"Tiêu dùng xanh" - Giải pháp cốt lõi giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng
Trong nhiều năm trở lại đây, tiêu dùng xanh được coi là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Mạnh - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết: Sự tiện lợi, giá thành rẻ của nhựa cùng với văn hóa lạm dụng sản phẩm nhựa một lần và khả năng quản lý rác thải kém khiến tình trạng rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường thiên nhiên ngày một tệ hơn. Do đó, điều cấp bách hiện nay là nâng cao nhận thức cộng đồng để thay đổi hành vi về việc tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trước những thách thức trên, cùng với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát động phong trào chống rác thải nhựa, đã có nhiều hành động, chương trình cụ thể được lan tỏa. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối, kinh doanh bán lẻ, đã chung tay loại bỏ dần thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy ra khỏi hệ thống phân phối, thương mại.
Tiêu dùng xanh là nội dung quan trọng được đề cập trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 của Việt Nam. Hiện nhiều đơn vị đang thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, và đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon. Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong thời gian ngắn không dễ dàng. Bên cạnh các cơ chế, chính sách của nhà nước và chương trình khuyến khích đến từ các nhà bán lẻ, ý thức của mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Theo số liệu khảo sát do Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với các đối tác thực hiện vào tháng 3/2021, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104 nghìn túi mỗi ngày tương đương với 38 triệu túi nilon một năm, một số lượng nilon rất lớn. Tuy nhiên đến năm 2025, nếu siêu thị, trung tâm thương mại nào phát túi nilon dùng một lần cho khách thì sẽ bị phạt.
Hiện, nhiều siêu thị lớn của Việt Nam đã có những hành động cụ thể và thiết thực để giảm thiểu túi nilon cũng như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon. Theo đó, các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon.
Cụ thể như, AEON có dịch vụ “Cho thuê túi môi trường”, khách hàng sẽ được hoàn tiền khi mang trả túi cho lần mua hàng tiếp theo. Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam - cho biết: AEON Việt Nam đã có nhiều sáng kiến trong việc giảm thiểu túi phân hủy sinh học nói riêng và các sản phẩm nhựa dùng một lần nói chung. Theo đó, triển khai Quầy thanh toán ưu tiên cho khách hàng không dùng túi phân hủy sinh học; giảm lượng túi phân hủy sinh học; nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân viên của AEON Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo về môi trường hàng năm…
Cùng với đó, các hãng hàng không Vietjet, Bamboo đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay... Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Các cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…
Việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong thời gian ngắn là không dễ dàng. Bên cạnh các cơ chế chính sách của Nhà Nước và các chương trình khuyến khích đến từ các nhà bán lẻ thì ý thức của mỗi người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, dù đã có những tín hiệu tích cực, thế nhưng một thói quen tiêu dùng lâu nay với túi nilon thì không dễ để thay đổi, rẻ dễ mua, dễ sử dụng, thậm chí được phát miễn phí khiến túi nilon vẫn đang tràn ngập mọi nơi. Chỉ khi người bán, người mua cùng thay đổi hành vi bán hàng, hành vi mua sắm tiêu dùng thì việc mua sắm túi nilon một lần mới được giảm thiểu một cách tối đa. Và không chỉ các kênh mua sắm hiện đại, tại các kênh mua sắm truyền thống sự thay đổi này cũng cần thiết để xây dựng thói quen tiêu dùng xanh.
Qua khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng Việt.
Hải An