Thứ bảy, 23/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/08/2020 13:00 (GMT+7)

Thủy lợi 4.400 tỉ đồng bế tắc: Gỡ sao cho hết rối

Theo dõi KTMT trên

Dự án thủy lợi 4.400 tỉ Krông Pách Thượng trì trệ 10 năm đang bộc lộ quá nhiều bất cập, vướng mắc và bế tắc.

Đây là thách thức lớn đối với Bộ NN&PTNT lẫn tỉnh Đắk Lắk khi thời hạn hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã cận kề.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Sau gần 10 năm trì trệ, năm 2018 Dự án thủy lợi Krông Pách Thượng được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vốn từ gần 3.000 tỉ đồng lên hơn 4.400 tỉ đồng. Toàn bộ phần chênh lệch hơn 1.400 tỉ đồng đều dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng còn thuận lợi hơn khi Chính phủ phê duyệt một khung chính sách riêng cho dự án. Những khó khăn lớn nhất đã được cấp cao nhất tháo gỡ, những tưởng dự án sẽ khơi thông, nhưng quá trình triển khai lại gặp phải những lực cản, nút thắt mới.

Thủy lợi 4.400 tỉ đồng bế tắc: Gỡ sao cho hết rối - Ảnh 1
Dự án thủy lợi 4.400 tỉ Krông Pách Thượng trì trệ 10 năm đang bộc lộ quá nhiều bất cập, vướng mắc và bế tắc.

Trong đó, vướng mắc khi xác định nguồn gốc đất để lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng là nút thắt lớn nhất lúc này. Ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hầu hết đất đai trong vùng dự án đều có nguồn gốc từ nông lâm trường, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi các quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng, việc xác định nguồn gốc rất dễ xảy ra sai sót, thậm chí có tiêu cực, trục lợi đẩy cơ quan phê duyệt vào thế khó.

“Là cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt các phương án, khi tôi ký phương án tới 40-50 tỉ đồng là tôi run tay. Nói thẳng là như thế vì nguồn gốc nó không đảm bảo nhưng nếu không xử lý thì không đẩy nhanh được tiến độ, mà ký vào thì khi sai sót ai là người chịu trách nhiệm đây” - ông Nguyễn Ngọc Duẩn nêu thực tế.

Liên quan đến những vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, ngày 21/8/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cuộc họp để tháo gỡ. Tuy nhiên, các đơn vị thực hiện vẫn còn lúng túng và các bên liên quan vẫn chưa thống nhất trong việc áp dụng các điều khoản trong văn bản luật và dưới luật.

Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk nêu kiến nghị: “Các cơ quan vẫn còn nhiều băn khoăn trong vấn đề xác định nguồn gốc đất. Đây là công việc rất quan trọng lúc này và cần làm ngay. Mà cơ quan cao nhất hướng dẫn về chuyên môn là Sở Tài nguyên và Môi trường. Vậy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở cử cán bộ, chuyên gia xuống phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo UBND các xã đẩy nhanh tiến độ xác định nguồn gốc đất”.

Nút thắt tiếp theo trong giải phóng mặt bằng là công tác công tác chỉnh lý bản đồ địa chính, kiểm đếm, lập và trình duyệt phương án. Ông Trương Đình Liên, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, điểm mấu chốt là chủ đầu tư phải cung cấp cho được đầy đủ, chính xác các trích lục, bản đồ cao trình thì cấp huyện mới có cơ sở thực hiện.

“Ban A tỉnh đặt hàng chúng tôi đi làm, thế thì bây giờ chúng tôi chỉ biết kêu Ban A tỉnh thôi. Ban A tỉnh làm việc với đơn vị nào thì làm nhưng phải có được trích lục, có được cao trình lòng hồ. Bây giờ cao trình hạ rồi, từ 500m xuống còn 496,5m, nhưng chúng tôi không có bản đồ cao trình để thực hiện giải phóng mặt bằng ở khu vực này” - ông Trương Đình Liên nêu vướng mắc.

Thủy lợi 4.400 tỉ đồng bế tắc: Gỡ sao cho hết rối - Ảnh 2
Các bên liên quan trong dự án còn có những nhận thức, hiểu biết khác nhau.

Cấp cao nhất của tỉnh phải vào cuộc

Với những khó khăn, vướng mắc mà cấp huyện và các bên liên quan nêu ra, ông Trần Văn Sỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh hoàn toàn có thể điều động lực lượng từ các huyện khác về hỗ trợ các huyện vùng dự án để đẩy nhanh tiến độ. Đối với những lo lắng về tiêu cực, trục lợi khi lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp huyện và xã cần triển khai theo hướng công khai, minh bạch, thậm chí có thể mời lực lượng Công an cùng thực hiện.

Riêng vướng mắc trong kiểm đếm, lập và trình duyệt phương án do trích lục, bản đồ chưa đầy đủ, ông Trần Văn Sỹ cho biết, hầu hết vùng lòng hồ chưa có hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Do đó, khi lập phương án thì quan trọng là đảm bảo quyền lợi cho người dân, cấp huyện nên linh động thực hiện, không nên cứng nhắc áp dụng các văn bản quy định.

“Bây giờ bảo không cần trích lục thì không được, do đó tỉnh chỉ có chỉ đạo là trường hợp có biến động như vậy thì thông báo chung, kiểm đếm kết hợp với chỉnh sửa. Bây giờ, bảo tỉnh chỉ đạo như vậy là trái Thông tư 25. Thông tư 25 thì trích lục bản đồ phải chủ, có loại đất nhưng thực tế có đâu để cung cấp” - ông Trần Văn Sỹ nêu ý kiến.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, với những vướng mắc và việc các bên liên quan vẫn còn những nhận thức, hiểu biết khác nhau thì giải phóng mặt bằng sẽ rất khó đạt được theo tiến độ phải hoàn thành trước 30/11/2020. Do đó, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ vào cuộc, không thể thả nổi cho các sở ban ngành như trước.

Thủy lợi 4.400 tỉ đồng bế tắc: Gỡ sao cho hết rối - Ảnh 3
Tình thế sẽ sáng sủa hơn, nếu lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào cuộc nhanh chóng, rõ rệt và thực chất, trên cơ sở dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Cố gắng phải chỉ đạo cho bằng được. Giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp và giao thông tham mưu từng cuộc họp cụ thể cho từng tuần, vướng ở tài nguyên môi trường ở chỗ nào, hay điều động người từ huyện này qua huyện kia, phải tổ chức họp ngay. Trên cơ sở là báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy, tỉnh phải chỉ đạo sát chứ không giao cho sở ban ngành nữa” - ông Y Giang Gry khẳng định.

Trước những bế tắc trong giải phóng mặt bằng dự án thủy lợi Krông Pách thượng, ông Nguyễn Song Lâm, Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình Bộ NN&PTNT lo ngại thời hạn phải hoàn thành dự án vào cuối năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Trong trường hợp không đạt được tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Lâm yêu cầu Đắk Lắk báo cáo Bộ để xem xét và có phương án.

“Thực tế bây giờ đang rất là chậm, tất nhiên là nhiều nguyên nhân và đã biết từ lâu rồi. Bây giờ phải xác định câu trả lời là có làm được hay không làm được, làm được thì phải làm thế nào. Còn nếu không làm được giải phóng mặt bằng thì đề nghị UBND tỉnh phải có văn bản báo cáo Bộ và đề xuất phương án xử lý ra làm sao” - ông Nguyễn Song Lâm yêu cầu.

Trắc trở trong suốt 10 năm, những bất cập, tồn tại ở thủy lợi Krông Pách thượng sẽ là rất nhiều và việc khắc phục sẽ rất khó khăn, đó là thực tế mà các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk và Bộ NN&PTNT đương nhiên phải chấp nhận. Nhưng sớm chấm dứt những khác biệt trong cách nhìn nhận về những những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng giữa các huyện liên quan và sở ngành tỉnh Đắk Lắk là điều cần phải đạt được trước tiên.

Và để đạt được điều này, việc “lãnh đạo UBND tỉnh sẽ vào cuộc, không thể thả nổi cho các sở ban ngành như trước”, như lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đề cập, cần phải được thể hiện thật nhanh chóng, rõ rệt trong thực tế chứ không phải chỉ là lời phát biểu, hứa hẹn trong cuộc họp, hội nghị.

Công Bắc

Bạn đang đọc bài viết Thủy lợi 4.400 tỉ đồng bế tắc: Gỡ sao cho hết rối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới