Thứ bảy, 27/04/2024 23:07 (GMT+7)
    Thứ tư, 06/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/4

    Theo dõi KTMT trên

    Nhà đầu tư lo ngại đỉnh bất động sản đã xuất hiện, phân vân xuống tiền?; Giá đất nền tại các khu vực ven Hà Nội vẫn tiếp tục tăng; "Bão giá" nguyên vật liệu "quét sạch" lợi nhuận… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Giá đất nền tại các khu vực ven Hà Nội vẫn tiếp tục tăng

    Mặc dù mức độ quan tâm đất nền tại một số quận, huyện của Hà Nội giảm nhưng giá rao bán vẫn tiếp tục tăng cao như tại Chương Mỹ tăng 74%, Đông Anh tăng 20%, Gia Lâm tăng 21%, Thạch Thất tăng 11%, Quốc Oai tăng 26%.

    Theo báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng đều cả về lượt quan tâm và lượt tin đăng bất động sản. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, sau giai đoạn bị nén mạnh của thị trường bất động sản do tác động của dịch bệnh giờ thị trường đã có sự bật lên mạnh và có sự tăng trưởng rõ rệt so với giai đoạn trước dịch quý 1/2019.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/4 - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.

    Về thị trường bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Batdongsan.com.vn cho biết, mức độ quan tâm bất động sản tại thị trường này đã tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 33% so với quý 1/2019. Đáng chú ý, mức độ quan tâm tăng chủ yếu ở bất động sản cho thuê với 19%. Điều này thể hiện sự tác động tích cực khi nền kinh tế được mở cửa.

    Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: "Mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh: thứ nhất, là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3-5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản. Thứ hai, cần lưu ý tới sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư".

    "Bão giá" nguyên vật liệu "quét sạch" lợi nhuận, đẩy nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào thua lỗ

    Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch, biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng. Một số chuyên gia trong ngành nhận định “bão giá” đã quét sạch những lợi nhuận có thể hy hữu còn lại, đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.

    Đây là nhận định của các chuyên gia trong báo cáo về ngành xây dựng và vật liệu xây dựng vừa được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 5/4.

    Theo Vietnam Report, ngành xây dựng đã trải qua một năm 2021 đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ kinh nghiệm có được từ năm 2020 và sự thích ứng tốt của các doanh nghiệp, tăng trưởng của ngành đạt 5,59%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 là 4,54%.

    Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội và TP.HCM buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Phần lớn các dự án nằm trong các tỉnh thành bị giãn cách đều phải ngừng thi công. Các dự án nằm ngoài khu vực giãn cách cũng bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung vật tư và nhân lực. Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy rõ nhất đó là: chi phí duy trì bộ máy, chi phí phòng chống dịch, chi phí huy động nguồn lực sau các đợt giãn cách... 37,9% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết trên 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch Covid-19.

    "Cò" thổi giá đất tăng chóng mặt, Bắc Giang tăng cường kiểm soát kinh doanh bất động sản

    Thời gian qua, việc "cò đất", giới đầu cơ đi gom đất "thổi giá" khiến thị trường bất động sản tăng cao ở một số địa phương. Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động làm giá, thổi giá BĐS.

    Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp quản lý, kiểm soát hoạt động môi giới BĐS của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện môi giới, mua bán BĐS không đúng theo quy định của pháp luật.

    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS.

    Chủ đầu tư các dự án kinh doanh BĐS thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý khai thác dự án BĐS theo quy định của pháp luật. Công khai đầy đủ, chính xác các thông tin về dự án, BĐS đưa vào kinh doanh theo quy định.

    Không được huy động vốn khi chưa đủ điều kiện kinh doanh BĐS theo quy định. Ký hợp đồng với các sàn giao dịch BĐS, đơn vị tư vấn bán hàng khi đủ điều kiện huy động vốn, đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…

    Tháo gỡ “vướng mắc” cho nhà ở xã hội

    Tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NOXH ở khu vực đô thị. Sắp tới sẽ có 278 dự án được triển khai, trong đó hoàn thành xây dựng 121 dự án NOXH cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ và khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ.

    Tuy nhiên, kết quả đó vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra về phát triển NOXH, đặc biệt là NOXH cho công nhân.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/4 - Ảnh 2
    Ảnh minh họa.

    Trước nhu cầu này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây có văn bản gửi UBND Tp.HCM nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn của 57 doanh nghiệp đang triển khai đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.

    Các vướng mắc tại 64 dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là về giải phóng mặt bằng, dự án vướng sai phạm trong đầu tư xây dựng nên chưa hoàn tất thủ tục giao đất, các sở ngành chậm xác định giá bán nhà ở xã hội nên chưa cấp được sổ cho người mua nhà…

    Theo HoREA, hầu hết vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được thành phố gỡ vướng. Vướng mắc chủ yếu như: Lãi suất ưu đãi, thuế, tiền sử dụng đất và quy định đối với người mua.

    Khi triển khai dự án NOXH, chủ đầu tư và người mua nhà nhận được nhiều ưu đãi về tiền sử dụng đất, vốn vay lãi suất thấp… Thế nhưng chịu nhiều ràng buộc như 5 năm mới được phép chuyển nhượng, chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận.

    Nhà đầu tư lo ngại đỉnh bất động sản đã xuất hiện, phân vân xuống tiền?

    Giá bất động sản đã tăng không ngừng kể từ thời điểm thị trường địa ốc phục hồi. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, đỉnh bất động sản đã xuất hiện, việc xuống tiền thời điểm này sẽ không mang lại lợi nhuận tốt.

    Anh Thành, 32 tuổi, nhân viên trong công ty dược ở Hà Nội, hiện đang có 2 tỷ trong tài khoản. Điều khiến anh Thành lăn tăn nhiều tháng qua, đó là có nên xuống tiền vào bất động sản trong thời điểm này.

    Theo anh Thành chia sẻ, nếu giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm, khả năng sinh lời chậm vì lãi suất chỉ khoảng 5%/1 năm. Chưa kể lạm phát đang xảy ra, anh Thành sợ khoản tiền tiết kiệm sẽ ngày càng mất giá. Thế nên, anh dự tính mua một lô đất để dành.

    "Khi đi khảo sát ở các nơi, cứ ở đâu có chút tiềm năng, giá đều đã tăng gấp theo lần chỉ trong vòng 1-3 năm. Tôi thấy giá bất động sản tăng quá lâu trong suốt thời gian vừa qua. Nên tôi đang sợ vào tiền lúc này, lại đúng thời điểm "đỉnh sóng", sau phải đợi tới 5-10 năm chôn vốn", anh Thành cho hay.

    Theo ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro, thực tế, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp biết rằng, giá bất động sản đã tăng cao nhưng họ chấp nhận mọi rủi ro để xuống tiền. Vì họ có thể dự báo giá bất động sản sẽ còn tăng tiếp.

    Cũng theo ông Thành, nhà đầu tư sẽ phải đánh giá được biến động của thị trường bất động sản để vào hàng hay ra hàng nhịp nhàng.

    Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, đầu tư bất động sản ở thời điểm hiện tại sẽ không lời trên diện rộng như trước. Các nhà đầu tư không phải nhà lướt sóng cần lưu ý kết hợp yếu tố sinh lời và thanh khoản. Nếu chấp nhận chọn yếu tố sinh lời cao như đất nền nơi xa thì phải dự trù có thể ôm 2, 3 năm thậm chí hơn vì thanh khoản kém.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới