Hứa hẹn nhiều sự kiện đặc sắc tại Hội Lim 2023
Hội Lim năm 2023 sẽ được tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 2-3/2/2023 (tức ngày ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Quý Mão).
Hằng năm, lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương về với vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh. Đây là năm đầu tiên hội Lim tổ chức trở lại sau 3 năm bị dừng bởi dịch bệnh.
Tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị tổ chức lễ hội vùng Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) xuân Quý Mão 2023 nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người, quê hương Tiên Du đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.
Hội Lim năm 2023
Hội Lim được diễn ra từ ngày 12 đến hết ngày 13 tháng Giêng, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.
8h ngày 13/1/2023 Âm lịch, Hội Lim sẽ được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia. Trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ, sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần cây số.
Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần . Để hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Đây là phong tục cuốn hút và say mê đặc biệt mà chỉ Bắc Ninh mới có, đó là các sinh hoạt văn hóa hát dân ca Quan họ – loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Hát dân ca Quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại Quan họ) và khắp tại các chùa, đình.
Hội hát Quan họ Bắc Ninh diễn ra ở bất cứ nơi đâu: trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ – dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Chỉ cần nơi đó có các liền anh, liền chị.
Liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bẩy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên, gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người hát Quan họ, bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, mê đắm của thơ ca và nhạc điệu nhằm bày tỏ tình yêu trong sáng, hết lòng vì người kia, chung thủy một lòng ngóng trông của tình yêu đôi lứa.
Nếu bạn có dịp được thưởng thức những khúc quan họ do chính những nghệ nhân mảnh đất Kinh Bắc hát, chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm khiến bạn “nhớ mãi không quên”.
Lấy than, quạt nước, tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.
Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại:
Người ơi, người ở đừng về…
Lịch sử lâu đời
Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú.
Như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…, viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục.
Ngày nay, hội Lim đã từng bước được đổi mới trên cơ sở giữ gìn và kế thừa bản sắc của hội Lim xưa. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao được tổ chức tại hội Lim: biểu diễn phục vụ của Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh và nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các làng quan họ trong vùng tổ chức dựng trại hát giao lưu với nhau và với quý khách về dự hội.
Nhiều trò vui dân gian của hội Lim xưa được khôi phục như đu tiên, cờ người, tổ tôm điếm, thi dệt vải… cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao như đấu bóng chuyền, cầu lông, vật, chọi gà…
Tham gia tổ chức lễ hội không chỉ có nhân dân vùng Lim, mà cả nhân dân các làng quan họ, cuốn hút hàng chục vạn quý khách trong nước và nước ngoài cùng tham dự. Vì vậy, hội Lim ngày nay càng hấp dẫn, trở thành lễ hội mang tính quốc gia, là sinh hoạt văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây là một lễ hội truyền thống chắc chắn những người yêu thích du lịch hay cả những người yêu nét đẹp văn hóa dân tộc cũng nên trải nghiệm.
Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.
Cách ông bà tổ chức hội Lim cũng thật đặc biêt, mỗi biểu tượng, cử chỉ như mang trong mình thứ gì đó tinh tế lạ thường của người Kinh Bắc. Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Quan họ trở thành văn hóa phi vật thể, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hội Lim là lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. UNESCO đánh giá rất cao giá trị văn hóa đặc biệt của Quan họ về thực tiễn xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, hành vi văn hóa, lời bài hát và trang phục.
Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Hằng năm, lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương về với vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh. Đây là năm đầu tiên hội Lim tổ chức trở lại sau 3 năm bị dừng bởi dịch bệnh.
Quang Huy