Thứ sáu, 19/04/2024 02:16 (GMT+7)
Thứ ba, 09/08/2022 18:10 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 9/8

Theo dõi KTMT trên

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, hướng vào miền Bắc; Phạt hơn 600 triệu đồng 15 cơ sở chế biến mực gây ô nhiễm ở Bình Định; Mưa lớn lịch sử ở Seoul... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 9/8.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, hướng vào miền Bắc nước ta

Chiều nay (9/8) áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2022 và có tên quốc tế là Mulan.

Hồi 16 giờ ngày 9/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 320km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 290km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 1
Vị trí và đường đi của cơn bão số 2. (Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia)

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Đến 16 giờ ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động mạnh.

Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ tối và đêm mai (10/8) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Đêm 10/8, ngày 11/8, khu vực ven biển Quảng Ninh- Hải Phòng nhiều khả năng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Cảnh báo mưa lớn: Từ chiều tối mai (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Phạt hơn 600 triệu đồng 15 cơ sở chế biến mực gây ô nhiễm ở Bình Định

Ngày 9/8, lãnh đạo UBND huyện Phù Cát (Bình Định) cho biết, huyện đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 15 cơ sở chế biến mực xà tại xã Cát Khánh với tổng số tiền xử phạt trên 600 triệu đồng.

Trước đó, theo thông tin phản ánh của người dân, tại xã Cát Khánh nhiều cơ sở chế biến mực xà trong quá trình hoạt động đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Đầu tháng 6/2022, cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành kiểm tra các cơ sở này.

Qua kiểm tra, phát hiện 15 cơ sở chế biến mực xà của 15 hộ dân đang xả nước thải, chất thải sơ chế mực xà trực tiếp ra đầm Đề Gi, với lưu lượng nước thải nhỏ hơn 5m3/ngày mà không qua hệ thống xử lý theo quy định, gây hôi thối ô nhiễm nước đầm Đề Gi.

UBND xã Cát Khánh còn phối hợp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và môi trường (thuộc Sở TN&MT tỉnh) lấy mẫu nước thải tại nhiều vị trí khác nhau để phân tích. Kết quả, có từ 5-6 chỉ tiêu trong nước thải từ hoạt động sơ chế mực xà của 15 hộ dân này vượt từ 3-10 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Phù Cát đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 hộ dân này với mức xử phạt từ 24-67,5 triệu đồng. Tổng mức xử phạt các trường hợp 613 triệu đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Phù Cát còn yêu cầu các hộ dân thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế mực xà gây ra và xây dựng công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

Bình Định: Nguyên nhân cá hồ Bàu Sen chết hàng loạt

Mới đây, lãnh đạo Công ty CP Môi trường Bình Định cho biết, nguyên nhân cá ở hồ sinh thái Bàu Sen thuộc khu vực 6 và 7 của phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn chết hàng loạt là do oxy trong hồ thay đổi, cá bị sốc nhiệt dẫn đến chết.

Những ngày vừa qua, người dân đi bộ tập thể dục quanh hồ sinh thái Bàu Sen, thuộc khu vực 6 và 7 của phường Lê Hồng Phong, thành phố Quy Nhơn tỏ ra bức xúc vì mùi hôi thối do cá chết hàng loạt.

Theo người dân địa phương, tình trạng cá trong hồ Bàu Sen chết xảy ra trong nhiều ngày qua. Cá chết tập trung chủ yếu tại khu vực có sen, sau đó theo dòng nước và gió tấp về cuối hồ nhưng không được thu dọn kịp thời nên bị phân hủy, gây mùi hôi thối. Cũng theo người dân, tình trạng cá trong hồ sinh thái Bàu Sen chết là hiện tượng bất thường, cá chết rất nhiều.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 2
Tình trạng cá trong hồ Bàu Sen chết xảy ra trong nhiều ngày qua. 

Ông Trương Vĩnh (82 tuổi) ngụ tại 29 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Quy Nhơn chia sẻ: Cá chết trong hồ Bàu Sen xảy ra thường xuyên. Người dân sinh sống xung quanh khu vực hồ Bàu Sen thiếu ý thức bảo vệ môi trường, họ vứt tất cả những gì cần vứt xuống hồ; ban đêm thì người dân đi chích điện, giăng lưới bắt cá, người dân sắm xuồng nhỏ, vợt, lưới, cứ chồng đi trước vợ theo sau bắt cá trong hồ. Còn nguyên nhân khác nữa là khí hậu quá nóng khiến thiếu oxy cho cá thở cũng dẫn đến cá chết hàng loạt. Hồ sinh thái Bàu Sen không chỉ tạo cảnh quan mà còn điều tiết không khí, môi trường trong lành cho khu dân cư. Hồ rất đẹp nhưng người dân lại không biết bảo vệ, giữ gìn.

Theo ông Nguyễn Tấn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Môi trường Bình Định, nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt là do oxy trong hồ thay đổi, cá bị sốc nhiệt dẫn đến chết. Nước hồ cạn, nhiều bùn, khi thời tiết thay đổi khiến cá bị sốc nhiệt. Mấy năm trước đã xảy ra hiện tượng cá chết và vừa rồi trong tháng 6 cũng có tình trạng cá chết trong hồ Bàu Sen.

TP.HCM: Quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP.HCM, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố xuất hiện 10 đợt triều cường cao, trong đó 5 đợt trên báo động cấp II và 5 đợt trên báo động cấp III. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Phú An là 1,71m, xuất hiện lúc 3 giờ 30 phút, ngày 5/12/2021.

Các đợt triều cường trên đã gây ngập cục bộ tại một số tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân như: Quận 1 (đường Calmette); Quận 4 (đường Trương Đình Hợi); Quận 7 (đường Phạm Hữu Lầu, Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập; Quận 8 (đường Trịnh Quang Nghị); huyện Nhà Bè (đường Lê Văn Lương, Đào Sư Tích); huyện Bình Chánh (Quốc lộ 50).

Trước thực trạng này, nhằm từng bước khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, TP.HCM đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Thành phố chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch, xây dựng. Theo đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, tích hợp vào đồ án quy hoạch chung của Thành phố, đồ án quy hoạch chống ngập úng, quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết và quy hoạch cốt cao độ nền; đồng thời nghiên cứu, xem xét thống nhất và kết nối đồng bộ các quy hoạch.

Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn các địa phương, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị mới; kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ (không phải hồ cảnh quan) trước khi thực hiện san lấp; đồng thời, thực hiện rà soát và tận dụng những khu vực trống để tăng cường các mảng xanh nhằm điều hòa lượng nước, tăng hệ số thấm, góp phần bổ cập lượng nước ngầm của Thành phố.

Đặc biệt, Thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp công trình để phục vụ giải quyết ngập lụt. Thành phố đã triển khai một số nội dung trước mắt nhằm kéo giảm tình hình ngập, như cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch bằng nguồn vốn trùng tu, ủy quyền; vận hành, duy tu, nạo vét cống các loại, sửa chữa hầm ga; thuê dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh...

Mưa lớn lịch sử ở Seoul

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 8/8 đã chứng kiến trận mưa lớn nhất trong hàng chục năm qua. Trận mưa lịch sử đã khiến đường phố, nhà cửa, ga tàu điện ngầm ở Seoul ngập lụt và đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, 7 người mất tích, theo hãng tin AP.

Trong 8 người thiệt mạng, có 3 người cùng một gia đình sống ở một tầng hầm ở quận Gwanak (phía nam Seoul) chết vì nước dâng quá nhanh không kịp thoát ra.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 3

Sau khi nước rút vào ngày 9-8, nhiều xe ô tô, cây cối, cơ sở hạ tầng đổ nát nằm ngổn ngang trên đường.

Cảnh báo lở đất đã được ban hành tại gần 50 thành phố và thị trấn và 160 con đường leo núi ở Seoul và tỉnh Gangwon đã tạm thời bị chặn.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết: “Dự báo là mưa lớn sẽ tiếp tục trong những ngày tới. Chúng ta cần cảnh giác và nỗ lực ứng phó hết mình”.

Bên cạnh đó, tổng thống cũng chỉ đạo các quan chức lưu ý đến các khu vực dễ bị sạt lở đất hoặc lũ lụt.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 9/8 - Ảnh 4

Đến ngày 9/8, hầu hết ga tàu điện ngầm của Seoul đã hoạt động bình thường trở lại nhưng hàng chục con đường vẫn bị phong tỏa vì lý do an toàn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Hong-sik cho biết quân đội đã sẵn sàng triển khai binh sĩ để hỗ trợ chính quyền địa phương nếu cần.

Trận mưa lịch sử bắt đầu từ sáng 8-8 và mưa dữ dội hơn vào chiều tối cùng ngày.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 9/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới