Côn trùng có thực sự là loài sinh vật gây hại cho hành tinh?
Trên Trái Đất có khoảng 1 triệu loài côn trùng, trong số đó, chỉ có 500 loài chuyên phá hoại lúa màu và cây ăn quả. Số còn lại có ích cho con người, tiêu diệt các loại côn trùng có hại và bảo vệ nông sản.
Theo thống kê của các nhà khoa học, tại Mỹ, mỗi năm sâu bọ phá hủy tới 33% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp (tương ứng trên 14 tỉ USD). Ở Trung Quốc mỗi năm sâu bọ gây tổn thất 10% sản lượng lương thực, 33% sản lượng rau xanh và 40% sản lượng các trái cây các loại.
Côn trùng còn là vật trung gian truyền bệnh đáng lo ngại. Ví dụ như trên mình con gián sống trong nhà, người ta đã tìm thấy 14 loại vi khuẩn gây các bệnh hen, viêm mũi, phổi, viêm kết mạc mắt, viêm dạ dày, ruột non...
Vậy có phải tất cả các loài côn trùng đều là mối nguy hại đe dọa hành tinh này?
Bên cạnh việc phá hoại mùa màng, côn trùng cũng mang lại nhiều lợi ích cho con người, được gọi là các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên. Đồng thời tiêu diệt các loại côn trùng có hại, bảo vệ nông sản. Nhờ đó, cây trồng và hoa màu được bảo vệ.
Các loài côn trùng có ích tiêu diệt sâu hại bằng 2 cách: Bắt mồi và ký sinh. Côn trùng có tính bắt mồi như bọ rùa, chuồn cỏ, bọ ngựa... Chúng có thể ăn trứng, sâu non của nhiều loài sâu có hại. Trong đó, một con bọ rùa chấm có thể ăn trên 130 con rệp muội mỗi ngày. Các loài ong kén, ong mắt đỏ... thuộc loại ong ký sinh. Ong mắt đỏ đẻ trứng vào trứng sâu hại, ong kén đẻ trứng vào cơ thể sâu non và các loại ngài, bướm, ong non sau khi nở ra sẽ ăn luôn trứng và sâu hại.
Con người từ lâu đã phát hiện ra khả năng quý báu của các loài thiên địch này và tìm cách gây giống, nuôi dưỡng, bảo vệ chúng. Việc sử dụng côn trùng để diệt sâu hại có lợi rất lớn, bởi côn trùng tiêu diệt có chọn lọc các loài sâu hại. Không những thế, nó còn giúp người nông dân hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm được ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng xấu tới các loài côn trùng có lợi.
Tuy nhiên, mỗi loài côn trùng có ích chỉ tiêu diệt được một vài loài sâu hại nhất định. Do đó, cần phải có những hiểu biết sâu sắc về các loài côn trùng thì việc sử dụng phương pháp thiên địch để diệt trừ sâu hại mới đạt kết quả tốt.
Hơn nữa, một số loài côn trùng có khả năng làm sạch môi trường, như con bọ hung xấu xí chuyên ăn "chất thải" của động vật. Cụ thể, tại Australia, khi nhập bò và cừu về chăn nuôi đã phải nhập kèm những con bọ hung như vậy từ Trung Quốc để dọn "chất thải" cho các đàn bò và cừu.
Một đặc tính vượt trội hơn cả của côn trùng là giúp cải tạo đất như giun, dế... Giun đất ăn hỗn độn nhiều thứ đất, cát, xác động, thực vật. Các thức ăn này được nghiền nát và được phân hủy một phần bởi các dịch tiêu hóa trong ruột giun. Một phần chất dinh dưỡng được giun hấp thụ. Phần còn lại sẽ thải ra ngoài dưới dạng các viên đất - viên phân. Các con giun còn liên tục đào xới đất, do đó chúng giúp cho đất luôn được tơi xốp, vừa dễ dàng cho cây phát triển, vừa giữ được nước làm đất luôn ẩm.
Như vậy, trong số các côn trùng đang sống trên Trái Đất có rất nhiều loài có ích, giúp diệt trừ côn trùng có hại, cải tạo đất, bảo vệ môi trường và tạo cân bằng sinh thái. Con người phải biết bảo vệ chúng, tạo điều kiện cho chúng phát triển và phát huy được tác dụng tích cực ở mức cao nhất.
Kiến Bulldog đen (Australia) - Loài côn trùng nguy hiểm nhất
Giống kiến Bulldog (Mymecia Spp.) có khoảng 90 loài kiến đặc hữu sống ở lục địa Australia, bao gồm những loài kiến lớn nhất, độc nhất và hung hăng nhất thế giới.
Những con kiến Bulldog đen có chiều dài thân lên tới 25 - 50 mm. Chúng cực kỳ hung hăng, không e sợ bất kỳ loài nào khác, kể cả con người, đôi lúc chúng còn chủ động tấn công kẻ thù khi bị làm phiền hay đe dọa.
Kiến Bulldog đen ở Australia có những cú đốt rất độc. Nọc độc của chúng có thể gây sốc phản vệ tức thời cho nạn nhân, tương tự như khi bị dị ứng nặng, nếu bị đốt nhiều mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Thùy Linh (T/h)