Thứ tư, 15/01/2025 23:59 (GMT+7)
    Thứ tư, 09/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức bất động sản cập nhật ngày 9/3

    Theo dõi KTMT trên

    Đất Hà Tĩnh ‘sốt sình sịch’, công ty môi giới BĐS mọc lên như nấm; Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất; Giá căn hộ bình dân tăng… là tin bất động sản nổi bật trong ngày hôm nay.

    Loạn "thổi giá", chuyên gia lo ngại "sốt đất" quay trở lại

    Giá đất tiếp tục tăng cao ở nhiều địa phương, chuyên gia cảnh báo sớm ngăn chặn "cò đất", "đầu nậu" gây "sốt đất" tránh các hệ quả tiêu cực xảy ra.

    Ngay sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản, đặc biệt là đất nền, ở nhiều địa phương đã diễn ra khá sôi động. Cá biệt, có nơi đã xuất hiện tình trạng "thổi giá" gây "sốt ảo", nhiễu loạn thị trường.

    Thời gian qua, giới đầu cơ đất ở khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) đã đồng loạt cập nhật bảng giá mới. Tùy vào khu vực, vị trí, diện tích, hệ thống hạ tầng, các "đầu nậu" đưa ra những mức tăng khác nhau. Trong đó, khu vực xã Nhuận Đức và Bình Mỹ có tăng giá từng ngày. So với trước khi có thông tin đề xuất đưa Củ Chi từ huyện lên thành phố, giá đất tăng 10 - 25%.

    Tương tự, tại Hà Nội, thông tin triển khai tuyến đường Vành đai 4 đã khiến đất đai các huyện vùng ven trung tâm nóng lên. Giá đất nhiều nơi của huyện Hoài Đức rao bán tăng 10-20 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm 2021.

    Ở những khu vực dự kiến thực hiện các dự án như khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng nông thôn đã xuất hiện hoạt động đầu cơ bất động sản gây "sốt ảo", có hiện tượng "thổi giá" làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

    Cùng với đó, thị trường có dấu hiệu nhà đầu tư tổ chức huy động vốn chuyển nhượng chưa đúng quy định của pháp luật, thổi phồng để quảng cáo rao bán khi chưa đầy đủ quy trình… gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản và khó khăn cho việc quản lý Nhà nước.

    Tin tức bất động sản cập nhật ngày 9/3 - Ảnh 1
    Giá đất nhiều nơi ở huyện Hoài Đức tăng "chóng mặt" theo thông tin Vành đai 4 (Ảnh: Hà Phong).

    Đất Hà Tĩnh ‘sốt sình sịch’, công ty môi giới BĐS mọc lên như nấm

    Chưa đầy 2 năm đã hàng trăm doanh nghiệp có mã ngành kinh doanh môi giới BĐS ở Hà Tĩnh được thành lập. Người người buôn đất, nhà nhà bán đất khiến loại hình kinh doanh này trở nên nhộn nhịp.

    Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2020 đến nay Hà Tĩnh có tới 450 doanh nghiệp có đăng ký mã ngành kinh doanh môi giới BĐS mới thành lập. Tính riêng tại thành phố Hà Tĩnh có 181 doanh nghiệp kinh doanh, môi giới BĐS.

    Dọc con đường lớn ở TP Hà Tĩnh như Lê Duẩn, Hàm Nghi, Trần Phú, Hà Huy Tập … rất nhiều công ty môi giới BĐS hoạt động. Đặc biệt có một số công ty vừa khai trương hoặc chuyển từ ngành nghề khác sang môi giới đất.

    Thị trường BĐS sôi động, doanh nghiệp môi giới mọc lên nhiều, các văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Tĩnh thời gian này cũng có rất đông người đến thực hiện thủ tục giao dịch liên quan đến đất đai.

    Thị trường đất ở Hà Tĩnh bắt đầu có biến động từ giữa năm 2021 đến nay. Nhiều khu vực đất nông thôn cũng được đưa ra bán với giá "trên trời".

    Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện hoạt động đầu cơ BĐS gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

    Những dấu hiệu “bất thường” trong các cuộc đấu giá đất

    Hiện tượng các doanh nghiệp đấu giá đất với giá cao rồi chấp nhận bỏ cọc, xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đã đẩy giá nhà, đất tại nhiều khu vực bị đẩy lên mức rất cao.

    Thời gian gần đây tại TP.HCM, vấn đề đấu giá đất công được dư luận đặc biệt quan tâm khi xảy ra hàng loạt vụ thất thoát tài sản nhà nước liên quan đến đất đai do không thực hiện quy định đấu giá, trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

    Còn tại Hà Nội, rầm rộ bỏ cọc đấu giá đất cũng diễn ra trong thời gian vừa qua. Kế hoạch của TP.Hà Nội, trong năm 2021, thành phố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 446 dự án, tổng diện tích 177,29 ha, dự kiến số tiền trúng đấu giá hơn 23,6 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2023, dự kiến đất đấu giá là 1.084,82 ha; Thu ngân sách đấu giá quyền sử dụng đất Hà Nội đạt 104.002,77 tỷ đồng.

    Trước những dấu hiệu “bất thường” của các cuộc đấu giá đất tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1767/CĐ-CP ngày 21/12/2021 chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời và với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên đã ngăn chặn được những hệ quả, hậu quả tiêu cực có thể xảy ra từ các cuộc đấu giá đất và kiểm soát được tình hình thị trường bất động sản.

    Giá căn hộ bình dân tăng

    Bất chấp giao dịch giảm mạnh so với cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư những tháng đầu năm 2022 vẫn tăng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân vẫn là do nguồn cung căn hộ thấp trong khi nhu cầu ở thực tăng cao ở cả chung cư mới và cũ, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

    Khảo sát thị trường chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội những tháng đầu năm 2022 cho thấy, không ít căn hộ chung cư, giá rao bán thứ cấp tăng vài trăm triệu đồng.

    Chia sẻ về quá trình đi tìm mua chung cư tại Hà Nội, vợ chồng chị Lê Thu Hà (Hải Dương) cho hay, với vốn tích lũy hơn 1 tỷ đồng, cộng thêm vay mượn người nhà, vợ chồng chị có khoảng 2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2021 đến nay, chị đã tham khảo nhiều căn hộ chung cư tại các dự án tại quận Hoàng Mai nhưng chưa lựa chọn được căn hộ phù hợp và giá liên tục báo tăng. Các dự án chung cư mới bàn giao, giá bán lại đã chênh lệch thêm 200 triệu-400 triệu đồng so với giá trong hợp đồng mua bán. Trong khi, giá chung cư cũ cũng tăng khá cao từ 100-200 triệu đồng so với cuối năm 2020.

    Siết thuế bất động sản: Lo ngại tạo cú sốc cho thị trường!

    Bên cạnh ý kiến ủng hộ đánh thuế BĐS với lý do chống đầu cơ, tăng giá thì nhiều chuyên gia cũng cảnh báo việc đánh thuế có thể tác động tiêu cực đến thị trường địa ốc và nền kinh tế, chưa nên bàn tới vào lúc này.

    Tin tức bất động sản cập nhật ngày 9/3 - Ảnh 2

    Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản.

    Các nội dung góp ý gồm: đề xuất gộp Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có). Việc lấy ý kiến lần này hướng đến đánh giá tác động của nội dung sửa đổi đối với kinh tế xã hội, doanh nghiệp, người dân và ngân sách nhà nước.

    Dù có nhiều ý kiến đồng thuận việc đánh thuế để nhưng cũng có nhiều ý kiến kêu gọi thận trọng khi đánh thuế, cần có lộ trình để tránh gây hoang mang cho thị trường.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức bất động sản cập nhật ngày 9/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới