Tìm giải pháp giảm tác động dịch bệnh nCoV tới xuất nhập khẩu
Dịch bệnh nCoV có tác động mạnh tới các nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động giao lưu thương mại - xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh thông tin, trước các biện pháp quyết liệt để chống dịch như việc cách ly cả một thành phố, hạn chế đi lại, hạn chế xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập đông người, ngừng xuất khẩu các vật tư quan trọng cho nhu cầu chống dịch, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải (nặng nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới), du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics…
Hoạt động thương mại - xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (dự báo có thể từ 6 - 8 tháng).
Cửa khẩu Hữu Nghị trong ngày thông quan ngày 5/1. |
Thương mại biên giới sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất (kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc là khoảng 7 tỉ USD/năm) nên Bộ Công Thương đã đưa ra các cảnh báo cũng như biện pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường, hàng hóa nông sản trong nước.
“Bộ Công Thương đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi tới Bộ NN-PTNT, các tỉnh và doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản; yêu cầu toàn bộ hệ thống thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông, thủy sản, đặc biệt là trái cây; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu.
Các chi nhánh Thương vụ tại Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cũng đã và đang tích cực cùng các tỉnh biên giới trao đổi với phía Trung Quốc về thời gian mở lại các chợ biên giới” - ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Cùng với đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc là giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương tính đến.
“Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo các cơ quan thương vụ khẩn trương tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường khác để có thể hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp nông sản tiêu thụ. Bộ cũng làm việc với các tập đoàn, tổ chức bán lẻ trong nước để đẩy mạnh thu mua các sản phẩm nông sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ ở trong nước” - ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng - Cục XNK Bộ Công Thương cho biết
Theo tính toán của ngành nông nghiệp, tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc là rất lớn, chiếm tới 24% trong tổng số nông sản mà Việt Nam xuất khẩu đi thế giới. Trước những diễn biến khó lường của dịch nCoV, Bộ trưởng Nộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tìm thị trường khác là nhiệm vụ quan trọng, cả trong trước mắt và lâu dài của ngành nông nghiệp.
“Ngay trong tháng này sẽ xúc tiến thương mại tại một số thị trường. Sẽ cử 1 đoàn công tác sang thị trường Mỹ, thị trường Nhật Bản, thị trường Brazil và các thị trường khác vì chiến lược dài hơi hơn, nhân dịp này thì càng thúc đẩy hơn…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành hàng, liên quan đến khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa trong nước vốn nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như ngành dệt may, da giày cũng đang lên kế hoạch tìm nguồn nhập từ các thị trường khác.
Nguyên Long