Tỉ lệ phương tiện sử dụng thu phí không dừng tại TP.HCM tăng cao
Sau hơn một tháng triển khai thu phí tự động không dừng (ETC), lượng xe ô tô sử dụng ETC tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn TP. HCM tăng cao so với thời điểm trước trước đó.
Kể từ ngày 1/8/2022, tại trạm thu phí An Sương - An Lạc chính thức triển khai 10 làn ETC và 2 làn hỗn hợp; trạm thu phí cầu Phú Mỹ triển khai 6 làn ETC và 2 làn hỗn hợp; trạm thu phí Xa lộ Hà Nội triển khai 14 làn ETC và 2 làn hỗn hợp.
Dựa trên báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), tính từ ngày 1/8 đến ngày 30/8/2022, tổng số lượt ô tô lưu thông qua 3 trạm thu phí An Sương - An Lạc, Xa lộ Hà Nội và cầu Phú Mỹ là 3.386.107 lượt.
Trong đó, số lượng xe sử dụng thu phí tự động không dừng ETC là 2.768.672 lượt (đạt 81,77%), số lượng xe thu phí một dừng MTC là 617.435 lượt (chiếm 18,23%).
Cho đến hiện tại, tỉ lệ thu phí ETC đang trên đà tăng cao so với thời điểm 1 tháng trước khi triển khai. Cụ thể: Trạm An Sương - An Lạc là khu vực có tỉ lệ thu phí ETC tăng mạnh nhất, đạt 75,87% (tăng 21,27%); tiếp đó là trạm Xa lộ Hà Nội đạt 87% (tăng 19,8%) và trạm cầu Phú Mỹ đạt 84,28% (tăng 18,96%).
Đối với tỉ lệ thu phí một dừng MTC thì lại có dấu hiệu giảm mạnh so với thời điểm trước khi triển khai. Cụ thể tại trạm An Sương - An Lạc tỉ lẹ thu phí này chỉ còn 24,13% (giảm 21,27%); trạm Xa lộ Hà Nội còn 13% (giảm 19,8%); trạm cầu Phú Mỹ còn 15,72% (giảm 18,96%).
Ngoài ra, theo số liệu do các đơn vị dịch vụ thu phí không dừng cung cấp, tính đến ngày 30/8/2022, trên địa bàn TP có 552.323 xe ô tô dán thẻ thu phí không dừng, chiếm 77,3% tổng số xe ô tô đăng ký (tăng 17,6% so với tháng 7/2022).
Riêng số lượng xe gắn thẻ ETC của Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí không dừng (VETC) là 332.000 xe và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) là 190.323 xe.
Sở GTVT TP. HCM cho biết, sau 1 tháng triển khai thu phí tự động không dừng ETC thì đã xảy ra một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hệ thống thẻ ETC có tỷ lệ đọc thẻ thất bại tại các trạm thu phí tăng lên nhanh, đặc biệt là loại thẻ do VDTC phát hành.
Thống kê tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ, tỉ lệ đọc thất bại của thẻ VDTC hiện rơi vào khoảng 10,2%; VETC khoảng 2,8%. Trước đây, tỷ lệ đọc thẻ thất bại tại trạm này chỉ khoảng 0,5%.
Trước tình hình đó, Sở GTVT TP. HCM đã đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý các trường hợp thẻ lỗi, thẻ dán không đạt chất lượng, dán/kích hoạt sai thông tin nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ ETC tại trạm và đảm bảo hạn chế đến mức tối thiểu việc xe dừng lại chờ nhân viên tại trạm kiểm tra, giải quyết thủ công.
Đồng thời, Sở GTVT TP. HCM cũng đánh giá, sau khi triển khai ETC thì tình hình giao thông qua các Trạm thu phí BOT tương đối ổn định, phương tiện lưu thông thông suốt và nhanh chóng tại các làn thu phí ETC. Tình hình lưu thông tại trạm thu phí Xa lộ Hà Nội và trạm thu phí cầu Phú Mỹ diễn ra bình thường, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Riêng trạm thu phí An Sương - An Lạc thời gian 1 tuần đầu tiên triển khai, có xảy ra hiện tượng ùn ứ, có thời điểm dòng chờ vào làn thu phí hỗn hợp kéo dài khoảng 3 km.
Nhận được thông tin trên, chủ đầu tư đã linh hoạt bố trí thêm mỗi chiều lưu thông từ 1 đến 2 làn thu phí hỗn hợp tùy vào từng thời điểm (có bổ sung thêm người điều tiết, hướng dẫn xe vào làn thu phí).
Đến nay, tình hình lưu thông qua trạm An Sương - An Lạc tương đối ổn định, chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ vào những giờ cao điểm đối với 2 làn MTC còn lại.
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại một số tình huống thường gặp trong quá trình thu phí dẫn đến kéo dài thời gian giao dịch hoặc gây cản trở lưu thông như: Lỗi thẻ; xe không đủ điều kiện lưu thông vào làn ETC; tỷ lệ đọc thẻ thất bại và lượng phương tiện chưa dán thẻ còn nhiều, gây ùn ứ giao thông từ làn hỗn hợp kéo dài ra ngoài khu vực trạm thu phí.
Huỳnh Mai