Thứ bảy, 27/04/2024 07:52 (GMT+7)
    Thứ sáu, 11/03/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 11/3

    Theo dõi KTMT trên

    Bất động sản công nghiệp tiếp tục 'nóng' ; "Sóng" đất nền "bùng nổ" ở nhiều địa phương, người mua nhà ở thực có nên mua ; "Thổi" giá đất thông qua đấu giá gây thiệt hại cho người có nhu cầu thực… là tin bất động sản nổi bật trong ngày hôm nay.

    Quy định chi tiết về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong xây dựng

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

    Nghị định 20/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) đối với bên thứ ba.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 11/3 - Ảnh 1
    Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. (nguồn: Internet).

    Cụ thể, về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba.

    Chi phí mua bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba tương tự như chi phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường và phù hợp với đối tượng phải mua bảo hiểm là nhà thầu thi công xây dựng công trình. Do vậy, Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm c khoản 4 Điều 3 như sau: Đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường, bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba: Phí bảo hiểm được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.

    Đồng thời, Nghị định bổ sung quy định về thời hạn bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba là khoảng thời gian cụ thể, tính từ ngày bắt đầu đến ngày kết thúc thời gian xây dụng căn cứ vào hợp đồng xây dựng và được ghi trong hợp đồng bảo hiểm.

    "Thổi" giá đất thông qua đấu giá gây thiệt hại cho người có nhu cầu thực

    Nhiều trường hợp doanh nghiệp, cá nhân trả giá đất cao ngất ngưởng trong các phiên đấu giá đã bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản và bức xúc, thiệt hại cho người có nhu cầu thực.

    2021 được xem là năm bùng nổ của hàng loạt các phiên đấu giá đất ở các địa phương. Nhiều lô đất trúng đấu giá gấp đôi so với giá khởi điểm, thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, sau đó là hàng loạt trường hợp doanh nghiệp, cá nhân "bỏ của chạy lấy người", khiến kết quả các cuộc đấu giá bị hủy bỏ.

    Mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã làm các thủ tục có liên quan để hủy kết quả đấu giá 4 lô đất bỏ cọc sau phiên đấu giá 25 lô đất khu tái định cư X4 (phường Mai Dịch).

    Theo Trung tâm này, bà N.T.H. (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là khách hàng trúng đấu giá 3 lô đất A12, B19, B29. Theo đó, lô A12 rộng 43,7m2 giá khởi điểm 110,2 triệu đồng/m2 đã được trả lên 289,2 triệu đồng/m2. Ông P.Q.T. (quận Đống Đa, Hà Nội) là người trúng lô E12, rộng 81,9m2, có giá khởi điểm 113,3 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá lên đến 232,3 triệu đồng/m2.

    Theo kết quả trúng đấu giá, ngoài số tiền cọc 3,2 tỷ đồng thì hai cá nhân của 4 lô đất nói trên phải nộp khoảng 42 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 90 ngày kết thúc thời gian nộp tiền sử dụng đất người trúng đấu giá không nộp tiền theo quy định và chấp nhận mất cọc.

    "Sóng" đất nền "bùng nổ" ở nhiều địa phương, người mua nhà ở thực có nên mua

    Hiện tượng sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đã có dấu hiệu quay trở lại ngay trong hai tháng đầu năm 2022, và thời điểm này ở nhiều địa phương "sóng" đất nền "bùng nổ", khiến người mua nhà ở thực vân vân.

    Để lý giải về nguyên nhân sóng đất nền ở nhiều địa phương hiện nay đang “bùng nổ” có thể nói, so với các tài sản cá nhân như tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán hay vàng thì bất động sản (BĐS) vẫn có ưu thế vượt trội về khả năng thanh khoản và sử dụng linh hoạt. Dù đầu tư vào BĐS vùng trung tâm hay ở ngoại thành, đất thổ cư hay đất nông nghiệp, chung cư hoặc nhà phố thì tính thanh khoản vẫn là mục tiêu hàng đầu được các nhà đầu tư nhắm đến.

    Để xác định một dự án có tính thanh khoản cao, nhà đầu tư cần xem xét thủ tục hành chính đầy đủ, tính pháp lý minh bạch, vị trí dự án, chất lượng công trình, hệ thống dịch vụ tiện ích, không gian sống xanh, cũng như là tiềm lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư.

    Theo nhiều chuyên gia về BĐS nhận định, hiện nay, nguồn cung BĐS dồi dào chính nhờ tính thanh khoản và khả năng sinh lời cao. Nhiều dự án mới đang được các chủ đầu tư tiếp tục “bung hàng”. Đặc biệt, phân khúc đất nền được nhiều khách hàng trí thức “săn đón” trên thị trường khi nhu cầu về đầu tư không ngừng gia tăng.

    Cùng với đó, thời điểm này, những địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế và có khu công nghiệp phát triển đang là “điểm nóng” của đầu tư đất nền.

    Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản nhìn nhận về thị trường cho rằng, các cơn sốt đất diễn ra chủ yếu là "sốt qua miệng cò", tức do giới "cò đất" làm giá, sử dụng các chiêu trò để đẩy giá đất lên cao song giao dịch thực tế lại không đáng kể.

    Tuy vậy, ông Đính cũng cho rằng những cơn sốt đất dù thật hay ảo cũng đều dẫn đến việc giá đất thiết lập một mặt bằng mới, trong nhiều trường hợp, mức giá đó vượt xa thu nhập của người dân và không ít có nhu cầu ở thực không thể mua nổi đất.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 11/3 - Ảnh 2
    Loại hình đất nền chứng kiến cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng bán tăng ở nhiều địa phương tăng cao. (Ảnh minh họa)

    Bất động sản công nghiệp tiếp tục 'nóng'

    Nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm nhà xưởng để mở rộng kinh doanh sau đại dịch, kích thích chủ đầu tư gia tăng quỹ đất và phát triển dự án mới.

    Trong một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quốc Minh - Chủ tịch HĐQT Con Cưng - cho biết nhu cầu kho bãi đang tăng cao theo sự phát triển của doanh nghiệp. Năm vừa qua, chuỗi cửa hàng mẹ và bé tăng trưởng đến 50%, tỷ lệ này dự kiến đạt 70% trong năm nay.

    Do đó, bên cạnh một kho hàng đã mua rộng khoảng 10.000 m2 và một số kho thuê lại khác, Con Cưng dự định tiếp tục mua thêm một kho hàng lớn khác.

    Với nhà sản xuất máy ép phun framas (Đức), ông Fabian Urban, Giám đốc phụ trách mảng công nghệ giày dép tại Việt Nam cũng cho biết vừa thuê khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000 m2 tại Khu công nghiệp KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai) theo hợp đồng 10 năm.

    “Nhà máy mới của chúng tôi tại Nhơn Trạch 2 nằm trong chiến lược theo đuổi lĩnh vực giày dép đang trên đà phát triển tại Việt Nam. Cơ sở mới cho phép chúng tôi đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của khách hàng, cung cấp cho họ các sản phẩm chất lượng cao và hiệu quả trong thời gian ngắn", ông Fabian Urban chia sẻ.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 11/3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới