Thứ sáu, 04/10/2024 02:35 (GMT+7)
    Thứ hai, 04/04/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 4/4

    Theo dõi KTMT trên

    Ngăn ngừa sai phạm trong đấu giá đất: Giải pháp nào đủ mạnh, hợp lý?; Dự án Sân bay Long Thành: Hơn 1.600 hộ được bàn giao đất tái định cư; Hạ tầng triển khai, giá bất động sản đồng loạt tăng "phi mã"… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Dự án Sân bay Long Thành: Hơn 1.600 hộ được bàn giao đất tái định cư

    Hiện ngành chức năng huyện Long Thành đang tập trung nhân lực, ưu tiên xét duyệt tái định cư đối với các hộ nằm trong phạm vi 2.500 ha thuộc giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành.

    Ngày 4/4, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cho biết đến nay, huyện Long Thành đã tổ chức bốc thăm, bàn giao đất tái định cư tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn cho hơn 1.600 hộ vùng Dự án sân bay Long Thành.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 4/4 - Ảnh 1
    Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn đang trong quá trình xây dựng. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

    Sau khi được bàn giao đất, hàng trăm hộ đã tiến hành xây dựng nhà ở và chuyển đến Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sinh sống.

    Theo ông Lê Văn Tiếp, để thực hiện Dự án sân bay Long Thành, Đồng Nai phải thu hồi 5.000 ha đất của nhiều tổ chức và hơn 5.000 hộ. Trong số này, trên 4.300 hộ bị giải tỏa trắng và thuộc diện bố trí tái định cư.

    Hiện ngành chức năng huyện Long Thành đang tập trung nhân lực, ưu tiên xét duyệt tái định cư đối với các hộ nằm trong phạm vi 2.500 ha thuộc giai đoạn 1 Dự án sân bay Long Thành.

    Tại khu vực này, 45 hộ dân chưa được Hội đồng xét tái định cư cấp xã xét duyệt hồ sơ. Ngoài ra, vùng dự án có nhiều trường hợp dù đã được nhận tiền đền bù, hỗ trợ nhưng vẫn chưa được cấp đất tái định cư dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

    “Huyện Long Thành đã yêu cầu xã Bình Sơn nhanh chóng hoàn tất việc xét tái định cư cho các hộ vùng Dự án sân bay Long Thành, đặc biệt là các hộ nằm trong giai đoạn 1 dự án và những hộ ngoài khu vực ưu tiên nhưng đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ,” ông Lê Văn Tiếp cho biết thêm.

    Đối với công tác giải phóng mặt bằng khu vực hơn 2.500 ha Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, tỉnh Đồng Nai đã bàn giao cho chủ đầu tư gần 2.400 ha. Với diện tích còn lại, ngành chức năng sẽ bàn giao cho chủ đầu tư trong thời gian tới.

    Ngăn ngừa sai phạm trong đấu giá đất: Giải pháp nào đủ mạnh, hợp lý?

    Vấn nạn “quân xanh quân đỏ”, dìm giá trong đấu giá đất đai ở nhiều địa phương không có gì lạ. Sau vụ lùm xùm ở Thủ Thiêm, nhiều nơi vẫn xảy ra các vụ đấu giá với nhiều dấu hiệu bất thường. Nhiều chuyên gia nói rằng ngăn chặn việc này không khó, nhưng giải pháp nào đủ mạnh thì xem ra vẫn còn phải chờ, nhất là khi nhiều tỉnh mới chỉ siết lại ở… văn bản.

    Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao cho Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, thẩm tra mối quan hệ giữa những người tham gia đấu giá, trực tiếp đấu giá khu đất rộng gần 80.000 m2 ở An Hải-An Hội, huyện Côn Đảo với giá khởi điểm 537,1 tỷ đồng, hình thức thuê đất trả tiền một lần.

    Ngày 25/12/2019, khu đất trên được đưa ra đấu giá có hai cá nhân tham gia là bà Trần Ngọc B. (ngụ đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) và bà Võ Thị K.C. (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Tại vòng 1, bà Trần Ngọc B. trả giá hơn 537,3 tỷ đồng, còn bà Võ Thị K.C trả giá 537,2 tỷ đồng. Sang vòng 2, cả hai người này đều không nhận phiếu trả giá và kết quả, bà Trần Ngọc B trúng đấu giá với số tiền như trên.

    Quá trình thẩm định vụ đấu giá, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định mối quan hệ nhân thân của những người tham gia đấu giá.

    Luật sư-Đấu giá viên Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, để có được một phiên đấu giá đúng luật, bản thân người có tài sản bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá, người tham gia đấu giá đều phải tuân thủ những quy định hết sức chặt chẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016 và các văn bản có liên quan.

    Ông Lê Trung Phát nói rằng, vấn nạn “quân xanh quân đỏ”, dìm giá là việc không có gì lạ. Nhiều khi nó ảnh hưởng đến lợi ích của người có tài sản nhưng họ không dám lên tiếng. Do đó, nếu người tham gia đấu giá trúng đấu với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 3-5% thì quả thật cuộc đấu giá đó có vấn đề.

    Siết phân lô bán nền, Thái Nguyên quy định tách trên 3 thửa đất phải lập dự án nhà ở

    Trong quy định mới về tách thửa, UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu sau khi tách, số thửa hình thành lớn hơn 3 thửa đất, có phát sinh thêm đường giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

    UBND tỉnh Thái Nguyên vừa có quyết định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn. Trong đó, quy định điều kiện cụ thể được tách thửa đất.

    Đối với đất ở, UBND tỉnh Thái Nguyên quy định thửa đất tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông.

    Cụ thể, tại các phường, thị trấn diện tích tối thiểu không bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và các thửa đất sau khi tách không nhỏ hơn 40 m2; tại các xã thuộc thị xã, thành phố tối thiểu không nhỏ hơn 50 m2, tại các xã thuộc huyện diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 60 m2…

    Trường hợp khi tách thửa có phát sinh thêm đường giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khi tách thửa đất người sử dụng đất có đơn xin tự nguyện trả đất làm đường để tách thửa kèm theo bản vẽ tổng mặt bằng khu đất. Sau khi được UBND cấp huyện chấp thuận việc tự nguyện trả.

    Diện tích tối thiểu, kích thước thửa đất, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật được thực hiện theo quy định và bản vẽ tổng mặt bằng được chấp thuận.

    Đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi trồng thủy sản: diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách bằng hoặc lớn hơn 150 m2/thửa.

    Đối với đất rừng sản xuất: diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách bằng hoặc lớn hơn 1.000 m2/thửa.

    Thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa phải đảm bảo việc cấp nước, thoát nước…, phải thực hiện đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự.

    Tỉnh Thái Nguyên cũng quy định cụ thể điều kiện tách thửa đối với thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất (có nhiều loại đất trên cùng thửa đất).

    Hạ tầng triển khai, giá bất động sản đồng loạt tăng "phi mã"

    Đầu năm 2022, giá đất vùng ven có xu hướng tiệm cận giá đất khu vực trung tâm sau khi các thông tin quy hoạch được công bố. Theo ghi nhận của Dat Xanh Services có nơi giá bất động sản đã tăng tới 38%.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 4/4 - Ảnh 2

    Theo báo cáo quý I/2022 của Dat Xanh Services, diễn biến thị trường bất động sản trong năm 2022 sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Khu vực miền Bắc tiếp tục là địa phương được hưởng lợi từ các dự án trọng điểm, với nhiều địa phương có kế hoạch đầu tư công cao nhất giai đoạn 2021 - 2025 như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh.

    Trong năm 2022 sẽ chứng kiến việc đẩy mạnh các hạ tầng vùng ven tại khu vực miền Bắc như Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, Cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường nối 2 cao tốc trọng điểm tại phía Bắc…, hay mở rộng cao tốc về phía Tây và vùng ven biển phía Nam như Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh, các dự án nối bờ Đông và bờ Tây như Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

    Nhận định về nguồn cung tương lai, loại hình đất nền sẽ tiếp tục dẫn đầu trong quý tới, loại hình nhà xây sẵn dự kiến chiếm lĩnh thị trường trong thời gian gần. Giá bán chủ yếu sẽ tăng theo tiến độ thông tin quy hoạch hạ tầng, tiện ích. Dự kiến, nguồn cung sẽ có bước khởi sắc hơn trong quý tới khi có thông tin về nhiều dự án mở bán sau thời gian dài giữ chỗ, giá bán mới sẽ tăng 5%-10% trước thông tin nhiều dự án hạ tầng sắp triển khai.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 4/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

    Tin mới

    "Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
    Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.