Thứ bảy, 23/11/2024 03:54 (GMT+7)
Thứ ba, 12/10/2021 13:50 (GMT+7)

Thủy triều đỏ, vẻ đẹp hiếm có hay lời tố cáo sự xâm hại môi trường biển?

Theo dõi KTMT trên

Nước biển có màu đỏ (thủy triều đỏ) được xem là kẻ thù của các động vật biển. Đặc biệt, các loài cá sống ở vùng nước biển đỏ có nguy cơ chết vì bị ngạt.

Hiện tượng nước biển có màu đỏ xảy ra lần đầu tiên vào năm 1971 tại vùng biển Kagosin tại Nhật Bản. Vào một buổi sáng sớm, ngư dân ở nơi đây bỗng chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ, chỉ trong một đêm nước biển đang từ màu xanh chuyển sang màu đỏ. Tin tức truyền đi rất nhanh, dân chúng ở các vùng kéo nhau đến bờ biển Kagosin ngắm cảnh đẹp hiếm có.

Tuy nhiên, đó không phải là một cảnh đẹp mà là một tai họa lớn. Hiện tượng nước biển có màu đỏ đã gây ra những hậu quả khôn lường cho môi trường và cuộc sống của người dân ven biển. Sau đó không lâu, gió từ biển khơi đưa vào mùi tanh nồng rồi xuất hiện vô số cá chết nổi trôi dạt vào bờ biển. Ðến lúc đó ngư dân vùng biển Kagosin mới nhận ra rằng nguồn sống của họ sẽ bị cạn kiệt.

Thủy triều đỏ, vẻ đẹp hiếm có hay lời tố cáo sự xâm hại môi trường biển? - Ảnh 1
Nước biển màu đỏ là kẻ thù của các loài động vật biển. (Ảnh minh họa)

Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo các nhà khoa học nghiên cứu, nguyên nhân chính là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và phân hóa học ở đồng ruộng đã hòa lẫn với nước mưa chảy ra biển Kagosin. Lẽ ra nước sông, nước ruộng chảy ra biển đem theo các chất hữu cơ và dinh dưỡng như các hợp chất của nitơ, photpho, cacbon với tỉ lệ thích hợp sẽ có ích cho biển.

Nhưng các chất dinh dưỡng đó quá nhiều khiến nước biển bị bão hòa, chúng tiêu hóa hết khí oxy hòa tan trong nước biển khiến tôm cá không còn oxy để thở, ngược lại các sinh vật phù du như tảo sinh sôi rất nhanh. Màu đỏ của nước biển chính là màu của một loại tảo. Do các loại tảo có màu khác nhau nên có khi nước biển chuyển thành màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

Nước biển đỏ là kẻ thù lớn của nghề cá. Biển ở đâu xuất hiện màu đỏ, cá ở đó sẽ bị chết vì ngạt thở, không những thế hiện tượng nước biển đỏ xuất hiện không ngắn như ảo ảnh ở biển mà tồn tại khá lâu, có nơi kéo dài tới hơn 1.700 ngày như vùng biển Nhật Bản.

Ngoài ra, vào tháng 8/1978, vùng biển Bột Hải ở Trung Quốc cũng xuất hiện hiện tượng nước biển đỏ trên một diện tích 560 km2 suốt hơn 20 ngày. Các nhà khoa học đã kết luận đó là do nguồn nước thải ra từ thành phố Thiên Tân và Bắc Kinh gây ra. Qua đó có thể thấy rằng, hiện tượng nước biển đỏ không phải lây lan từ nước khác sang mà là "sản phẩm" của chính những quốc gia đang phá hoại môi trường biển.

Do đó, để phòng ngừa hiện tượng nước biển đỏ, con người nhất thiết phải giảm bớt việc đổ các chất hữu cơ và các chất giàu dinh dưỡng ra môi trường biển, bảo vệ biển xanh cũng như các loài sinh vật biển. 

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thủy triều đỏ, vẻ đẹp hiếm có hay lời tố cáo sự xâm hại môi trường biển?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới