận định nền kinh tế số một thế giới sẽ phát triển ổn định, song cũng cảnh báo về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và những biện pháp các ngân hàng trung ương sẽ áp dụng để kiểm soát lạm phát.

    Nga là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt chính trên toàn cầu, trong khi Ukraine cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất ngũ cốc. Căng thẳng leo thang đã tác động tiêu cực đến những mặt hàng này, với tác động có thể được cảm nhận rõ từ Trung Đông đến Nam Mỹ. Tại Yemen, mối lo ngại thiếu lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi quốc gia này đang trên bờ vực của nạn đói. Tại Argentina, giá nhiên liệu tăng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã dẫn đến việc tài xế vận chuyển ngũ cốc đình công và yêu cầu tăng cước phí vận tải, kéo theo tình trạng tê liệt xuất khẩu nông sản.

    Căng thẳng Nga-Ukraine cũng khiến giá dầu tăng vọt, với ngày càng nhiều thông tin về nguy cơ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng của Nga. Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management nhận định giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu vượt quá những quan ngại về xu hướng nhu cầu bị chững lại tại Trung Quốc. Trong những ngày qua, giá dầu Brent Biển Bắc và WTI giao kỳ hạn đều dao động quanh mức 100 USD/thùng.

    IEA lo ngại về đầu tư cho phục hồi bền vững trên toàn cầu

    Trong bản cập nhật mới nhất về Kế hoạch phục hồi bền vững, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo sự mất cân bằng giữa các khu vực trong đầu tư cho các giải pháp phục hồi bền vững và năng lượng sạch cùng với việc giá hàng hóa tăng là điều gây lo ngại.

    IEA cho biết các chính phủ trên khắp thế giới đã cam kết chi hơn 710 tỷ USD cho các giải pháp phục hồi bền vững kể từ khi đại dịch bùng phát cho đến năm 2030.

    Con số trên tăng 50% so với mức được đưa ra vào tháng 10/2021 và là mức chi lớn nhất cho năng lượng sạch.

    Trong thông báo đầu tuần này, IEA cho biết các nền kinh tế phát triển dự kiến chi trên 370 tỷ USD trước cuối năm 2023.

    Tuy nhiên, ở các nơi khác trên thế giới, câu chuyện lại khác. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có kế hoạch chi gần 52 tỷ USD cho quá trình phục hồi bền vững trước khi kết thúc năm 2023, mức thấp hơn nhiều so với những gì cần để trung hòa khí thải vào giữa thế kỷ này.

    IEA cho rằng phần thiếu hụt sẽ không thể được huy động trong ngắn hạn, khi các chính phủ bị hạn chế về các công cụ tài chính đang phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì giá cả thực phẩm và nhiên liệu ở mức thấp, khi giá hàng hóa tăng mạnh do Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.

    Những lo ngại liên quan đến cả quá trình chuyển đổi năng lượng và an ninh năng lượng đã gia tăng do xung đột tại Ukraine.

    Nga là nguồn cung lớn dầu mỏ và khí đốt và trong vài tuần qua, một số nền kinh tế lớn đã công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nước này.

    Trong khi đó, giá hàng hóa tăng tăng những tháng gần đây. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc cho biết chỉ số giá lương thực trong tháng Ba ở mức trung bình 159,3 điểm, tăng 12,6% so với tháng Hai.

    Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Ba tăng nhẹ, đạt 665,7 tỷ USD

    Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/4 thông báo doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng Ba tăng 0,5%, giữa bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng.

    Báo cáo của Bộ trên cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng Ba đạt 665,7 tỷ USD, tăng hơn 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

    Trưởng bộ phận chuyên gia kinh tế Diane Swonk của công ty kế toán Grant Thornton cho biết doanh số bán ôtô trong tháng Ba giảm 1,2% do vẫn thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, doanh số bán lẻ không bao gồm xe có động cơ và phụ tùng, tăng 1,1%, thấp hơn vài điểm phần trăm so với lạm phát chung.

    Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy doanh số bán lẻ tháng Hai được điều chỉnh tăng từ 0,3% lên 0,8%, sau khi tăng 4,9% trong tháng Một.

    Số liệu doanh số bán lẻ được đưa ra hai ngày sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3/2022, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981.

    Thống kê cho thấy so với tháng Hai vừa qua, CPI đã tăng 1,2%, phù hợp với dự báo trước đó của các nhà phân tích mặc dù CPI "lõi" (không báo giá thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,3% trong tháng 3.

    Với số liệu trên, đây là tháng thứ 6 liên tiếp, CPI hàng năm tại Mỹ ở mức trên 6%. CPI của tháng trước đó là 7,9%.

    Giới phân tích cho rằng lạm phát cao liên tục có thể dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng, khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hoặc gây thêm áp lực tăng lương, vốn có thể đẩy lạm phát cao hơn. Cả hai điều này đều không có lợi cho nền kinh tế.

    Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần vừa qua (tính đến ngày 9/4) tăng 18.000 người (tương đương 10,8%) lên 185.000 người, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào tuần trước đó.

    Với lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ có động thái tích cực trong việc tăng lãi suất trong tương lai, như nhiều quan chức Fed đã dự báo.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới

    Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.