Thứ sáu, 22/11/2024 04:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/09/2022 16:00 (GMT+7)

Tìm hướng đi trong du lịch kết hợp kinh doanh (MICE)

Theo dõi KTMT trên

“Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đã xác định, thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch đến với Việt Nam.

Nhiều điểm sáng du lịch trong 8 tháng đầu năm

Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2022) đang diễn ra, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Du lịch cấp cao với chủ đề mang tên “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”.

Sự kiện có sự góp mặt của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia; Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào; Bộ trưởng Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar; lãnh đạo tỉnh, TP; cùng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp ngành lữ hành…

Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển loại hình du lịch MICE - tên đầy đủ tiếng Anh là Meeting Incentive Conference Event (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tích cực đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tìm hướng đi trong du lịch kết hợp kinh doanh (MICE) - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo ngành du lịch Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE HCMC 2022).

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin: Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt, lượng khách phần lớn đến từ các thị trường như: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Anh, Đức, Pháp...

Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng qua đạt khoảng 79,8 triệu lượt và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 356.600 tỉ đồng.

Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch, dịch vụ đang trên đà tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 cũng tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu như hiện tại, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19.

Trong đó, việc thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025. Với những tiềm năng phát triển hiện có, du lịch MICE hứa hẹn có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến.

Tuy nhiên, đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Để du lịch MICE có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Tìm hướng đi trong du lịch kết hợp kinh doanh (MICE) - Ảnh 2
Người mua quốc tế tham quan các gian hàng của các công ty du lịch Việt Nam trong hội chợ. 

Chưa tận dụng triệt để tiềm năng du lịch MICE

Phát biểu tham luận về vấn đề phát triển du lịch MICE, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho biết: Tổ chức Du lịch thế giới vừa đưa ra dự báo, đến năm 2025, doanh thu từ du lịch MICE của thế giới sẽ đạt khoảng trên 1.400 tỉ USD, trong đó sẽ tập trung lớn ở khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, được đầu tư xây dựng mạnh mẽ trong những năm gần đây, tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân, Việt Nam được đánh giá sẽ là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Đồng thời, sau dịch Covid-19, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tăng cường các hoạt động gắn kết, đào tạo kỹ năng, tổ chức hội nghị, tìm kiếm đối tác, cơ hội hợp tác đầu tư, nghiên cứu thị trường kết hợp các hoạt động tham quan, mua sắm, giải trí. Đây chính là tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển mạnh mẽ du lịch MICE, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhận thấy được tiềm năng nêu trên, chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa.

Cụ thể, các điểm đến trong nước sẽ thực hiện phát triển loại hình du lịch MICE bao gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM. Điều đặc biệt là việc phát triển du lịch MICE được triển khai gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị. 

Theo ông Hà Văn Siêu, nhu cầu và tiềm năng của du lịch MICE rất lớn nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ. Muốn du lịch MICE thực sự tạo ra những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến phải tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Trong đó, chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE, tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch MICE.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Tìm hướng đi trong du lịch kết hợp kinh doanh (MICE). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.