Thứ bảy, 27/07/2024 06:39 (GMT+7)
Thứ tư, 15/05/2024 12:00 (GMT+7)

Tích hợp, xử lý toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường trong một hệ thống

Theo dõi KTMT trên

Ngày 14/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia

Đến dự và chủ trì buổi Lễ khánh thành có các đồng chí Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Võ Tuấn Nhân - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham dự buổi Lễ khánh thành có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và 10 Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) quản lý và vận hành; có địa chỉ tại số 79 Văn Tiến Dũng, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Tích hợp, xử lý toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường trong một hệ thống - Ảnh 1
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh Thứ trưởng Lê Công Thành cùng đại diện các cơ quan, đơn vị nhấn nút khánh thành Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia. (Nguồn: Trang thông tin Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường).

Trung tâm được xây dựng đáp ứng chủ trương chuyển đổi số của ngành Tài nguyên và Môi trường, góp phần phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Điều hành mạng lưới quan trắc môi trường đã hoàn thành, đáp ứng tiến độ đề ra. Trung tâm được xây dựng với mục tiêu tích hợp toàn bộ hệ thống dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường trong một hệ thống chung, chia sẻ dữ liệu và công bố thông tin chất lượng môi trường trên toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai một số mô hình chuyển đổi số bảo đảm thông tin đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao nhằm hướng đến thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể Quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024.

Hiện tại, Trung tâm đang tiếp nhận, xử lý, phân tích số liệu quan trắc tự động của 05 (năm) dạng dữ liệu (gồm: không khí xung quanh, nước mặt, nước thải, khí thải và nước ngầm) từ gần 2.000 Trạm quan trắc môi trường trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động (EnviSoft).

Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương với 3 nội dung quan trọng, đó là: Theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước và không khí; đồng thời đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí các vùng, các địa phương thông qua chỉ số AQI; Theo dõi, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, khu - cụm công nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt, truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục theo quy định; qua đó, giúp nâng cao hiệu quả giám sát các nguồn thải lớn; hỗ trợ công tác công bố, công khai thông tin quan trắc môi trường theo quy định.

Các dữ liệu quan trắc môi trường xung quanh và quan trắc nguồn thải được thu nhận từ các hệ thống quan trắc tự động, liên tục là nguồn thông tin đầu vào tin cậy để phục vụ hiệu quả công tác công bố, công khai thông tin quan trắc môi trường đến các nhà quản lý và người dân. Việc công bố, công khai thông tin được thực hiện thông qua nền tảng web và ứng dụng di động (trên trang web của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, Ứng dụng EnviSoft và VNAir). Các dữ liệu về quan trắc nêu trên cũng được kết nối liên thông với Hệ thống thông tin điện tử phục vụ điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phát triển các nền tảng phục vụ dự báo, cảnh báo môi trường theo cách tiếp cận đa mô hình và đa nguồn dữ liệu; trước mắt tập trung phát triển cảnh báo và tiến tới dự báo chất lượng môi trường tại một số thành phố lớn.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và các đơn vị chuyên môn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ xử lý thông tin quan trắc môi trường, đáp ứng kịp thời cho công bố công khai thông tin về chất lượng môi trường.

Bên cạnh đó, ông Thành yêu cầu rà soát, đôn đốc chủ các dự án, cơ sở, khu kinh doanh, sản xuất dịch vụ tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động theo quy định; hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Tích hợp, xử lý toàn bộ dữ liệu quan trắc môi trường trong một hệ thống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.