Tin môi trường nổi bật ngày 10/8: Bão số 2 giật cấp 10, hướng thẳng vào Quảng Ninh - Nam Định
Yên Bái: Xử phạt 120 triệu đồng đối với doanh nghiệp đổ thải không đúng quy định; Thanh Hóa: Ngao chết chất đống trên bờ biển Hải Lĩnh; Khoảng một triệu loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 10/8.
Bão số 2 giật cấp 10, hướng thẳng vào đất liền Quảng Ninh - Nam Định
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hồi 16 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc, cách Quảng Ninh khoảng 200km về phía Đông Nam, cách Nam Định 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh. Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: đêm 10/8 và sáng ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh-Ninh Bình nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 9; ven biển Thanh Hóa có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8.
Cảnh báo mưa lớn: từ chiều nay (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Ngay trong chiều ngày 10/8, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp về công tác dự báo cơn bão số 2.
Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Bảy cho biết, bão số 2 là cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc khu vực phụ trách của Đài. Đài đã có công văn chỉ đạo các đơn vị dự báo, quan trắc, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị dự báo. Hầu hết các đơn vị đã đưa các bản tin phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo ứng phó của các địa phương.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường, cơn bão có cường độ và hướng di chuyển phức tạp, do đó, cần theo dõi kỹ khi bão vào Vịnh Bắc Bộ. Bão có cường độ và hướng di chuyển phức tạp, do đó, cần theo dõi kỹ khi bão vào Vịnh Bắc Bộ. Lượng mưa của bão khoảng 100-200mm trong khoảng 3-4h, sau đó, mưa giảm dần, cường độ này gây nguy hiểm cho khu vực Đông Bắc. Đặc biệt chú ý đến lượng mưa sau bão, có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi Việt Bắc, Tây Bắc qua Thanh Hóa.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân quan tâm, chủ động phòng tránh giảm thiểu thiệt hại do tác động của bão số 2; tránh nguy cơ gây lũ lụt, ngập úng ở các khu đô thị; lũ quét, sạt lở ở các tỉnh vùng núi trung du…
Hoàn thành tháo dỡ gần 97% nhà kính, nhà lưới trên đất rừng Đà Lạt
Ngày 10/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau nhiều lần chỉ đạo quyết liệt của thành phố, các phường, xã trên địa bàn đã hoàn thành việc tháo dỡ nhà kính, nhà lưới, công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 71,5ha, đạt 96,77 % kế hoạch đề ra.
Theo báo cáo số 5226/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, tổng diện tích có công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp tại thành phố là 170ha. Trong đó có 73,9ha cần phải xử lý giải tỏa, tháo dỡ, tập trung chủ yếu tại địa bàn các phường 7, 12, 5, 11 và các xã Trạm Hành, Xuân Thọ, Tà Nung. Sau nhiều lần chỉ đạo tháo dỡ của thành phố, đến đầu tháng 8/2022, hầu hết các công trình đã được giải tỏa.
Diện tích công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp còn lại chưa tháo dỡ là 2,3ha. Nguyên nhân do đây là những diện tích của các hộ dân đang thời kỳ thu hoạch nông sản và có cam kết tự nguyện tháo dỡ sau khi thu hoạch xong. Diện tích này tập trung trên địa bàn phường 7, phường 12, xã Xuân Thọ và Tà Nung.
Sau giải tỏa, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt cũng chỉ đạo các phường, xã, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện bàn giao và tiếp nhận, quản lý chặt chẽ diện tích đã tháo dỡ công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tái dựng lại công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp.
Đối với diện tích 2,3ha công trình, nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp còn lại, thành phố cũng yêu cầu các địa phương tổ chức giải tỏa dứt điểm trước ngày 15/8/2022.
Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn, vận động các hộ gia đình, cá nhân trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương sau khi tháo dỡ nhà kính; tổng hợp tất cả các trường hợp sau khi tự nguyện tháo dỡ có nhu cầu hỗ trợ cây giống hoặc có nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất sau khi tháo dỡ công trình, nhà kính, nhà lưới.
Yên Bái: Xử phạt 120 triệu đồng đối với doanh nghiệp đổ thải không đúng quy định
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Phát triển số 1 đã thực hiện hành vi đổ thải không đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt, khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá hoa trắng thuộc thôn Trung Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Qua đó, công ty bị xử phạt 120 triệu đồng, đồng thời, công ty phải đổ thải đúng vị trí đã được phê duyệt theo quy định trong thời hạn 90 ngày. Mọi chi phí công ty phải tự chi trả.
UBND tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Phát triển số 1 phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Được biết, Công ty TNHH MTV Phát triển số 1 do ông Nguyễn Minh Ngọc làm Giám đốc có trụ sở chính tại Khu 2 Bích Nhôi, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng.
Mỏ đá trắng xảy ra hành vi vi phạm trên cung cấp đá trắng cho Nhà máy CaCo3 Yên Bái (địa chỉ tại Khu công nghiệp phía Nam, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Đá nguyên liệu được khai thác và chuyên chở cả bằng đường bộ lẫn đường thủy nhằm đáp ứng liên tục cho nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Trước đó, với hành vi tương tự, Công ty Cổ phần đá cẩm thạch Dốc Thẳng (Lục Yên, Yên Bái) cũng bị xử phạt tổng số tiền 120 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng.
Thanh Hóa: Ngao chết chất đống trên bờ biển Hải Lĩnh
Sáng 9/8, người dân ra bãi biển Hải Lĩnh đánh bắt hải sản, phát hiện ngao giấy chết trôi dạt vào bờ vào bờ biển phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, kéo dài khoảng 3 km.
Trưa ngày 9/8, ông Lê Bá Hải, Chủ tịch UBND phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn xác nhận, tại khu vực dọc bờ biển phường Hải Lĩnh phát hiện hàng tấn ngao chết bị sóng đánh dạt vào bờ biển, kéo dài khoảng 3 km.
Cụ thể, sáng cùng ngày, dọc bờ biển phường Hải Lĩnh, người dân phát hiện một lượng lớn ngao giấy dạt vào bờ. Theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, hàng năm cứ đến mùa mưa lũ sẽ có hiện tượng ngao, sò, ốc… dạt vào bờ, đây là hiện tượng tự nhiên. Ngao giấy sống sâu dưới đáy biển, thân màu trắng tím, hình tam giác. Hiện, trên thị trường loại ngao giấy này đang được bán với giá từ 20 – 25 nghìn đồng/kg.
Ông Lê Bá Hải, Chủ tịch phường Hải Lĩnh, cho hay ngao chết rải rác khoảng nửa tháng gần đây, đến sáng nay thì nhiều bất thường, chủ yếu là ngao giấy tự nhiên. Xã chưa thống kê chính xác, ước chừng hàng tấn ngao chết dạt vào bờ biển thuộc phường này.
Khoảng một triệu loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng
Theo báo cáo của IPBES, một cơ quan chính sách và khoa học liên chính phủ độc lập được hỗ trợ bởi Liên Hợp Quốc, khoảng một triệu loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Rong biển là một trong những “sinh vật tồn tại vĩ đại” của hành tinh và họ hàng của một số loài rong biển ngày nay có thể được truy tìm từ khoảng 1,6 tỷ năm trước. Rong biển đóng một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, cung cấp môi trường sống và thức ăn cho các dạng sinh vật biển, trong khi các loại lớn - chẳng hạn như tảo bẹ - đóng vai trò là nơi nuôi dưỡng cá dưới nước. Tuy nhiên, hoạt động nạo vét cơ học, nhiệt độ nước biển tăng và việc xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển đang góp phần làm suy giảm các loài này.
Cây cối trên thế giới đang bị đe dọa bởi nhiều nguồn khác nhau, bao gồm khai thác gỗ, phá rừng làm công nghiệp và nông nghiệp, lấy củi để sưởi ấm và nấu ăn và các mối đe dọa liên quan đến khí hậu như cháy rừng.
Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, khoảng 31% trong số 430 loại sồi trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng và 41% nằm trong “mối quan tâm bảo tồn”, chủ yếu là do phá rừng làm nông nghiệp và làm nhiên liệu để đun nấu.
Hươu cao cổ cũng đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do bị giết hại để lấy thịt, bị suy thoái môi trường sống do khai thác gỗ không bền vững và nhu cầu đất nông nghiệp tăng lên. Theo ước tính, chỉ còn khoảng 600 con hươu cao cổ Tây Phi trong tự nhiên.
Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc, nếu con người không tương tác với thiên nhiên một cách bền vững hơn, cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay sẽ trở nên trầm trọng hơn, với những kết quả thảm khốc cho nhân loại.
Lan Anh