Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/4
Thị trường Văn phòng Hà Nội giá thuê đã bắt đầu tăng trở lại; Thị trường nhà ở Hà Nội: Giá kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất trong nửa đầu năm; Định hướng quy hoạch huyện Gia Lâm 2030-2050 thế nào?… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Thị trường Văn phòng Hà Nội giá thuê đã bắt đầu tăng trở lại
Diện tích hỏi thuê phổ biến ở quy mô văn phòng vừa và lớn. Trong năm 2022, nguồn cầu mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục đảm bảo tỷ lệ lấp đầy ổn định tại các tòa nhà hiện hữu. Hơn nữa, thị trường văn phòng Hà Nội được kỳ vọng sẽ chào đón lượng nguồn cung lớn mới để đáp ứng nhu cầu lớn từ các doanh nghiệp trong nước và các Công ty nước ngoài.
Theo CBRE, tổng nguồn cung văn phòng tại thị trường Hà Nội vượt 1,6 triệu m2 NLA, với các dự án hạng A chiếm 38% tổng nguồn cung. Tỷ lệ hấp thụ của thị trường Hà Nội đặt 6.000 m2 trong Q1/2022, phần lớn diện tích văn phòng hấp thụ trong quý đến từ dự án Hạng A (Capital Place), một số là sự nâng cấp từ văn phòng Hạng B và từ văn phòng cũ Hạng A.
Trong quý I/2022, thị trường văn phòng Hà Nội ghi nhận một dự án Hạng A mới đi vào hoạt động tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích được chủ nhà giữ lại để sử dụng nên dự án này chỉ bổ sung thêm 5.000m2 vào tổng nguồn cung.
Với việc mọi hoạt động kinh doanh quay trở lại bình thường, bao gồm gỡ bỏ dần các hạn chế trong hoạt động kinh doanh, xã hội và mở lại các đường bay quốc tế, đã phần nào mang lại những tín hiệu tích cực và sự tự tin cho chủ nhà. Do đó, giá thuê đã bắt đầu tăng trở lại sau một thời gian được giữ ổn định trong thời kỳ dịch bệnh.
Cụ thể, trong quý I/2022, giá chào thuê văn phòng Hạng A đạt 27,6 USD/m2/tháng, tăng 1,2% theo quý và 1,9% theo năm. Tương tự, giá thuê văn phòng Hạng B cũng tăng nhẹ 0,8% theo quý và 0,8% theo năm, lên 14,1 USD/m2/tháng. Tỷ lệ trống trung bình của các dự án văn phòng hiện hữu cũng được cải thiện khi tỷ lệ trống của văn phòng Hạng A chỉ đạt 18,8%; giảm 1,7 điểm phần trăm so với quý trước và 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tỷ lệ trống trung bình của văn phòng Hạng B đạt 10,6%, giảm 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê và tỷ lệ trống của văn phòng Hạng A tại Hà Nội không bao gồm tác động của dự án Technopark Tower. Nếu tính cả dự án này, giá thuê và tỷ lệ trống trung bình sẽ có giá trị lần lượt là 24,9 USD và 30,6%.
Thị trường nhà ở Hà Nội: Giá kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất trong nửa đầu năm
Trong quý đầu tiên của năm 2022, có khoảng 3.500 căn hộ chung cư mở bán mới tại Hà Nội, giảm 39% theo quý và 20% theo năm do những gián đoạn từ kỳ nghỉ Tết và đợt dịch Covid-19 mới. Nhu cầu của cả nhà đầu tư và người mua để ở vẫn mạnh mẽ đối với các sản phẩm nhà ở gắn liền với đất. Nên giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất trong nửa đầu năm.
Phần lớn nguồn cung mới mở bán trong quý đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án đã mở bán (6 dự án) và chỉ có 2 dự án lần đầu được mở bán. Theo phân khúc, căn hộ trung cấp vẫn là sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường, chiếm 66% tổng nguồn cung mới trong quý. Về vị trí, khu vực phía Tây là khu vực đóng góp nhiều nguồn cung mới nhất với 53% tổng số căn mở bán mới. Mặc dù chỉ có một dự án mới mở bán trong quý nằm ở khu phía Đông, khu vực này đứng thứ hai về tỷ trọng nguồn cung mới, với 42%.
Doanh số bán hàng tiếp tục vượt nguồn cung mở bán mới trong bối cảnh nguồn cung mới ở ngưỡng vừa phải. Số căn bán được ghi nhận trong quý là 4.200 căn, trong đó, phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng cao nhất với 71% tổng doanh số bán hàng trong quý.
Giá bán trên thị trường sơ cấp trong Q1 2022 được ghi nhận trung bình ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm, ở ngưỡng 16% do sự nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị. Trong khi đó, giá trung bình phân khúc cao cấp giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ trọng cao hơn của các dự án nằm tại khu vực nhà ở mới trong nguồn cung đang chào bán.
Thị trường bất động sản bán lẻ dần khởi sắc
Do hầu hết các lệnh hạn chế liên quan đến Covid-19 đã được dỡ bỏ, cùng với việc bao phủ vắc xin rộng, thị trường bán lẻ có nhiều kỳ vọng trong thời gian còn lại của năm.
Theo báo cáo mới đây của CBRE, trong quý I/2022, thị trường bán lẻ tiếp tục đà tăng trưởng của quý trước, và dần vượt qua ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 thứ 4. Với số ca Covid-19 mới đạt đỉnh và giảm dần vào tháng 3, các hoạt động kinh doanh hầu hết đã trở lại bình thường và dự kiến sẽ mang đến nhiều diễn biến tích cực cho thị trường bán lẻ từ quý II/2022.
Về nguồn cung, thị trường Hà Nội không ghi nhận dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2022. Diện tích sàn bán lẻ cho thuê không đổi trong 15 tháng qua, ở mức hơn 1 triệu m2 NLA.
Về hoạt động thị trường, dần hồi phục khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Theo Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I/2022 của Hà Nội tăng hơn 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 6,8% của quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ giảm 4,6% so với năm 2020, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một (không bao gồm thuế GTGT và phí dịch vụ) tại các trung tâm thương mại ngoài trung tâm giảm do một số dự án có các chính sách giảm giá để thu hút khách thuê mới cũng như để giữ chân các khách thuê hiện tại.
Giá chào thuê trung bình tại tầng trệt và tầng một khu vực ngoài trung tâm đạt 23,6 USD/m2/tháng, giảm 1,14% theo quý và 3,17% theo năm. Tỷ lệ trống của các địa điểm ngoài trung tâm nhìn chung giữ ổn định so với quý trước đó trong khi tăng 2,6 đpt theo năm.
Định hướng quy hoạch huyện Gia Lâm 2030-2050
Huyện Gia Lâm (Hà Nội) được định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững, làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận; đề xuất quy hoạch tổ chức không gian đô thị, điểm dân cư nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội, dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 11.473 ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 450.000 người; đến năm 2040 khoảng 450.000-540.000 người; đến năm 2050 khoảng 540.000-555.000 người.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm triển khai cụ thể hóa các định hướng đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1259 về các khu chức năng chính, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật; định hướng bảo tồn văn hóa lịch sử và thiên nhiên…, phù hợp với yêu cầu của quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Theo đó, huyện xác định vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững, làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên thành quận ; đề xuất quy hoạch tổ chức không gian đô thị, điểm dân cư nông thôn, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội, dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp…
Bùi Hằng