Thứ tư, 24/04/2024 05:09 (GMT+7)
Thứ tư, 08/06/2022 14:55 (GMT+7)

Tín chỉ carbon tự nguyện có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2030

Theo dõi KTMT trên

Thị trường carbon tự nguyện đã vươn lên và tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua. Dự báo, nhu cầu toàn cầu về tín chỉ carbon tự nguyện có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2030.

Giao dịch vượt 1 tỷ USD trong năm 2021

Hội thảo “Khai thác sức mạnh của thị trường tài chính carbon để đầu tư vào các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh” vừa diễn ra, do Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM tổ chức.

Tại Hội thảo, ông Barjor Mehta, Chuyên gia trưởng về đô thị - Ngân hàng Thế giới, cho biết, thị trường carbon tự nguyện đã vươn lên và tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua.

Quy mô bù đắp carbon tự nguyện được giao dịch tăng 80% trong giai đoạn 2019-2020. Chỉ tính riêng trong năm 2021, giá trị giao dịch thị trường đã ghi nhận vượt 1 tỷ USD. Dự báo, nhu cầu toàn cầu về tín chỉ carbon tự nguyện có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2030.

Năm 2021 được ghi nhận là năm thứ 5 tăng trưởng liên tiếp của thị trường carbon toàn cầu, đẩy tổng giá trị thị trường tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020. Đà tăng trưởng của thị trường carbon được dự báo sẽ tiếp diễn, ở cả thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện, trong xu thế các chính phủ cũng như các doanh nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp cho mục tiêu Net Zero.

Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt được thúc đẩy bởi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon và cơ bản hoàn thiện Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris, bao gồm Điều 6 trực tiếp liên quan đến thị trường carbon.

Tín chỉ carbon tự nguyện có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh 1
Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon tại COP26. (Ảnh minh họa)

Đã có 136 quốc gia (bao gồm Việt Nam) – tương đương tổng lượng phát thải khí nhà kính gần 88% và đóng góp khoảng 90% GDP toàn cầu, cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ tại COP26. Trong khi đó, ít nhất 1/5 trong số 2.000 công ty lớn nhất thế giới với tổng doanh thu gần 14 nghìn tỷ USD cam kết đạt được Net Zero vào giữa thế kỷ hoặc sớm hơn thông qua nhiều sáng kiến ​​khác nhau.

Việt Nam thu về hàng trăm triệu USD từ tín chỉ carbon

Trong nhiều năm qua, Việt Nam sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. Trong khi đó, từ năm 2021, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Như vậy, doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, chắc chắn, chi phí không hề nhỏ.

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Phạm Văn Tấn, từ năm 2021, tất cả những doanh nghiệp phát thải lượng lớn carbon ở Việt Nam phải có trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính và sau đó cần có lộ trình để thực hiện giảm phát thải để chung tay thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải.

Hơn nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách toàn cầu, khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt khi ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Việt Nam đã hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ nỗ lực giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho biết, thị trường tín chỉ carbon trên thế giới đã hình thành từ lâu, trong đó có thị trường tự nguyện và bắt buộc.

Theo ông Ngãi, ngành lâm nghiệp có hai cơ hội: một là tín chỉ carbon rừng được hình thành từ việc chống mất rừng sẽ đóng góp vào giảm phát thải quốc gia, hai là tín chỉ carbon được cây cối trong rừng hấp thụ lại. Hai loại này nếu làm tốt hằng năm thì có thể dư ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon, nếu xuất khẩu thành công thì số tiền thu về lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Theo đại diện Bộ TN&MT, đến năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức để kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế tạo tín chỉ như cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong khuôn khổ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đã có gần 300 chương trình, dự án CDM được Liên Hiệp Quốc cho đăng ký và triển khai tại Việt Nam, có 14 dự án theo cơ chế JCM hợp tác với Nhật Bản.

TS Trần Đại Nghĩa - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn, quan điểm về giá trị kinh tế của rừng. Thực tế, rừng không chỉ có giá trị ở gỗ, lâm sản, cảnh quan mà còn có thể khai thác giá trị bảo tồn và cả tín chỉ carbon. Tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon là rất lớn nhưng mới chỉ ở giai đoạn thí điểm, cần phải có kế hoạch cụ thể để giữ rừng, làm giàu rừng, tăng hấp thụ carbon rừng, đảm bảo có “hàng” để đem bán và đạt được mục tiêu tham gia thị trường này một cách mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, đi đôi với những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra cơ sở pháp lý, thúc đẩy thị trường carbon minh bạch hoá, khuyến khích các chủ rừng tham gia bảo vệ, làm giàu rừng. Đặc biệt, cần có các chính sách về quyền carbon như quyền sở hữu lượng carbon tích luỹ của rừng; quyền chuyển giao, chuyển nhượng, mua bán và quyền hưởng lợi, từ đó mới thúc đẩy được bảo vệ rừng gắn với tạo giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần tạo kênh đàm phán, thương mại, thúc đẩy thị trường này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tín chỉ carbon tự nguyện có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.